Một doanh nhân Nhật kêu cứu

Một doanh nhân Nhật kêu cứu
TP - Ông Sugimoto Hiroyuki - Tổng Giám đốc Cty cổ phần Progtechno Việt Nam (KCN Phố Nối A, Hưng Yên) tìm đến trụ sở báo Tiền Phong kêu cứu và cho biết ông là nạn nhân của một vụ lừa đảo tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo ông Sugimoto khoảng tháng 4/2006, ông gặp ông Omura Naoki (một doanh nhân Nhật), bày tỏ nguyện vọng muốn đầu tư vào Việt Nam. Omura Naoki giới thiệu vợ là Đào Thanh Nhi cho Sugitomo rồi cho biết, có một khu đất đang được rao bán tại KCN Phố Nối A (Hưng Yên) nhưng khả năng tài chính của vợ chồng Omura chỉ mua được 7.000m2; trong khi tổng diện tích của lô đất là 15.000m2.

Vợ chồng bà Nhi đề nghị ông Sugimoto cùng góp vốn mua lô đất trên và hứa sẽ chuyển giao quyền sử dụng đất (8.000m2).

Để mua đất, ông Sugimoto chuyển tiền cho bà Đào Thanh Nhi hai lần với tổng số tiền hơn 228 nghìn USD. Sau đó, ông Sugimoto tiếp tục gửi tiền từ Nhật sang để thanh toán chi phí thành lập Cty Cổ phần Progtechno Việt Nam tại Hà Nội, với tỷ lệ góp vốn Sugimoto 70 phần trăm tổng số cổ phần; Nhi 25 phần trăm; Đào Xuân Kiên (em ruột Nhi) năm phần trăm.

Trong năm 2007, Sugimoto tiếp tục gửi tiền về cho bà Nhi để thanh toán tiền thiết kế nhà xưởng, mua ô tô. Đầu năm 2008, bà Nhi tiếp tục yêu cầu ông Sugimoto đóng dấu và ký vào một số giấy tờ lưu không với lý do làm thủ tục đăng ký hải quan và hoàn thiện hồ sơ pháp lý.

Trước đó, với lý do không thuê được đất, bà Nhi cho giải thể Cty Protechno Việt Nam tại Hà Nội; sau đó đăng ký thành lập Cty cổ phần Protechno Việt Nam tại KCN Phố Nối A. Tuy nhiên, theo ông Sugimoto, việc giải thể và thành lập mới Cty Protechno, ông không được biết.

“Tôi không hề biết có một pháp nhân nữa cũng tên là Cty Cổ phần Progtechno Việt Nam được cấp phép hoạt động tại KCN Phố Nối A (Hưng Yên). Hai pháp nhân này có tên, vốn điều lệ, cổ đông giống nhau, cùng tỷ lệ góp vốn; chỉ khác địa điểm” - ông Sugitomo bức xúc. Từ trước đến nay, Sugimoto vẫn nghĩ nhà xưởng ở KCN Phố Nối A là do ông bỏ tiền đầu tư và chỉ có một Cty Cổ phần Progtechno Việt Nam…

Đến tháng 12/2008, bà Nhi thuê Cty Bảo vệ Sao Việt cấm ông Sugimoto ra vào Cty Cổ phần Progtechno Việt Nam với lý do nhà đầu tư này chưa thanh toán tiền thuê nhà xưởng.

Bà bảo B

Một doanh nhân Nhật kêu cứu ảnh 1

Ông Sugimoto tại trụ sở Báo Tiền Phong. Ảnh: Phong Cầm

Làm việc với PV Tiền Phong, bà Đào Thanh Nhi thừa nhận có nhận tiền từ ông Sugimoto để thành lập Cty Protechno Việt Nam tại Hà Nội, nhưng sau đó đã chuyển trả lại bằng ba phiếu chi với tổng số tiền gần 707 nghìn USD.

Bà Nhi cũng cho biết, vì không thuê được đất nên Cty Protechno Việt Nam tại Hà Nội có sự tham gia của ông Sugimoto đã tuyên bố giải thể.

Trả lời câu hỏi “Vì sao lại thuê bảo vệ không cho ông Sugimoto vào Cty Protechno tại Hưng Yên?”. Bà Nhi giải thích, vì ông Sugimoto chưa đóng tiền thuê nhà xưởng (thuộc khuôn viên Cty TNHH Cơ khí Ki Nhi do bà Nhi làm Giám đốc tại KCN Phố Nối A, Hưng Yên).

Theo bà Nhi, việc thuê nhà xưởng có văn bản thỏa thuận giữa Cty Cổ phần Protechno Việt Nam do ông Sugimoto làm tổng giám đốc và Cty TNHH Cơ khí Ki Nhi. Máy móc, thiết bị của Protechno vẫn thuộc sở hữu của ông Sugimoto; còn nhà xưởng và đất là thuộc sở hữu của Cty Ki Nhi.

“Vậy, tại sao bà thành lập tại Hưng Yên một Cty cũng mang tên Protechno Việt Nam như tại Hà Nội?”. Bà Nhi nói: Vì Cty Cổ phần Protechno Việt Nam tại Hà Nội đã giải thể nên phải lập Cty mới. Mặc dù tên Cty trùng nhau song các cổ đông (Nhi, em trai Nhi, ông Sugimoto - PV) vẫn chưa góp vốn như cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư do ông Vũ Văn Minh - Trưởng ban Quản lý các KCN Hưng Yên ký.

“Theo quy định, sau ba tháng thành lập và hoạt động, các cổ đông phải góp vốn. Nhưng thực tế đến nay các cổ đông vẫn chưa góp đồng nào. Đây là vi phạm của Cty Cổ phần Protechno Việt Nam” - bà Nhi thừa nhận.

Cần sớm làm rõ

Được biết, vụ việc đã được Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội vào cuộc tìm hiểu. Trước đó, trong thư trả lời ông Mitsuo Sakaba - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng, những tranh chấp liên quan tài sản của Cty Cổ phần Protechno ở Hà Nội và nguồn tiền đầu tư các dự án xảy ra trên đất Hà Nội nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an TP Hà Nội.

Còn việc Cty Ki Nhi đóng cổng, không cho lao động của Cty Cổ phần Protechno Việt Nam tại KCN Phố Nối A vào làm việc là tranh chấp phát sinh liên quan thỏa thuận giữa hai doanh nghiệp. Nếu hai bên thương lượng không đạt kết quả, có thể đưa vụ việc ra trọng tài kinh tế hoặc tòa án. 

Qua Tiền Phong, ông Sugimoto và bà Đào Thanh Nhi mong muốn các cơ quan chức năng sớm có quyết định cuối cùng để phân biệt rõ ai sai, ai đúng.
MỚI - NÓNG