Một chuyện tình làm ta rơi nước mắt

Một chuyện tình làm ta rơi nước mắt
TPCN - Ngay đầu ngã tư của khu phố mới thành phố Thái Bình có một đôi vợ chồng đặc biệt. Chồng thương binh nặng hỏng hai mắt, cụt một chân, vợ từng là vợ liệt sỹ.
Một chuyện tình làm ta rơi nước mắt ảnh 1
Gia đình anh Phạm Văn Bắc và chị Phạm Thị Lạc

 Sau 28 năm chung sống, tổ ấm của họ có 4 người con, 2 gái 2 trai đều học hành tử tế. Nhưng để có được cái tổ ấm nhỏ nhoi này là cả một câu chuyện dài dài với bao tình tiết cảm động...

Chàng công nhân tình nguyện đi bộ đội

Quê Phạm Văn Bắc ở chợ Lầy, An Ninh, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Sau nhiều lần xin khám tuyển bộ đội trúng, nhưng không được gọi, năm 1972, Phạm Văn Bắc đã toại nguyện.

Sau 4 tháng gian khổ hành quân vượt Trường Sơn, Bắc đã trở thành lính “Công trường 6”. Ba năm ròng cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế.

Cuộc chiến đấu giữ chốt, chống càn quét, lấn chiếm thật là quyết liệt. Ngày 1/1/1975, trong một đợt đưa chỉ huy trung đoàn đi kiểm tra trận địa, anh Bắc vướng mìn của địch, mất chân phải, thủng mắt phải, nát mắt trái, 3 mảnh găm sâu vào đầu gối chân trái.

Ngay trong hầm sâu đêm đó, dưới ánh đèn pin đỏ lòm, một cuộc phẫu thuật tổng thể chân, miệng, mắt cho Bắc đã được thực hiện trong 5 tiếng đồng hồ.

Cô y tá phục vụ kíp mổ ấy thương Bắc đau quá đến nỗi đánh rơi cả kéo mà không biết. Khi ca phẫu thuật xong thì cũng là lúc người ta đành bó vải cho Bắc.

Cái chết đã mười mươi vậy mà không hiểu sao gần nửa ngày sau Bắc đã thở lại. Tháng 3/1975, Bắc ra miền Bắc rồi vào Viện 108, 109 và đúng ngày 30/4/1975 về Đoàn 255 Hà Bắc. Ngày 27/7/1977 Phạm Văn Bắc về Trại thương binh nặng Quang Trung (Thái Bình) với thương tật đặc biệt mù hai mắt và cụt cả bên chân phải.

Thương tình cảnh của Bắc, họ hàng đã mai mối cho một người nhưng chưa đầy năm người đó đã dứt áo ra đi. Có nhiều lý do, lý do lớn nhất là người đó không chịu đựng nổi cuộc sống với một người mù loà, tàn phế. Tương lai hạnh phúc như đã khép lại tựa như đôi mắt của Bắc.

Người vợ liệt sĩ và người vợ thương binh nặng

Quê chị Phạm Thị Lạc ở Tự Tân, Vũ Thư, Thái Bình. Năm 1965 chị là công nhân thuộc Ty Nông nghiệp Thái Bình. Cô công nhân mỏng mày hay hạt, tính tình vui tươi, sởi lởi này yêu anh bộ đội pháo cao xạ cao to đẹp trai ở làng bên.

Anh có biệt tài thổi kèn Ac-mô-ni-ca. Anh thường thổi cho chị nghe những bài hát như “Tình ca Tây Bắc”, “Hoa chăm pa”. Tiếng kèn của anh mượt mà và xao xuyến lòng chị.

Cho đến tận bây giờ nhớ về anh chị vẫn thấy văng vẳng bên tai tiếng kèn quyến rũ ấy. Hồi ấy, Mỹ ném bom miền Bắc, cơ quan chị phải đi sơ tán. Anh về phép tìm mấy ngày, không biết ở đâu.

Thời chiến, đường sá đi lại khó khăn, phương tiện thông tin liên lạc không có. Cuối cùng anh cũng mò ra nơi chị ở một làng quê heo hút phía bắc tỉnh Thái Bình.

Đêm trăng sáng, bên dòng sông quê, anh ôm bờ vai tròn của chị và cầu xin chị cho anh làm lễ cưới. Chị thì bảo thời gian ngắn ngủi quá, chưa quen hơi bén tiếng đã phải xa nhau thì khổ lắm.

Anh nài nỉ, cứ cưới đi rồi anh xin các thủ trưởng cho về phép dài dài. Thương anh, chị đã gật đầu. Cưới nhau đúng 3 ngày nhưng chỉ ở bên nhau có 2 đêm, anh phải lên đường.

Đêm chia tay hai người ôm nhau thức trắng. Một đêm như để bù đắp cho cả bao tháng ngày nhung nhớ cách xa. Trên đường về sân bay Kép, anh lấy vỏ bao thuốc lá Trường Sơn viết thư cho vợ.

Đó là năm 1968. Nhưng lần ấy anh ra đi một mạch, đến Hoằng Hóa (Thanh Hóa) viết thư về, anh xin lỗi chị vì đã lỗi hẹn, ngày chiến thắng về anh sẽ đền gấp năm, gấp mười.

Như hàng vạn người vợ bộ đội thời đó, chị vừa công tác, vừa đợi chờ hy vọng. 7 năm sau, đất nước vui ngày toàn thắng thì chị nhận tin anh đã hy sinh. 30 tuổi chị thành người đàn bà góa bụa.

Ba năm sau. Vào buổi chiều hè, chị và người bạn, cũng là vợ liệt sỹ đang trên đường về đơn vị. Đến đoạn đường xã Đông La, huyện Đông Hưng, thấy một đám đông túm tụm giữa đường.

Hai thanh niên và một cô gái trẻ va chạm xe đạp. Hai thanh niên này cậy thế bắt bí cô gái. Cùng lúc đó có hai người đàn ông đi đến. Một người đeo kính đen, cụt một chân đã đứng ra can thiệp.

Cuối cùng cô gái kia được giải thoát. Hành động như kiểu chàng Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” của người đàn ông kia đã gây sự cảm mến trong chị.

Rồi họ đi cùng đường. Gió mùa hè mát mẻ. Qua chuyện trò, người đàn ông cụt chân, đeo kính đen ngồi sau xe giới thiệu mình đang ở trại thương binh nặng, có dịp mời hai chị xuống chơi.

Người đàn ông đó chính là thương binh nặng Phạm Văn Bắc. Sau cuộc gặp gỡ tình cờ ấy, bỏ qua chuyện ngược đời “cọc đi tìm trâu”, chị đã chọn một ngày Chủ nhật xuống thăm anh.

Cái trại an dưỡng nép mình dưới những hàng nhãn xum xuê, bên cánh đồng lúa xanh. Chị cảm động trước cuộc sống bất hạnh, cô đơn của những người thương binh nặng như anh.

Chị bí mật yêu thương anh và sau 5 tháng, báo cho gia đình, cơ quan bạn bè ngày tổ chức đám cưới mặc sự phản đối của người thân, bè bạn. Chính mẹ chị đã nói: “Cái con này, bao người lành lặn, sáng sủa không lấy, lại đi lấy…”.

Nhưng chị đã quyết và “sự đã rồi”. Chị trở thành người phụ nữ đầu tiên xung phong lấy chồng là thương binh ở Trại thương binh nặng Quang Trung này.

Ban lãnh đạo trại mừng lắm, coi đó là “một sự kiện có tính đột phá”, dự báo triển vọng cho cuộc sống gia đình của những người thương binh nặng ở đây.

Trại đã tổ chức đám cưới đầu tiên này một cách lịch sự, trang trọng. Đích thân Giám đốc Trại làm trưởng ban tổ chức. Sau chị có nhiều chị khác đã tự nguyện làm vợ những thương binh nặng ở đây.

Một năm sau họ sinh con gái đầu lòng và sinh tiếp 1 gái 2 trai nữa. Không thể kể hết những khó khăn gian khổ của vợ chồng chị, nhất là lúc sinh con và nuôi con.

Cả 4 lần sinh con, chị không có lấy một ngày kiêng cữ. Bế con, cho con ăn, tắm rửa, giặt giũ… tất tật đổ lên vai người vợ. Lại còn phải chăm sóc anh, vừa mù, vừa mất chân nên việc sinh hoạt cá nhân phải nhờ cậy vào chị rất nhiều.

Đêm đêm nắn đôi tay gầy guộc của vợ, ôm vợ vào lòng, anh chỉ biết thương vợ và khóc. Anh gọi chị là “cây gậy” chống của cuộc đời anh!

Số tiền trợ cấp của anh và lương công nhân của chị những năm 80 không thể cáng đáng nổi cuộc sống cả gia đình. Anh đành xin Trại về nhà còn chị xin cơ quan về mất sức. Nhà của họ như “Túp lều bác Tôm” bên hồ nước mênh mông.

Anh tổ chức rửa xe, chị bán hàng ăn cạnh đường. Anh nhận các anh em thương binh bộ đội xuất ngũ vào làm. Đây là cơ sở rửa xe đầu tiên ở tỉnh. Còn chị hàng ngày cứ 4 giờ sáng, lừa con, dậy chọc bếp, chuẩn bị cho buổi bán hàng.

Hàng chục năm trời, cả hai đánh vật với cuộc sống để nuôi các con ăn học và phát triển kinh tế gia đình. Bây giờ, nhà cửa đã khá, hai cô con gái là giáo viên, con trai thứ ba đang học Đại học Kiến trúc và cậu út đang học trường dạy nghề.

Anh tham gia trong Ban chấp hành Hội Người mù thành phố Thái Bình và là Chủ tịch Hội Người mù phường Tiền Phong. Anh cùng các cấp hội tổ chức cho người mù sản xuất tăm tre, chổi đót.

Ngoài việc gia đình, chị còn giúp anh, giúp Hội Người mù tiêu thụ sản phẩm. Chị còn tích cực tham gia các việc nhân đạo từ thiện, giúp đỡ những người tàn tật, già cả neo đơn.

Người dân thành phố này đã quen hình ảnh một người phụ nữ thâm thấp, khoẻ mạnh đèo người chồng mắt đeo kính đen, một bên chân giả trên chiếc xe đạp cà tàng và gần đây trên chiếc xe máy Nhật đời 94.

Rất ít người biết người vợ hơn chồng những nửa giáp, nên anh thường trêu đùa vợ: “Ông em ở với bà chị, toàn bị bà chị bắt nạt suốt đêm ngày…”.

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
TPO - “Con đường văn sĩ” chuyển tải hàng trăm trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn 1938 đến 1945. Mộng văn chương, quá trình thai nghén tác phẩm và thêm cả những chuyện đời thường cũng được Nguyễn Huy Tưởng nêu trong nhật ký. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - tiết lộ từ bé đã đọc nhật ký của cha, trong đó có cả những chuyện riêng tư của cha mẹ.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.