Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc:

“Một cửa” là chuyển từ lo chỗ ngồi cho cán bộ sang lo chỗ ngồi cho dân

“Một cửa” là chuyển từ lo chỗ ngồi cho cán bộ sang lo chỗ ngồi cho dân
TP -  Trong hai ngày 27-28/11, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện cơ chế “một cửa” ở các cơ quan hành chính Nhà nước theo Quyết định 181/TTg của Thủ tướng.

Hội nghị cũng đóng góp ý kiến  cho dự thảo Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại  các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.

“Một cửa” là chuyển từ lo chỗ ngồi cho cán bộ sang lo chỗ ngồi cho dân ảnh 1
Ông Thang Văn Phúc

Bên hành lang Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, TTK Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã dành cho báo chí  cuộc trao đổi về vấn đề này. Ông Phúc nói:

Cơ chế  “một cửa” mang lại sự thuận lợi cho người dân. Người dân biết được việc của mình khi đến cơ quan hành chính cần thủ tục gì; biết việc đó được giải quyết trong bao lâu, bao giờ xong; và biết mình phải trả chi  phí bao nhiêu.

Xưa nay người dân phàn nàn là tù mù, nay đã rõ ràng, công khai minh bạch- đó là điều được nhất. Sau đó là thái độ của công chức khi người dân đến cơ quan công quyền được cải thiện. Điều đó khiến cho người dân tin tưởng chính quyền hơn.

Nhưng cơ chế “một cửa” 3 năm qua dường như chỉ được thực hiện ở các đô thị, chưa xuống đến vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, thưa Thứ trưởng?

Đối các vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khó nhất vẫn là thiếu cơ sở vật chất. Vì thế Chính phủ đã có chương trình từ nay đến năm 2010 phải hiện đại hóa tất cả các trụ sở, công sở (ở vùng xa, vùng sâu có vài nghìn trụ sở xã phải làm mới) đạt đúng công năng theo quy định.

Thứ hai là phải chuẩn bị được đội ngũ công chức đạt chuẩn. Hai điều này là hai yếu tố cơ bản để chúng ta bảo đảm được việc thực hiện cơ chế “một cửa”. Chỉ có điều chưa  thể  làm đồng loạt được mà phải chấp nhận một bước đi có lộ trình.

Nếu đặt mục tiêu cải cách hành chính đến cấp xã thì chúng tôi đã tính rồi, đạt 70% thì coi như thành  công, và hiện nay thực chúng ta đã đạt được 87%, như thế là đã thành công vượt quá sự mong đợi. 

Trong thực hiện cơ chế “một cửa” vẫn còn những khiếm khuyết, nguyên nhân lớn nhất  là gì, thưa ông?

Tôi vẫn cho là vấn đề nhận thức chưa đầy đủ. Chuyển từ một nền hành chính  bao cấp, mệnh lệnh một chiều sang nền hành chính phục vụ công dân; chuyển từ một cán bộ công chức được quyền ban phát ở cơ chế “xin-cho” sang một công chức đúng nghĩa là công bộc của nhân dân, phục vụ công dân… là một quá trình không đơn giản của mỗi công chức.

Đó là chưa kể chúng ta còn phải khắc phục những cản ngại khi nền hành chính phải thực hiện đúng việc phục vụ trong cơ chế thị trường, trong hội nhập đòi hỏi phải đáp ứng được sự nhanh nhạy, chính xác theo nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp.

Có phải vì thế mà quy chế về thực hiện cơ chế “một cửa” phải được sửa đổi, điều chỉnh (Chính phủ sẽ ban hành ngay sau hội nghị này-PV)? Ông có thể cho biết hướng sửa đổi?

Sửa đổi có mấy điều thôi. Đầu tiên là thống nhất tên gọi cho chuẩn lại. Thứ hai tổ chức “một cửa” cho thực chất hơn, nên cần đội ngũ công chức thực hiện các giao dịch này với công dân phải là cán bộ am hiểu, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, là người thực sự có đủ năng lực để giải quyết công việc nhanh chóng. 

Theo tôi nghĩ, những người làm ở văn phòng “một cửa” này phải là đội ngũ tinh hoa nhất của cơ quan hành chính đó để làm việc hàng ngày với dân ở nơi “một cửa”, phục vụ dân. Và nơi phục vụ “một cửa” đó phải là nơi có điều kiện chỗ ngồi tốt nhất cho người dân đến làm việc.

Đó mới là mục đích và yêu cầu của chúng ta trong thưc hiện cơ chế “một cửa”. Tôi muốn nói là: Phải chuyển từ việc lo chỗ ngồi cho anh công chức sang lo chỗ ngồi cho người dân khi họ đến làm việc với cơ quan hành chính.

Tính đến hết ngày 20/9/2006 đã có 64/64 tỉnh, TP triển khai cơ chế “một cửa” ở  các Sở thuộc diện bắt buộc (gồm Sở LĐTB-XH, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Sở Xây dựng). 661/671 huyện thuộc cả 64 tỉnh, TP đã triển khai cơ chế “một cửa”.

Cả 64 tỉnh, TP trên toàn quốc đã triển khai “một cửa” ở cấp xã và hiện có 9.422/10.873 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế này. (Đã có 36/64 tỉnh, TP thực hiện cơ chế “một cửa” đồng loạt ở 100%  số xã).

MỚI - NÓNG