Một giọt máu bằng sáu bát cơm

Một giọt máu bằng sáu bát cơm
TP - Cách đây 15 năm, GS.TSKH Đỗ Trung Phấn, khi đó đang giữ cương vị Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư là người đầu tiên phát động phong trào hiến máu tình nguyện. Ông chia sẻ với Tiền Phong những kỷ niệm và khó khăn trong vấn đề này.

>> Không có con đường cùng

Một giọt máu bằng sáu bát cơm ảnh 1
GS.TSKH Đỗ Trung Phấn

Tôi từng chứng kiến cảnh bệnh nhân nằm chờ la liệt ở Bệnh viện Bạch Mai, không ít người phải đợi 2-3 tuần mới được mổ vì thiếu máu.

Nhu cầu về máu thì lớn trong khi chất lượng máu không bảo đảm và phải phụ thuộc vào một số ít người cho máu chuyên nghiệp. Cùng lúc đó các bệnh như HIV, viêm gan B, C rộ lên mà chúng ta không sàng lọc, không đảm bảo an toàn truyền máu.

Tôi từng tham gia đưa sinh viên cán bộ trường y vào khu IV để giúp đồng bào khi địch đánh phá. Tôi phải nằm dưới hầm, chữa trị, mổ cho nhân dân, chiến sĩ.

Lúc mổ ở trong hầm bị thiếu máu thấy khó khăn gian khổ vô cùng. Ngày đó, do hoàn cảnh chiến tranh bất khả kháng, chứ bây giờ hòa bình rồi, với vị trí của người đứng đầu ngành công tác truyền máu tôi quyết định vận động phong trào hiến máu nhân đạo.

Để xây dựng được phong trào hiến máu tình nguyện, GS và đồng nghiệp đã gặp những khó khăn gì?

Dân ta từ lâu nói “một giọt máu bằng sáu bát cơm” nên họ phải giữ gìn. Có trường hợp con chuẩn bị hiến máu thì bà mẹ ra can thiệp không được phép cho nữa. Cũng có thanh niên nằm chuẩn bị cho máu lại chạy mất. Thậm chí còn có tin đồn chúng tôi lấy máu của dân… bán cho nước ngoài.

Số ít người còn lại sẵn sàng cho máu thì cũng giấu gia đình và bà con hàng xóm. Người ta cảm thấy đi cho máu là một cái gì đó rất xấu, là công việc của những anh túng thiếu, nghèo đói, nghiện hút rồi này khác. Thậm chí thấy người đi cho máu người ta còn khinh bỉ, còn người cho máu phải lén lút đi vào cổng sau của bệnh viện.

Thế nên, lúc tôi phát động phong trào, có không ít ý kiến cho rằng phong trào rộ lên một vài ngày rồi lại im ắng, chết yểu mà thôi.

Mất bao lâu phong trào mới giúp dân thay đổi nếp nghĩ đó, thưa GS?

Phải sau tới 10 năm tuyên truyền, năm 2003, tôi mới thấy nếp nghĩ, tâm lý đó thay đổi. Người ta nhận thấy những điểm quan trọng nhất là, cho máu không có hại cho sức khỏe, cho máu làm việc thiện cứu bệnh nhân và, cuối cùng, cho máu chính là kiểm tra sức khỏe của mình.

Trong những lần trực tiếp đi vận động hiến máu, GS nhớ nhất lần nào?

Có lần xuống Cẩm Phả (Quảng Ninh) vận động hiến máu, giám đốc mỏ than ngần ngại, tôi nói ngay: “Tôi nhiều tuổi hơn anh. Tôi với anh cùng nằm xuống cho máu”. Sau khi thấy tôi và giám đốc cho máu xong đi lại bình thường, công nhân không còn nghi ngại gì nữa.

Mùa đông năm 1999, tôi tới thăm anh Lê Hữu Thanh ở Tiên Dược (Sóc Sơn, Hà Nội), một nông dân hiến máu tới chín lần. Giữa mùa đông lạnh giá mà anh không có đủ áo ấm để mặc nên tôi cởi áo tặng anh.

Có một sinh viên rất nghèo nhưng hiến máu rất nhiều lần. Ngoài ra cậu ta lại chịu khó đi vận động được hàng chục người hiến máu, mà lại toàn đi buổi tối khó khăn cực nhọc. Tôi lấy tiền mình tích góp được mua cho cậu ấy cái xe đạp.

Việc cởi áo tặng, mua xe đạp là nghệ thuật của người làm phong trào?

Tâm khảm mình bột phát nghĩ là phải làm vậy thôi. Nông dân, sinh viên nghèo mà lại rộng lượng làm việc nghĩa không hề suy nghĩ. Vậy thì mình còn tiếc gì nữa.

GS từng cho máu bao nhiêu lần rồi?

Tôi cho khoảng bảy lần .

Bây giờ ở tuổi 74, GS có tham gia hiến máu nữa không?

Tôi cho ngay. Chỉ có điều mấy cô cậu học trò tôi bây giờ bảo phải theo quy chế, quy định nên họ không lấy máu của tôi vì tôi qua tuổi 60 lâu rồi.

Xin cảm ơn GS.

Câu lạc bộ nhóm máu hiếm

TP - Nhận được điện thoại từ Viện Huyết học Truyền máu T.Ư, Đỗ Dung, Phó Chủ nhiệm CLB nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc lo lắng bắt liên lạc với các thành viên trong câu lạc bộ.

Có một bệnh nhân cần truyền máu gấp mà lại là nhóm máu hiếm. Nhóm máu hiếm mang kháng nguyên thấp chỉ số Rh âm chiếm tỉ lệ 4-7/10.000 người trong xã hội (chiếm 0,04 phần trăm). Vì vậy bệnh nhân mang nhóm máu RH- dễ gặp nguy hiểm vì không tìm được máu để truyền.

Năm 2006, Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư mất nhiều thời gian tìm kiếm và tập hợp 50 người đặc biệt này. Ngày 6/1/2007, CLB những người có nhóm máu hiếm được thành lập với 19 thành viên.

Đến nay, CLB đã có 60 thành viên ở khu vực phía Bắc, 200 thành viên ở phía Nam, 20 thành viên ở miền Trung. CLB hoạt động dưới sự bảo trợ của Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư.

Đến nay, Dung hiến máu 14 lần, Nguyễn Thi Yên (Bắc Giang) 13 lần, Phạm Ngọc Thúy, Ứng Thùy Linh 12 lần…

Dung, Yên và các thành viên trong nhóm nhận không biết bao nhiêu câu nói từ bạn bè rằng, đừng hiến máu nữa. Nhiều bạn mỉm cười nói rằng: “Có bệnh nhân là lập tức chúng tớ tới ngay. Chần chừ đồng nghĩa kéo dài sự đau đớn của bệnh nhân và người thân”.

Đỗ Dung kể: “Có một bệnh nhân bị ung thư máu ở Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư, nhóm máu B thuộc loại BRH (-). Khi đó ngân hàng máu đã cạn. CLB kêu gọi các thành viên nhóm máu B-. Hy vọng bệnh nhân có một cái Tết đầm ấm bên gia đình. Thế nhưng, chúng tớ chỉ biết đứng nhìn. Đó là điều áy náy nhất”.

Thùy Linh

 Nguyễn Hữu Bắc
(Thực hiện)

MỚI - NÓNG