Một cựu chiến binh phải hành khất để nuôi 5 đứa con điên

Một cựu chiến binh phải hành khất để nuôi 5 đứa con điên
TP - Ông Trần Văn Nhâm từng là chiến sĩ tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Vợ chồng ông sinh được 5 người con: Đứa câm, đứa điếc, đứa thần kinh, để rồi suốt 40 năm tất bật chạy cái ăn cho chúng mà không có nổi một ngày vui.
Một cựu chiến binh phải hành khất để nuôi 5 đứa con điên ảnh 1
Ông bà Nhâm trên đường đi xin ăn về

Tuổi 80, ông vẫn lê đôi chân đi hàng trăm cây số để xin những bát cơm thừa, những hạt gạo quý mang về nuôi sống gia đình khốn khó của mình. Ông Nhâm năm nay 80 tuổi, ở xã Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh).

Ai gieo oan trái?

Vợ chồng ông Trần Văn Nhâm và Lưu Thị Nhâm, cùng sinh ra trên mảnh đất biên giới đầy khó khăn, gian khổ. Thời ấy, đôi thanh niên nghèo này là một trong những gương mặt điển hình của xã. Họ tìm đến với nhau và thành chồng vợ ở tuổi 22. Cưới nhau được 10 ngày, ông Nhâm lên đường nhập ngũ.

Năm 1947, ở chiến trường Nam Lào và tham gia bảo vệ biên giới. Năm 1960, trong một lần chống trả kẻ thù ông đã bị trúng một mảnh đạn vào bắp đùi, không thể đi lại được nên đơn vị cho về hậu phương để điều trị. Năm 1965, khi vết thương đã gần như bình phục, đơn vị thuộc Sư đoàn 312 tiếp tục điều ông trở lại và tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Quảng Trị.

Phục vụ trong đội quân giải phóng được 3 năm, bệnh cũ tái phát, cộng thêm bệnh sốt rét ác tính hành hạ khiến ông không trụ nổi nên đơn vị cho về quê an dưỡng.

“Mới về đến nhà, chân ướt chân ráo, đặt ba lô xuống thềm để bế vội đứa con thì một loạt bom thả xuống nhà, lúc đó chỉ biết bế lấy con gái và kéo vợ chạy ra khỏi nhà. Khi trở lại, ngôi nhà trở thành đống tro tàn. Bệnh lại tái phát, cha con, vợ chồng đưa nhau đi ăn nhờ ở đậu hàng xóm…” - ông Nhâm kể lại.

Năm 1968, một loạt bom rải xuống ngôi làng Phú Gia đã san phẳng hàng trăm ngôi nhà, trong đó có nhà của ông Nhâm. Tất cả giấy tờ ông mang về từ chiến trường cũng tan thành tro bụi. Gánh nặng áo cơm đã làm cho ông kiệt sức. Mỗi lúc trái nắng trở trời bệnh thần kinh tái phát ông giãy giụa bên lề đường trong cơn đau.

Lần theo bước chân khập khễnh của ông Nhâm lê từ thị trấn Hương Khê trên đường đi ăn xin về, khó ai có thể ngờ ông Nhâm đã phải gánh trên vai mình một trọng trách lớn lao: Nuôi cả “đàn con điên” cùng hai người cháu dại khờ và người vợ già héo hắt... Tất cả trông chờ vào ông.

Trên tay đeo một cái túi rách nát, ông chống gậy đi khắp làng trên, xã dưới và mong nhận được sự đùm bọc của xóm làng.

Năm người con của ông Nhâm sinh ra đều câm, điếc và bị thần kinh. Mấy con của ông không biết làm bất cứ việc gì để phụ giúp cha mẹ, ngoài việc ngày ngày ôm lấy cột nhà mà chờ cái ăn. Chỉ có người con gái đầu của ông là Trần Thị Thiện 40 tuổi, bình thường hơn lại phải xa quê hương đi làm thuê để gửi tiền về phụ giúp cha mẹ nuôi các em.

Một cựu chiến binh phải hành khất để nuôi 5 đứa con điên ảnh 2
Ông bà Nhâm bên cạnh những người con dại, khờ của mình.

Giờ đây, chị Thiện cũng đã có gia đình riêng nên bát cơm chị làm cũng phải chia hai, nửa trách nhiệm gia đình, nửa báo hiếu mẹ cha số tiền chị gửi về cũng ít dần.

Khi chúng tôi tìm đến, nhà cửa tan hoang, xơ xác. Người vợ đã 80 tuổi, héo hắt như tàu chuối khô. Thảm cảnh hơn là những đứa con mạnh khoẻ đã trên dưới 30 chỉ biết chơi đùa với đám trẻ em trong xóm.

“Ôm tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất trao tay và nói rằng đây là gia sản còn lại duy nhất chứng minh cho tôi từng là lính Cụ Hồ. Còn tất cả cuộc đời tôi đã bị bom vùi trong đống tro tàn của năm 1968” - Ông Nhâm ngậm ngùi.

Hỏi ra mới biết, đã bao lần ông Nhâm đội đơn đi làm giấy tờ hưởng trợ cấp, gõ cửa các cơ quan từ xã đến huyện nhưng cửa nào cũng “đóng”, bởi ông không có đầy đủ giấy tờ chứng minh ông là thương binh, cũng không đủ tiền để đi khám bệnh xem có phải mình đã mắc phải di chứng của chất độc chiến tranh mà họ hàng dòng tộc không ai có bệnh, duy chỉ riêng ông lại sinh ra một đoàn con tật nguyền, dị dạng.

Mong bữa cơm no

Phú Gia là vùng đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” xưa nay vốn đã nghèo, nay lại gặp cơn lũ lịch sử lớn chưa từng có, quét sạch mùa màng. Cái đói lại thêm chồng chất. Những gia đình như ông Nhâm đúng là đại nạn giáng xuống, 1,5 tạ thóc mong chờ từ các thửa ruộng nay đã bị lũ cuốn trôi.

Cả huyện đang trong giai đoạn khó khăn, nhà nhà đang khắc phục bữa ăn... thì cũng là lúc nỗi lo sợ biểu hiện lên khuôn mặt của ông Nhâm. Cầm tờ giấy bạc tôi trao, ông Nhâm nghẹn ngào: “Có lẽ gia đình tôi cũng hết đường sống, nhà nhà đều thiếu cái ăn. Nhưng trước khi chết tôi muốn được nhìn các con tôi có một bữa cơm no thì tôi nhắm mắt cũng an lòng”.

Cái khó khăn, thiếu thốn xung quanh chúng ta không phải là không có, nhưng những gia đình như ông Nhâm quả thật đang rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các tổ chức viện trợ chia sẻ. Mọi sẻ chia đối với gia đình ông Nhâm trong thời điểm này đều là tấm lòng vàng, xin gửi về địa chỉ: Ông Trần Văn Nhâm xóm 11, xã Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh).

MỚI - NÓNG