Quản lý đô thị ở Hà Nội:

Một bộ phận cán bộ bảo kê cho sai phạm

Một bộ phận cán bộ bảo kê cho sai phạm
TP - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình nhận định như vậy tại Hội nghị giao ban lãnh đạo thành phố với cán bộ quận, huyện, sở ngành, sáng qua (29/9).
Một bộ phận cán bộ bảo kê cho sai phạm ảnh 1
Trong báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, công trình 3,5 tầng không phép 207 Phố Huế mọc lên do buông lỏng quản lý, được bao che, dung túng

Cuộc họp diễn ra vào thời điểm sau một năm Hà Tây hợp nhất với Hà Nội.

Thay mặt Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Phí Thái Bình nêu rõ trong báo cáo: Công tác thanh, kiểm tra công trình xây dựng được tăng cường, số công trình vi phạm giảm còn 28 phần trăm so cùng kỳ năm 2008 là 35 phần trăm.

Riêng trong lĩnh vực trật tự xây dựng, gần đây thành phố chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều công trình vi phạm nghiêm trọng tại Công viên Tuổi Trẻ, công trình của Cty Du lịch Yến Long, HTX Thương mại dịch vụ Láng Thượng… đã góp phần răn đe, hạn chế các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đất đai vẫn diễn biến phức tạp, có công trình 6 - 7 tầng mọc ngay trong khu vực phố cổ  như 13 Mã Mây, 24 Hàng Gà, 22 Cầu Đất xây không phép chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, đến khi báo chí đưa tin, thành phố chỉ đạo mới xử lý được.

Lãnh đạo thành phố cho rằng, dân cư đông, nhu cầu cải thiện chỗ ở lớn, việc xây dựng có sự tham gia của mọi tầng lớp “nhà nhà làm xây dựng”, cùng với nhiều nguyên nhân khác, dẫn đến công tác quản lý gặp khó khăn. Thậm chí, người dân có thói quen không muốn xin phép xây dựng mà chịu chi phí trực tiếp cho lực lượng thanh tra, kiểm tra để xong việc!

Có sự can thiệp từ cấp trên

Lãnh đạo thành phố cũng thừa nhận, một bộ phận cán bộ công chức quản lý đô thị còn thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện tiêu cực, bảo kê, vi phạm đạo đức công vụ.

Hà Nội sẽ giảm cấp phó một số đơn vị

Trả lời Tiền Phong sáng 29/9,  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại cán bộ theo hướng tiếp tục luân chuyển cán bộ, trong đó chủ yếu là tăng cường chuyên viên về quận huyện.

Đồng thời để giải quyết vấn đề nhiều sở ngành có quá nhiều cấp phó hiện nay (có sở ngành trên 10 cấp phó), Thành phố đề nghị Trung ương hỗ trợ bằng cách bố trí, sắp xếp một số cán bộ cấp phó để giảm tải cho Hà Nội.

Hiện đề án này đang được Sở Nội vụ chủ trì để tham mưu cho thành phố.

Ở một số trường hợp, có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, tiêu cực bao che, dung túng cho vi phạm: xây dựng trái phép trên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, vụ nhà 207 Phố Huế, khu vực ngoài đê sông Hồng…” – Phó Chủ tịch Phí Thái Bình cho biết.

Cùng với đó, công tác xử lý cán bộ có trách nhiệm nhưng buông lỏng quản lý, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, thiếu kiên quyết, có sự nể nang, ngại va chạm khi xử lý. “Cá biệt có một số trường hợp khi xử lý vi phạm lại có sự can thiệp từ cấp trên” - Ông Bình nhận định.

Từ kinh nghiệm của địa phương, Chủ tịch quận Long Biên Vũ Đức Bảo cho rằng, để tránh tình trạng chủ tịch phường nể nang, né tránh không xử lý công trình sai phạm, phải gây áp lực ngay từ tổ dân phố, phải có bàn tay từ trên kiên quyết chỉ đạo xử lý. Do đó, dù thành phố chưa quy định nhưng quận Long Biên yêu cầu, khi xây dựng chủ công trình phải thông báo cho tổ trưởng dân phố biết để giám sát, phát hiện sai phạm từ đầu.

Dù là việc khó vẫn quyết tâm làm

Phó Chủ tịch Phí Thái Bình cho biết, Hà Nội đề xuất Chính phủ và các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô, đồng thời xem xét quyết định rà soát các đồ án quy hoạch, cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù trong quản lý đô thị, chủ động, linh hoạt thực hiện một số cơ chế đấu thầu.

Thành phố đề nghị, sớm giao một số dự án về cho Hà Nội thực hiện như dự án dùng nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch, sông Nhuệ, dự án đường sắt đô thị…

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, yêu cầu phát triển đô thị đang đặt ra cho thành phố những nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Từ những vụ việc cụ thể (đường vành đai 3, xây dựng không phép ở Mỹ Đình, vụ chặt trộm cây sưa...), Bí thư Thành ủy nói: “Nếu quyết tâm vào cuộc, và chọn ra những việc có tính chất tiêu biểu thì vẫn có thể giải quyết được, cho dù đó là việc khó”.

Riêng lĩnh vực trật tự xây dựng, Bí thư Thành ủy chỉ đạo: Sau vụ xử lý cắt ngọn một số công trình xây dựng sai phép nghiêm trọng, thành phố cần mạnh dạn phát huy kết quả này, tiếp tục rà soát các điểm nóng, phát hiện, xử lý quyết liệt những công trình vi phạm.

Bí thư Thành ủy chỉ đạo, tới đây cần có những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý đô thị, với một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và thời gian tiếp theo.

MỚI - NÓNG