Một đất nước, không phải một cuộc chiến

Khung cảnh tọa đàm “Bài học từ quá khứ và kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn”. Ảnh: DPV.
Khung cảnh tọa đàm “Bài học từ quá khứ và kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn”. Ảnh: DPV.
TP - “Việt Nam- một đất nước, không phải một cuộc chiến” (Vietnam-a country, not a war) là dòng chữ ghi trên danh thiếp của Ted Engelmann- cựu binh Mỹ nay là nhiếp ảnh gia, người viết tự do. Và ghi trên nền bức ảnh chụp sông Hương của Huế. Quá khứ chiến tranh ám ảnh được đề cập trong tọa đàm Việt- Mỹ ở Hà Nội tháng trước, mà Ted Engelmann là một đại biểu. Song quan trọng là rút ra bài học để kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn.

Cựu đại sứ Nguyễn Tâm Chiến và ông Chuck Searcy, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình 160 (gọi tắt là VFP 160) đồng chủ tọa tọa đàm “Bài học từ quá khứ và kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn”. Phía Mỹ gồm 37 người, ngoài các cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam thì có người không cựu binh nhưng làm những việc phản chiến, và cả vợ chồng của họ. Phía Việt Nam ngoài cựu binh có chức sắc và cán bộ làm những việc liên quan tới quan hệ Việt- Mỹ cũng như các tổ chức hòa bình.

Cuộc gặp diễn ra ở trụ sở Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, 105 Quán Thánh. Được phối hợp bởi: Hội Việt - Mỹ, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Hà Nội, Hội Cựu Chiến binh vì Hòa bình chi nhánh 160, Mỹ.

Hà Nội chỉ là một điểm dừng chân của đoàn VFP 160 chuyến này, hành trình của họ còn có Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Ví dụ ở Quảng Trị là: Thăm địa đạo Vịnh Mốc, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, căn cứ quân sự Khe Sanh, Trung tâm Trưng bày Hoạt động Khắc phục Hậu quả Bom mìn, thăm Đội EOD hủy nổ bom mìn lưu động tại huyện Triệu Phong, và một số nạn nhân da cam. Còn ở Quảng Ngãi họ đến Mỹ Lai nơi diễn ra cuộc tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát kinh hoàng, 16/3.

Theo ông Nguyễn Tâm Chiến, đây là đoàn cựu binh Mỹ đông nhất trước giờ. Là sự kiện tháng trước nhưng nay thuật lại một số phát biểu thú vị cho số báo tháng Tư này, e rằng không muộn.

Dennis Van Hoof:

“Tôi và nhiều đồng đội vô cùng hối tiếc về những điều đã xảy ra”

Trong thời gian tham chiến ở Đại Lộc, Đà Nẵng từ cuối 1967 đến cuối 1969 tôi từng bắn những người lính Bắc Việt nhưng không hề giết dân thường nào nên khi về Mỹ tôi rất kinh ngạc, không hiểu vì sao mình lại bị gọi là kẻ giết trẻ con. Tôi và đồng đội nghĩ mình đang giúp bảo vệ Việt Nam khỏi một cuộc xâm lược.

Năm 1970 về Mỹ đọc báo chí về vụ xét xử những kẻ liên quan thảm sát Mỹ Lai tôi rất kinh hoàng, bởi đấy là điều không bao giờ chúng tôi được dạy để làm. Tôi và những người lính xin lỗi về những điều thảm khốc đã xảy ra cho Việt Nam.

Tôi chỉ là một người lính cố gắng thực thi nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ của tôi hồi ấy được nghe bảo rằng: bảo vệ nước Mỹ, bảo vệ Việt Nam. Tôi và nhiều đồng đội không có mặt ở đây hôm nay vô cùng hối tiếc về những điều đã xảy ra. Chúng ta không bao giờ có thể trở lại quá khứ được nữa mà chỉ có thể hướng tới tương lai.

Một đất nước, không phải một cuộc chiến ảnh 1
Một đất nước, không phải một cuộc chiến ảnh 2 Ted Engelmann và tấm danh thiếp độc đáo in ảnh sông Hương cùng dòng chữ: “Việt Nam- một đất nước, không phải một cuộc chiến”.  Ted có nhiều triển lãm ảnh đề tài chiến tranh Việt Nam.

Paul Eugene Cox:

“Ðang làm sạch sân bay  Ðà Nẵng và sắp tới là Biên Hòa”

Là lính thủy quân lục chiến tôi đóng quân tại Quảng Trị từ 1968 đến 1972. Tất cả những người ngồi đây từng có mặt tại chiến trường Quảng Trị xin nhận ở tôi sự kính trọng.

Tôi từng làm việc với nhiều tổ chức cựu binh trên thế giới về hậu quả chất độc da cam. Rất nhiều con cái cựu binh ở Mỹ phải chịu hậu quả bom mìn và chất độc da cam. Các cựu binh Việt Nam cũng vậy. Có một thực tế là rất khó thuyết phục chính phủ của tôi bồi thường hậu quả chiến tranh. Chúng tôi đã và đang cố gắng hết sức để thay đổi thực tế đó. Xin vui mừng thông báo hiện chính phủ đã có những bước đi ban đầu đó là làm sạch sân bay Đà Nẵng và sắp tới là làm sạch sân bay Biên Hòa tuy nhiên chưa biết nguồn lực đến đâu.

Như các bạn biết chúng ta đã đánh dấu được 28 điểm nóng bị ô nhiễm, và việc chính phủ Mỹ có thể làm là hỗ trợ nạn nhân da cam. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để việc đó thành hiện thực. Mong được sự phối hợp chặt chẽ của chính phủ Việt Nam trong vấn đề này.

Phạm Văn Chương (Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam):

“Tác động không thể hình dung nổi của thảm sát Mỹ Lai”

Chúng ta gặp nhau gần ngày tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai, nên cho phép tôi nói đôi điều về sự kiện đó.

Số nạn nhân vụ thảm sát rất lớn. Số liệu mỗi nguồn một khác nhưng con số nhiều nguồn thống nhất là 504. Thương vong chết chóc lẽ ra còn lớn hơn nhiều nếu không có sự can thiệp dũng cảm của phi công Hugh Thompson và hai tay súng Lawrence Colburn, Glenn Andreotta. Andreotta sau đó tử trận, Thompson chết năm 2006, Colburn chết năm 2016. Nhưng rất nhiều người Việt vẫn nhớ sự dũng cảm và lương tri của họ.

“Tham chiến ở Việt Nam năm 1972, đóng quân tại Ðà Nẵng, ngày trở về Mỹ năm 1974 là ngày vô cùng hạnh phúc của tôi khi mẹ tôi viết lên cửa dòng chữ “Chào mừng con trở lại”. Tôi không tin mình sẽ quay lại Việt Nam. Thế rồi nhiều năm trước tôi phát hiện mình bị ảnh hưởng chất độc da cam. Tôi quyết định đến Ðà Nẵng để giúp trẻ em da cam. Tôi xác định cuộc đời mình là đi đi về về giữa New York và Việt Nam. Giờ tôi có nhiều người bạn Việt Nam hơn bạn bè New York nơi tôi sinh ra”. 

 Cựu binh Matt Keanan

Điều thứ hai tôi muốn nói là quá trình phơi trần vụ Mỹ Lai. Khi thảm sát xảy ra chúng tôi cũng tố cáo ra thế giới nhưng người ta không tin mà tưởng đó chỉ là tuyên truyền cộng sản. (Ông Chương kể lại quá trình tố giác vụ Mỹ Lai của binh sĩ Ronald Ridenhour và nhà báo Seymour Hersh). Và tiếp:

Hồi đó tôi là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, trụ sở đặt trong rừng. Chúng tôi công bố rất nhiều chi tiết liên quan vụ thảm sát này. Những bài viết của chúng tôi được Thông tấn xã Việt Nam trụ sở tại Hà Nội đăng tải.

TTXVN là cơ quan mạnh hơn chúng tôi rất nhiều, đã chuyển tiếp những thông tin này ra thế giới. Cá nhân tôi với tư cách phóng viên và phiên dịch được may mắn tháp tùng một cô bé 13 tuổi là một trong số những người sống sót ở Mỹ Lai đi một số nước châu Âu và Mỹ La-tinh để kể câu chuyện ra thế giới. Mấy ngày tới đến thăm Mỹ Lai, các vị sẽ thấy tên cô ấy vẫn ở đó. Lớn lên cô ấy được đưa ra Bắc học đại học Y, sau làm bác sĩ rồi trở về quê làm Giám đốc Nhà tưởng niệm Mỹ Lai.Tên cô ấy là Võ Thị Liên. Tiếc rằng cô ấy đã qua đời.

Khi chúng tôi nói về Mỹ Lai ở nước ngoài, những người nghe thể hiện cảm tình và sự đoàn kết nhưng tôi cảm thấy rõ ràng rằng họ không tin. Người ta có vẻ thấy có cái gì đó sai ở đây, làm chuyện không hay ở đây nhưng có lẽ mấy vị này đang thổi phồng, bé xé ra to mà thôi. Có lẽ do tội ác đó lớn và nghiêm trọng tới mức người ta không tưởng tượng là nó có thật! Rất may những chuyện tưởng là ngụy tạo hoặc thổi phồng này lại do chính những người Mỹ tìm ra và chứng minh nó. Vì thế, Seymour Hersh và Ronald Ridenhour đáng được chúng tôi và tất cả chúng ta tưởng nhớ.

Điều thứ ba mà tôi muốn nói là tác động không thể hình dung nổi của vụ này. Bằng cách ra lệnh thảm sát, các vị chỉ huy người Mỹ đã biến lính Mỹ thành những kẻ giết người máu lạnh. Chính sự vô nhân đạo, phi nhân tính của những tay chỉ huy ấy đã làm thức tỉnh lương tri của những người Mỹ. 

Một đất nước, không phải một cuộc chiến ảnh 3 Cựu binh Matt Keanan.

Dan Shea:

“Việt Nam ảnh hưởng rất lớn đến tôi”

Tôi tham gia Hải quân từ 19 tuổi, đóng ở Đà Nẵng năm 1968, chứng kiến cuộc Tổng tấn công Mậu Thân. Sau đó tôi đóng ở Quảng Trị.

Hồi đó sang đây tôi không biết nhiều về Việt Nam kể cả trên bản đồ. Không biết mấy về lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam. Đồng đội của tôi đến đây cũng rất ít thông tin về đất nước này. Hầu hết thời gian- hai tháng, tôi đóng quân trong rừng. Rất nhiều đồng đội tôi thiệt mạng vì các bãi chông. Anh trai tôi cũng được gửi đến đây nên về sau tôi được rời Việt Nam đến Philippines nhưng Việt Nam ảnh hưởng rất lớn đến tôi.

Sau đó tôi trở về nhà, để chiến tranh lại. Con trai tôi sinh ra bị hở hàm ếch và bệnh tim. Chúng tôi được nhiều bác sĩ chữa trị. Rồi tôi có thêm con gái khỏe mạnh nhưng con trai phải trải qua phẫu thuật tim năm 3 tuổi không thành công, bị ảnh hưởng não, hôn mê 7 tuần. Vợ tôi ôm con những phút cuối, sau đó đặt con vào tay tôi. Giây phút đó không thể quên. Mất rất lâu tôi mới hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Những gì xảy ra với tôi cũng là điều xảy ra với nhiều người Việt Nam. Lần đầu tôi trở lại đây là năm 2016 dự hội thảo về chất độc da cam cùng 5 thành viên Hội Cựu chiến binh Vì hòa bình. Trong đó có một y tá trong chiến tranh, cô ấy cũng chịu hậu quả chất độc da cam khi ở Việt Nam, từng sẩy thai, rồi mắc ung thư. Rời hội thảo chúng tôi trở lại Mỹ, cô ấy qua đời.

Mỗi khi nghĩ về đứa con của mình, về nỗi đau phải trải qua, tôi đều nghĩ đến những gì người Việt Nam gặp phải. Tôi không quan tâm tội ác đến từ bầu trời, từ những quả bom, những khẩu pháo hay viên đạn lạc. Tôi đóng quân trong rừng, không ra ngoài nhưng tôi là một phần của quân đội, một phần của bộ máy giết người. Hôm nay trở lại đây, thay mặt chính phủ, thay mặt các cựu binh- một phần của cỗ máy giết người đó, cho tôi xin lỗi chân thành đến các bạn. Và đó là cách chúng ta xây dựng tương lai.

Một đất nước, không phải một cuộc chiến ảnh 4 Những cái bắt tay. Từ trái qua: Các cựu binh Matt Keanan, Paul Eugene Cox, Nguyễn Thế Dũng, Jeff Roy, Dan Shea. Ảnh: DPV.

Nguyễn Hữu Cầu (Thông dịch viên của quân đội Mỹ, kể bên hành lang tọa đàm):

Giúp người Mỹ làm việc thiện và giúp tìm hài cốt bộ đội

Trong chiến tranh tôi làm thông dịch viên cho quân đội Mỹ. Hòa bình, bạn bè người thì đi cải tạo người sang Mỹ. Tôi ở lại bắt tay với chính quyền địa phương xây dựng lại đất nước. Sau 1975 trở lại quê hương Quảng Trị, tôi tham gia chính quyền có lúc lên tới cấp huyện. Vì hồi đó do điều kiện chiến tranh, trình độ văn hóa của số đông dân quê còn thấp, chúng tôi tương đối có trình độ nên chỉ phải cải tạo một thời gian ngắn tại địa phương rồi làm công việc mới.

Anh cả tôi là cán bộ nằm vùng phe cộng sản, anh hai ra Bắc học tập, làm phóng viên báo Tiền Phong, là nhà báo Tâm Tâm (nguyên Trưởng ban Quốc Tế báo Tiền Phong-DPV). Có thời gian anh xung phong vào miền Nam làm phóng viên chiến trường.

Nhiều năm nay tôi sống ở Quảng Nam và làm những việc ưa thích như: giúp những người Mỹ muốn làm từ thiện tại Việt Nam, hoặc kết nối nhiều người Việt tìm thân nhân của họ, vì bộ đội hy sinh chôn ở đâu tôi biết rất nhiều. Ví dụ tôi giúp tìm hài cốt liệt sĩ Khuất Quang Phiệt- anh ruột của Đại tá Công an Khuất Quang Cừ, vì trong chiến tranh anh Phiệt từng đánh vào nơi đơn vị tôi đóng quân ở Núi Quế, Hương An, Quảng Nam. Trận đánh mà liệt sĩ Phiệt hy sinh nhằm ngày 11/5/1969.

Nhiều người Mỹ về hưu tiền không nhiều nhưng họ hay gửi sang nhờ tôi giúp đỡ nạn nhân chiến tranh. Họ gửi đều đặn và tôi tìm cách chia ra. Hôm qua tôi vừa đưa một số cựu binh Mỹ đi thăm căn cứ Chu Lai nơi họ chiến đấu ngày xưa và cả Mỹ Lai. Họ thích lắm, về Mỹ còn viết thư cảm ơn tôi.

Tuy vậy không phải ai cũng đau đáu quá khứ. Sang Mỹ tôi gặp nhiều cựu binh, hỏi họ có biết gì về nước Việt Nam bây giờ thì họ bảo không hề biết. Gặp người Việt thì mừng, như gặp tôi họ tiếp đón rất tử tế nhưng nghe hỏi chuyện cũ, họ nói khi đi lính còn trẻ, giờ về hưu rồi, chuyện sang Việt Nam chiến đấu ngày xưa là phần đời không liên quan đến hiện tại.

Một đất nước, không phải một cuộc chiến ảnh 5 Các đại biểu Phạm Công Hưởng, Phạm Văn Chương, Dennis Van Hoff (từ trái qua, hàng đầu) có phần phát biểu đầy tâm huyết tại tọa đàm. Ảnh: DPV.

Nguyễn Binh Ðoàn (Tiểu đoàn đặc công 409):

“Hồi đó căm thù ghê gớm!”

Tôi từ Quảng Ninh vào chiến trường năm 1970 và từng đánh nhau nhiều lần với Mỹ. Tiểu đoàn đặc công 409 của chúng tôi lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc. Có một trận diệt gọn cả tiểu đoàn Mỹ cuối cùng trên toàn chiến trường miền Nam vào đêm 27/3/1970 mà nhiều đồng đội tôi ngồi đây là nhân chứng.

Vì sao Tiểu đoàn 409 lập được nhiều chiến công như vậy? Đơn giản là vì lòng căm thù Mỹ. Nói thật với các vị ngồi đây là lúc đấy căm thù ghê gớm!

Sau nhiều năm, chính sách của Đảng và Nhà nước là hòa giải, xóa bỏ hận thù tiến tới tương lai, chúng tôi đồng tình và hôm nay nhìn những gương mặt so với những người lính Mỹ ngày xưa thấy hoàn toàn khác, rất thân thiện. Xin chào các vị!

Về phần chúng tôi sau chiến tranh trở về đời thường, học hành thì ít, gia đình thì nghèo, chủ yếu thuần nông cho nên đời sống khó khăn. Nhưng cựu binh vẫn vươn lên làm giàu, ít nhất cũng tự lo cuộc sống, không ỷ lại không công thần. Đó là phẩm chất tốt đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam của cựu binh Việt Nam, xin thành thật chia sẻ với các bạn Mỹ.

Ted Engelmann:

“Chúng ta có nhiều việc để làm cùng nhau”

50 năm trước tôi đến Việt Nam khi 21 tuổi, là lính không quân, ban đầu đóng ở Biên Hòa. Tôi vận chuyển vũ khí và vật liệu từ Biên Hòa sang Campuchia, cả rải chất độc da cam. Hiện làm việc ở một tạp chí nhiếp ảnh, công việc của tôi là chụp ảnh và viết những câu chuyện mà các bạn vừa chia sẻ.

Tháng 2/1999 tôi là một giáo viên đến Hà Nội để dạy về lịch sử chiến tranh Việt Nam. Tôi dùng những bức ảnh tư liệu chiến tranh của mình để giảng bài. Một trong những người tôi mời đến lớp học là ông Chuk Searcy đây. Sinh viên của tôi đến từ nhiều nước, phụ huynh của họ không biết nhiều về chiến tranh Việt Nam. Còn danh thiếp của tôi đây, nó in ảnh sông Hương (giơ danh thiếp) và dòng chữ: Việt Nam- một đất nước, không phải một cuộc chiến.

Tôi có sáng kiến là từ những câu chuyện chúng ta chia sẻ hôm nay tập hợp lại thành một nguồn tư liệu để mọi người biết điều gì đã và đang xảy ra với Việt Nam. Chúng ta có nhiều việc để làm cùng nhau.

Nhờ cựu binh Mỹ tìm đồng đội

Thương binh Phạm Công Hưởng tham gia quân đội từ 1970 đến 1975 trong Tiểu đoàn Đặc công 404 Quân khu 5 có nguyện vọng đặc biệt trong buổi gặp 6/3: Tìm 16 đồng đội của ông từng tác chiến tại sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam.

Theo ông Hưởng, 16 đồng đội của ông chiến đấu hy sinh rạng sáng 5/8/1970 ở Khâm Đức, được những người Mỹ gom chôn chung một hố. Bao lâu nay các cựu binh 404 vẫn không nguôi hy vọng và thường liên hệ, trao đổi thông tin với nhau để tìm hài cốt đồng đội.

Ông Hưởng cho biết: Địa hình nơi đồng đội ông hy sinh hiện không thay đổi gì lớn, chưa mắc sông mắc núi, chưa phát triển kinh tế và cũng không xây dựng đô thị. Ông đề nghị các cựu binh Mỹ có mặt hôm nay tìm cách vận động để “các cựu binh Mỹ từng chôn 16 đồng đội của chúng tôi trở lại Việt Nam phối hợp tìm kiếm. Ngoài ra đề nghị tổ chức Cựu chiến binh Vì hòa bình 160 mời các chuyên gia Mỹ nhiều kinh nghiệm về khảo cổ học, địa chất và nhân chủng học với các thiết bị công nghệ Radar xuyên đất giúp dò tìm thay vì đào bới thủ công, cơ giới trước đây”.

Vừa bày tỏ nguyện vọng, cựu binh Hưởng đại diện cho các cựu đặc công 404- có mặt ở tọa đàm - vừa giơ cao tấm bản đồ ghi vị trí đồng đội hy sinh. Trong chiến tranh, đặc công Hưởng hoạt động tại chiến trường miền Trung và Tây Nguyên, bị thương ở Quảng Ngãi. Sau hòa bình, ông công tác tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và định cư Hà Nội.

MỚI - NÓNG