Một giảng viên “đạo” từ điển tiếng Hàn

Một giảng viên “đạo” từ điển tiếng Hàn
Từ điển ngữ pháp tiếng Hàn, một cuốn sách phổ biến được rất nhiều học viên, sinh viên tiếng Hàn ở Việt Nam sử dụng, đứng tên tác giả Lý Kính Hiền thực ra là một cuốn sách “đạo”.

Một nhóm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc cho phóng viên biết hiện GS Beak Bong Ja, Trường ĐH Jonsei, đang rất bức xúc vì cuốn sách Từ điển ngữ pháp tiếng Hàn cho người nước ngoài của bà đã bị một giảng viên Việt Nam dịch và phát hành rộng rãi tại Việt Nam suốt 4 năm qua mà chưa hề được sự đồng ý của bà.

Điều đáng nói là trên cuốn sách lại ghi tên tác giả Lý Kính Hiền, trưởng ngành Hàn Quốc học, Khoa Đông phương học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM).

Một giảng viên “đạo” từ điển tiếng Hàn ảnh 1
Cuốn sách của GS Beak Bong Ja và cuốn sách đứng tên Lý Kính Hiền

Giống nhau đến 99,9%

Chúng tôi đã tìm cuốn sách Từ điển ngữ pháp tiếng Hàn cho người nước ngoài nguyên gốc tiếng Hàn của tác giả Beak Bong Ja, xuất bản năm 1999 tại Hàn Quốc (tái bản năm 2004) và cuốn sách Từ điển ngữ pháp tiếng Hàn ghi tác giả là Lý Kính Hiền, Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2007 (thực hiện liên doanh: Công ty TNHH Gia Vũ), nhờ các giảng viên bộ môn Hàn Quốc học tại các trường ĐH thẩm định thì ai cũng quả quyết hai cuốn sách là một.

Ông Huỳnh Sang, giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, cho rằng tác giả Lý Kính Hiền chỉ dịch lại cuốn sách của GS Beak Bong Ja, bởi nội dung của hai cuốn sách hoàn toàn giống nhau.

Ngay phần dẫn nhập, tác giả Lý Kính Hiền dịch lại phần dẫn nhập của bà Beak Bong Ja, nhưng kết thúc phần này, tác giả ghi: “Sài Gòn, tháng 6 năm 2004, Lý Kính Hiền...”, khiến cho người ta hiểu rằng người viết chính là Lý Kính Hiền. Dù điểm khác duy nhất của cuốn sách là có thêm phần phụ lục 3 trang về thuật ngữ ngữ pháp thông dụng.

Theo các giảng viên chuyên ngành Hàn Quốc học, cuốn sách của GS Beak Bong Ja được dùng như là kim chỉ nam cho người học và dạy tiếng Hàn, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Tại Hàn Quốc, GS Beak Bong Ja là người rất nổi tiếng về học thuật, từng xuất bản nhiều cuốn sách về tiếng Hàn và cũng là giảng viên của nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam. Do đó, việc một giảng viên Việt Nam “đạo” sách của bà đã ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của giới học thuật Việt Nam tại Hàn Quốc.

Cách đây không lâu, GS Beak Bong Ja cũng đã lên tiếng về vấn đề này tại một hội thảo quốc tế ở Hàn Quốc.

Không rõ luật bản quyền?

Ngày 25-1, chúng tôi đã tìm gặp giảng viên Lý Kính Hiền. Ông thừa nhận đã dịch cuốn sách của tác giả Beak Bong Ja và cho biết GS Beak Bong Ja là cô giáo từng dạy ông năm 2002 tại Hàn Quốc. Chính GS Beak Bong Ja đã tặng ông cuốn sách đó.

Thấy cuốn sách hay và hữu dụng nên Lý Kính Hiền đã dịch và phối hợp với Công ty TNHH Gia Vũ in, phát hành.

Vì sao chỉ dịch mà lại đề tên mình là tác giả? Ông Lý Kính Hiền lý giải: Do không hiểu rõ về luật bản quyền và lúc đó tại Việt Nam chưa áp dụng luật bản quyền nên đã làm trên tinh thần giúp sinh viên học tiếng Hàn hiệu quả hơn chứ không phải mục đích kinh doanh. Và lúc đó không biết liên lạc với GS Beak Bong Ja bằng cách nào.

“Tôi sẽ cố gắng liên lạc với tác giả để xin lỗi và nếu phải trả phí bản quyền bao nhiêu tôi cũng chấp nhận”- ông Lý Kính Hiền nói.

Trao đổi với chúng tôi, Ông Vũ Đình Thân, Giám đốc Công ty TNHH Gia Vũ, cho biết: “Năm 2004, chưa ai để ý đến Luật Bản quyền nên khi Lý Kính Hiền nói cuốn sách này hay, muốn in để phát hành rộng rãi, tôi đồng ý hợp tác ngay và làm cuốn sách trong vòng 3 năm”.

Năm 2009, phía Hàn Quốc đã liên lạc và muốn hợp tác tái bản cuốn sách trên nhưng ông Thân không dám nhận vì phát hiện Lý Kính Hiền chỉ dịch chứ không phải là tác giả.

“Đáng ra Lý Kính Hiền phải xin phép tác giả trước khi làm cuốn sách. Giờ tôi cũng chỉ biết xin lỗi và rất mong được hợp tác với tác giả thật sự để tái bản cuốn sách trên vì đây là cuốn sách rất có ích cho sinh viên”- ông Thân nói.

Cuốn sách Từ điển ngữ pháp tiếng Hàn được phát hành 2.000 cuốn, chi phí mà Công ty TNHH Gia Vũ trả cho ông Lý Kính Hiền là 30.000 đồng/trang, tổng cộng là 22.920.000 đồng.

PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM): Sẽ xử lý kỷ luật

Anh Lý Kính Hiền là giảng viên trẻ, có thể chưa hiểu hết về vấn đề bản quyền nhưng hành động trên rõ ràng là không tốt.

Là cơ quan chủ quản, khi giảng viên có khuyết điểm, chúng tôi có trách nhiệm xử lý kỷ luật, với trường hợp anh Lý Kính Hiền là vấn đề tư cách người thầy. Hơn nữa, đây là vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học.

Nhà trường sẽ yêu cầu anh Lý Kính Hiền viết tường trình và sẽ xem xét mức độ kỷ luật, hình thức kỷ luật cao nhất là sa thải cán bộ.

PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: Cần phải lên án

“Đạo” sách là cách nói đẹp thôi, thực chất đây là vấn đề ăn cắp. Đã là ăn cắp thì hành động dù nhỏ hay lớn đều cần phải lên án. Đặc biệt, đây lại là vấn đề vi phạm đạo đức.

Một giảng viên ĐH “đạo” sách thì không thể đủ tư cách đứng trên bục giảng, nhưng tùy từng trường hợp cụ thể để xem xét.

Giải pháp để chấm dứt tình trạng vi phạm tác quyền là cần phải thực thi đúng pháp luật quyền sở hữu trí tuệ mà Nhà nước đã ban hành.

Theo Người lao động

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.