Một bông hồng cho ký ức

Ðường Tôn Ðức Thắng (quận 1 - TPHCM) khi chưa chặt hàng cây. Ảnh: Mai Lê Minh.
Ðường Tôn Ðức Thắng (quận 1 - TPHCM) khi chưa chặt hàng cây. Ảnh: Mai Lê Minh.
TP - Ðô thị ngoài những hối hả bon chen hay vụn vặt ngày thường còn có gì khác nữa?

Thị dân – cư dân sống nơi đô thị - thường hiện ra như những con người luôn thiếu thời gian. Họ lúc nào cũng vội vã nên dù đường ngang ngõ dọc như bàn cờ thì vẫn kẹt xe tắc đường, từ thời đi bộ và xe đạp, thi thoảng đi xe điện đến nay hầu như chỉ có xe máy xe hơi, quán ăn quán cà phê khắp nơi và lúc nào cũng đông như không ai có thể chờ đợi thêm vài phút…

Nhưng đó chỉ là bề nổi và đô thị nào cũng giống nhau ở dáng vẻ bên ngoài. Bản sắc và sức sống lâu bền của đô thị nằm trong sâu thẳm ký ức thị dân, được tạo nên từ những gì quen thuộc do mắt nhìn tai nghe trái tim cảm nhận, và được di truyền bằng cảm xúc, bằng văn chương và nghệ thuật. 

Trong ký ức của người Hà Nội, người Sài Gòn luôn có bóng dáng những hàng cây cổ thụ, “chứng nhân” của sự hình thành và phát triển, của những thăng trầm đô thị. Những hàng cây cao lớn trồng trên vỉa hè bắt đầu từ khi đô thị chuyển mình quy hoạch theo kiểu Pháp, có đường phố vuông vắn bàn cờ, có vỉa hè rộng trồng “cây xanh đô thị” chứ không là vài loại cây vườn tạp như một hoài niệm quê nhà.

Con đường Tôn Ðức Thắng ở quận Một TP Hồ Chí Minh là mảnh ký ức êm đềm của thị dân Sài Gòn. Nối tiếp đường Ðinh Tiên Hoàng – nơi có “tam giác” ba trường đại học Văn Khoa - Dược – Nông Lâm, trước 1975 đường này mang tên nhà yêu nước Cường Ðể. Là con đường lớn vỉa hè rộng rãi, hai bên vỉa hè khuất sau bức tường cao là các Chủng viện, Tu viện xây dựng từ nửa sau thế kỷ 19 còn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Trên đường có bốn hàng cây xanh cao vút tuổi đời trăm năm tạo thành cảnh quan đặc trưng của đô thị Sài Gòn: Ðó là sự  hòa hợp tuyệt vời giữa đường phố, cây xanh và các công trình kiến trúc tôn giáo kiểu phương Tây, tạo nên không khí trầm mặc, bình yên, cổ kính giữa một thành phố sôi động đêm ngày.

Hồi những năm 1990, cách nhau một ngã tư thôi nhưng đường Ðinh Tiên Hoàng đông đúc bao nhiêu thì đường Tôn Ðức Thắng lại yên tĩnh bấy nhiêu. Bên kia là người đi lại tấp nập, xe máy xe đạp kín cả một đoạn đường… Bên này thong thả vài chiếc xe đạp mini và tà áo dài trắng, mấy chiếc xe máy của các cặp tình nhân đi ra bến Bạch Ðằng. Bên kia là đoạn đường trồng vài cây điệp vàng nắng vẫn chói chang, bên này “hàng cây lá xanh gần với nhau” mát rượi, bóng nắng xuyên qua tán lá dày nhảy nhót cùng những chiếc lá khô lăn trên hè phố…

Không biết từ khi nào một đoạn lề đường mọc lên mấy xe đẩy bán “bò nướng lá lốt” bình dân khói um thơm phức cứ chiều tối là đông người ngồi nhậu, người ghé mua về, có cả sinh viên nam nữ ghé ăn như một thứ quà vặt. Từ khi có đường Nguyễn Hữu Cảnh mở ra phía cầu Sài Gòn thì đường Tôn Ðức Thắng ngày càng đông đúc. Hàng quán mọc lên, rồi siêu thị nhà cao tầng… Lòng đường ngày càng trở nên chật chội… Nhưng khi đi dưới bóng mát hàng cây to hai ba người ôm đang bình thản lao xao gió thì ai cũng thấy lòng mình dịu đi bực dọc nóng nảy khi kẹt xe tắc đường.

Nhưng bây giờ hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Ðức Thắng đang bị chặt hạ để làm một cây cầu mới, như vài năm trước Hà Nội chặt cây xanh để làm đường sắt trên cao. Lần lượt từng cây cao lớn xanh tươi bị cắt từng khúc đến tận gốc, dòng nhựa ứa ra đặc quánh như giọt nước mắt người già…

Nhưng kìa, trên những cây xanh còn lại xuất hiện một chiếc nơ vàng xinh xắn, trên mỗi gốc cây đã bị chặt là một bông hồng đỏ thắm… Ðó là lời từ biệt của nhóm bạn trẻ - những người đến đây từ nhiều nơi nhưng họ đã yêu Sài Gòn từ những điều bình dị nhất. Lời từ biệt cây xanh của các bạn trẻ còn là lời cám ơn những thế hệ người Sài Gòn đã lưu giữ một ký ức xanh tươi cho thế hệ hôm nay, dù “vật chứng” cho ký ức ấy chỉ hiện diện trong họ một thời gian ngắn ngủi.

Ðô thị là nơi tụ cư của người tứ xứ. “Ðến đây rồi ở lại đây”, xưa phải tính đến ba đời nhưng nay chỉ cần một đời, thậm chí cư dân thời @ chỉ cần vài năm sống nơi đô thị đã là “người thành phố”. Nhưng “sống ở thành phố” mà chưa có ký ức đô thị thì chưa hẳn là một thị dân, theo ý nghĩa tinh thần. Ký ức làm cho đô thị trở nên thân thuộc, gần gũi, yêu thương hơn… Khi mỗi cảnh quan, công trình mất đi là cộng đồng mất dần một phần ký ức, đô thị mất đi một phần lịch sử. Di sản ký ức giúp cho những người trẻ được tham dự vào lịch sử đô thị, được thấy đô thị là nơi mà họ thuộc về…

 Những chiếc nơ vàng và những bông hồng đỏ tạo nên ký ức của Sài Gòn thế kỷ 21, nhắc nhớ các bạn trẻ về một thành phố để “phát triển” đã đánh đổi bao di sản văn hóa, kể cả ký ức của những cuộc đời…

Sài Gòn 15/1/2018

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.