Một đời gắn bó với làng Sen

Một đời gắn bó với làng Sen
TP -  Hơn 25 năm qua, chị Huệ đã dành trọn tuổi xuân cho một công việc âm thầm, lặng lẽ: Hướng dẫn viên khu di tích Làng Sen. Chị coi làng Sen như quê hương của mình.
Một đời gắn bó với làng Sen ảnh 1
Chị Huệ  – người đã hơn 25 năm gắn bó với làng Sen

Sinh năm 1951, quê Quỳnh Tiến (Quỳnh Lưu, Nghệ An), năm 1969, chị Nguyễn Thị Minh Huệ nhận được giấy báo nhập học trường ĐH An ninh, nhưng chị đã từ chối. Chị ở lại Quỳnh Tiến, vừa làm nhân viên kế toán HTX vừa tham gia dạy bổ túc văn hóa, xóa mù.

Sang năm 1970, Phó GĐ Ty văn hóa Nghệ An Trần Quang Xấn (người cùng quê với chị Huệ) giới thiệu chị vào làm hướng dẫn viên tại khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An).

Gói ghém hành trang, chị Huệ đạp xe vào làng Sen. Là dân biển, quanh năm vỗ về tiếng sóng, bây giờ đến ngôi làng mới chỉ có lúa và khoai, mỗi khi nhìn khói lam chiều cô gái tuổi đôi mươi không khỏi nhớ nhà, nhớ mẹ.

Chị Huệ tâm sự: “Tài liệu duy nhất lúc đó là sách do Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Nghệ An soạn thảo, chúng tôi thuyết minh theo sách này”.

Dù kinh nghiệm thuyết minh chưa nhiều, nhưng giọng nói truyền cảm của cô gái xứ Nghệ về những kỷ vật thiêng liêng của Bác đã khiến nhiều khách tham quan quê Bác bật khóc.

Khu vườn làng Sen, mái nhà tranh của Bác, chiếc võng đưa nôi, kỷ niệm thời niên thiếu của Nguyễn Tất Thành, tất cả hiện về rất đỗi sinh động trong giọng trầm tha thiết của cô hướng dẫn viên xinh đẹp.

Quãng đời thanh xuân của chị Huệ đã trôi qua như thế, lặng lẽ, âm thầm. Chị coi làng Sen như quê hương của mình, và cuộc đời chị neo đậu ở bến sông này.

Năm 1989, Bảo tàng Hồ Chí Minh đặc cách cho Nguyễn Thị Minh Huệ sang Liên Xô tập huấn nghiệp vụ tại Bảo tàng Lê-nin. Chuyến đi ngắn ngủi 2 tuần, nhưng chị đã học được nhiều điều bổ ích.

“Hơn 25 năm làm hướng dẫn viên, chắc chị có nhiều kỷ niệm?”- Tôi hỏi chị Huệ. Chị bùi ngùi: “Nhiều lắm. Nhớ nhất là lần tiếp đoàn khách ở ủy ban Kiểm tra Trung ương, có một vị khách ngậm ngùi nói: “Tôi về thăm quê Bác lần này là thăm cho cả con trai.

Hồi chiến tranh trong một lần hành quân vào Nam, đêm dừng chân tại Nghệ An, con trai tôi bảo: Bố cho con ghé thăm nhà Bác. Nhưng lúc đó vì kỷ luật quân đội, tôi không thể chiều theo ý con trai. Tôi nói với con: Quét sạch giặc thù, rồi con về thăm Kim Liên cũng chưa muộn.

Nhưng không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng, con tôi hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị, ước nguyện của nó không thành. Bây giờ, tôi về quê Bác và mang theo tình cảm thiêng liêng đó”.

Lập gia đình trên quê Bác với một anh Bộ đội Cụ Hồ, bây giờ chị Huệ đã là mẹ của 3 đứa con. Những đồng nghiệp cùng trang lứa mỗi người một phương: Chị Trâm theo chồng vào Nam; anh Lê Viết Linh đã mất; chị Hường, anh Thao: Về hưu. Chỉ còn chị và chị Lộc gắn bó mãi với Kim Liên. Cả ba đứa con của chị đều học đại học (riêng con gái út Nguyễn Thị Hoàng Hà thi đậu 3 trường ĐH).

MỚI - NÓNG