Một di tích từng gắn với tuổi trẻ bị xuống cấp

Một di tích từng gắn với tuổi trẻ bị xuống cấp
TP - Hơn 60 năm trước, di tích đền Rắn (xã Huống Thượng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) là nơi ghi dấu sự kiện đổi tên của Đội Thiếu nhi Tháng Tám. Còn cách đây trên 50 năm, đền Rắn được Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên công nhận là di tích lịch sử loại 1 của tỉnh. Nhưng hiện nay, đền lại “rơi” khỏi diện di tích được xếp hạng của tỉnh Thái Nguyên, xuống cấp từng ngày...

> Di tích bị xâm hại xuống cấp: Đáng buồn cho Hà Nội
> Di tích quốc gia xuống cấp nghiêm trọng

Đền Rắn
Đền Rắn.

Đền Rắn được xây dựng từ thời nhà Mạc trong một khu rừng rộng nên nhân dân địa phương còn gọi khu rừng đó là rừng Đền. Cạnh đền Rắn còn có các đình giáp và mỗi đình giáp có một nhà nghỉ được gọi là tảo xá ở xung quanh để phục vụ việc tế lễ, tín ngưỡng.

Cuối thế kỷ 19, một phần đền Rắn và đình bị phá nên được người dân địa phương khôi phục lại. Tại đền Rắn còn một số hiện vật có giá trị như 4 pho tượng thờ Thánh mẫu Thuỷ cung Long vương, Bạch xà, Hắc xà, Cao Sơn Quý Minh Đại vương, bộ binh khí gồm 8 cây đao bát bửu bằng gỗ sơn son thiếp vàng, hai tấm bia thời Minh Mạng (không nguyên vẹn), 2 bức sắc phong từ thời vua Khải Định... được lưu giữ đến ngày nay.

Đền Rắn còn là địa danh từng ghi dấu hoạt động của tuổi trẻ. Năm 1947, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, trường tiểu học tại xã Đồng Tiến (tên trước đây của xã Huống Thượng) bị phá huỷ, học sinh chuyển vào học ở các tảo xá trong khu vực đền Rắn.

Năm 1951, xã Đồng Tiến có phong trào thiếu niên, nhi đồng hoạt động rất mạnh, được cho là một điểm sáng của hoạt động này thời kỳ đó. Thực hiện công tác Trần Quốc Toản, cứ chiều thứ bảy hàng tuần, các thiếu niên, nhi đồng xã Đồng Tiến lại chia theo từng chi đội đến các gia đình liệt sĩ, thương binh, bộ đội để giúp đỡ công việc.

Ông Trần Tiến, nguyên Phó Ban Thiếu niên Nhi đồng Tỉnh Đoàn Thái Nguyên, nay đã ngoại 80 tuổi, cho biết: “Thời điểm này, Trung ương Đoàn đang đóng tại xã Yên Lãng (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) nên một số đồng chí như Hồ Trúc (Trưởng ban Thiếu niên Nhi đồng T.Ư Đoàn), Phong Nhã (Nhạc sỹ của T.Ư Đoàn), Võ Toàn Lâm, Phan Chu Cường (Khu đoàn Việt Bắc) và một số cán bộ của Tỉnh Đoàn Thái Nguyên và Huyện Đoàn Đồng Hỷ luôn về xã Đồng Tiến để bổ sung nội dung, xây dựng phong trào, nhân rộng điển hình. Chẳng mấy chốc công tác Trần Quốc Toản của xã Đồng Tiến trở thành một điểm sáng của Khu Đoàn Việt Bắc”.

Đến tháng 3/1951, tại khu vực đền Rắn, T.Ư Đoàn đã xác định việc đổi tên Đội Thiếu nhi Cứu quốc thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh). Sự kiện này được phản ánh khá rõ trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Huống Thượng (1946-2010)” và cuốn “Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên tỉnh Thái Nguyên (1938-2012)” xuất bản trong các năm 2011 và 2012.

Một di tích từng gắn với tuổi trẻ bị xuống cấp ảnh 2
Hai bức sắc phong thời vua Khải Định tại đền Rắn
Hai bức sắc phong thời vua Khải Định tại đền Rắn.

Năm 1960, trước nguy cơ đền Rắn bị phá dỡ để làm trường học, Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên đã ban hành văn bản xếp hạng đền Rắn vào diện các di tích lịch sử của tỉnh, cần được bảo vệ và tu sửa. Năm 1962, Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có văn bản xếp hạng đền Rắn là di tích lịch sử loại 1 của tỉnh (cùng 18 di tích khác). Sau đó, Ty Văn hóa tỉnh Thái Nguyên đã về xã công bố quyết định trên và cắm bảng “Di tích lịch sử” tại đền Rắn.

Tuy nhiên về sau, không rõ vì sao đền Rắn bị “rơi” khỏi diện di tích được xếp hạng của tỉnh Thái Nguyên. Ngôi đền dần xuống cấp do không được tu bổ, tôn tạo.

Trước cảnh hoang tàn của đền, đầu những năm 1990, nhà sư trông coi chùa và nhân dân địa phương đã đóng góp công của để khôi phục một phần đền Rắn. Hội Cựu chiến binh xã Huống Thượng đã tổ chức trồng cây để khôi phục lại khu rừng quanh đền.

Sau 20 năm, rừng cây giờ đã xanh tốt, nhưng đền Rắn lại tiếp tục xuống cấp, có nguy cơ bị đổ. Bức sắc phong thời vua Khải Định đã bị mối gặm nhấm mất một phần, rất cần được phục chế.

Trao đổi với người viết bài này, các cán bộ có trách nhiệm của Phòng Di sản và Phòng Văn hoá huyện Đồng Hỷ (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Thái Nguyên) xác nhận: Đền Rắn hiện chưa thuộc diện xếp hạng di tích của tỉnh Thái Nguyên. Nguyên nhân của sự việc này do Thái Nguyên có nhiều di tích nên trong quá trình bàn giao qua các thời kỳ đã bị sót. Năm 2002, sau khi kiểm kê, cấp có trách nhiệm mới phát hiện ra đền Rắn và đưa vào danh mục quản lý. “Hiện đền Rắn đã được chúng tôi đưa vào danh sách để chuẩn bị trình cấp có trách nhiệm xét công nhận là di tích cấp tỉnh trong thời gian tới” - một cán bộ quản lý của Phòng Văn hóa huyện Đồng Hỷ cho biết.

Hiện nay, trong tư liệu về Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh chỉ ghi nơi đổi tên Đội Thiếu nhi cứu quốc thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám diễn ra tại Việt Bắc vào tháng 3/1951 (tỉnh Thái Nguyên thời kỳ đó thuộc Việt Bắc-PV), mà chưa đề cập địa điểm cụ thể.

Ông Nguyễn Thế Tiến, một trong những tác giả biên tập cuốn “Lịch sử Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi Việt Nam” (xuất bản năm 2001) cho biết: “Tôi thấy những tư liệu về đền Rắn - nơi đổi tên Đội Thiếu nhi Cứu quốc thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám là một tư liệu quý để các nhà nghiên cứu, viết sử Đội, Đoàn tiếp tục khảo cứu trong tương lai”

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG