Một liệt sĩ trở về sau 23 năm

Một liệt sĩ trở về sau 23 năm
Nhập ngũ đầu năm 1981, được báo tử hi sinh tại chiến trường Campuchia năm 1982, đã 22 lần giỗ trôi qua, bất ngờ ngày 17/06/2005, gia đình "liệt sĩ" Đỗ Văn Lâm nhận được một bức thư báo tin anh còn sống.

Sáng 3/7/2005, tôi có mặt tại nhà số 238 ấp Tân Hưng, xã Tân Hòa, nơi “liệt sĩ” Đỗ Văn Lâm (sinh năm 1957) vừa trở về.

Cha của anh Lâm-ông Đỗ Văn Bảy (Bảy Cà Mau) hiện đã 82 tuổi, mẹ anh Lê Thị Kiều đã 80 tuổi, chị dâu cả Phạm Thị Phỉ 52 tuổi và anh Lâm. Anh Lâm chỉ khẽ gật đầu chào chúng tôi rồi ngoan ngoãn ngồi vào một góc theo sự sắp xếp của cha, mặt không hề biểu lộ cảm xúc nào.

Chị Phỉ kể: Ngày 17/6/2005 gia đình nhận được bức thư từ Trung tâm điều dưỡng tâm thần ở Thủ Đức - TP HCM. Người gửi là bác sĩ Phượng báo tin: Trung tâm có nuôi dưỡng và điều trị một bệnh nhân nam tên là Đỗ Văn Lâm, ở ấp Tân Hưng xã Tân Hòa. Ông bà Bảy liền giục anh Đỗ Văn Gạch-anh trai cả và chị Phỉ-vợ anh Gạch thu xếp đi ngay.

Đến Trung tâm điều dưỡng tâm thần Thủ Đức, anh Gạch-chị Phỉ được cho gặp ngay người bệnh có tên là Đỗ Văn Lâm. Thật không ngờ, đó chính là “liệt sĩ” Đỗ Văn Lâm-em của anh chị dù có già đi nhiều so với chàng thanh niên Đỗ Văm Lâm 23 năm trước. Anh Gạch-chị Phỉ cứ ôm lấy anh Lâm mà khóc, mặc dù lúc ấy anh Lâm không có vẻ gì nhận ra người thân.

Bác sĩ Phượng cho biết: vào tháng 2/2004, TPHCM có chủ trương tập trung các đối tượng lang thang, người bệnh tâm thần không có người thừa nhận vào các trung tâm để chuẩn bị chào đón SEA GAMES 22. Công an huyện Bình Chánh-TP.HCM bàn giao cho Trung tâm một người bệnh tâm thần đang sống trong một ngôi miếu ở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Người bệnh chẳng nhớ được họ tên, nên các y bác sĩ ở đây tạm gọi là anh Bào.

Những ngày ở trung tâm anh Bào rất hiền, không phá phách, la hét như các bệnh nhân khác nên được giao trông coi một cháu bé 10 tuổi bị bệnh tâm thần rất nặng.

Tháng trước, đột nhiên cháu bé tâm thần trở bệnh rất nặng, anh Bào lo lắng báo tin liên tục cho các bác sĩ. Anh nói chuyện nhiều hơn và hoạt bát hơn thường ngày.

Một hôm, tự nhiên anh nói với bác sĩ  Phượng: “Em nhớ nhà quá bác sĩ ơi !”. Bác sĩ Phượng liền hỏi: “Nhà anh ở đâu?”. Bào nói một hơi: “ấp Tân Hưng, xã Tân Hòa”. Mấy ngày sau bác sĩ Phượng biết thêm cha của Bào là Đỗ Văn Bảy, còn anh tên thật là Đỗ Văn Lâm. Bác sĩ Phượng kiên trì tìm hiểu, biết thêm ấp Tân Hưng thuộc thị xã Vĩnh Long liền viết thư gửi về gia đình anh Đỗ Văn Lâm.

Vì sao Đỗ Văn Lâm mất tích?

Theo lời ông Đỗ Văn Bảy, cha anh Lâm: Sau khi nhận được tin báo tử của đơn vị, ông đã sang tận Campuchia mong mang được thi hài con về quê. Tìm đến đúng đơn vị của Lâm là Đại đội 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) đang đóng trên đất bạn nhưng không tìm được mộ Đỗ Văn Lâm.

Tìm khắp các quân y viện cũng không có, ông Bảy đành phải về quê và hy vọng ngày nào đó sẽ được tin con. Nhưng tất cả hy vọng dần tắt, gia đình chỉ còn biết cúng giỗ cho anh theo ngày giấy báo tử đã ghi. Thông tin duy nhất được một đồng đội cung cấp là có thể anh Lâm đã hy sinh trong rừng ở một trận đánh với tàn quân Pôn-Pốt.

Tại sao anh Lâm lại lưu lạc đến tận huyện Bình Chánh (TP HCM) với căn bệnh tâm thần cho đến giờ vẫn là một ẩn số. Vết thương dưới xương đòn bên trái anh Lâm có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần cho anh? Hiện trí nhớ của anh Lâm  chưa phục hồi hoàn toàn.Tuy nhiên, anh vẫn nhớ được tên của thủ trưởng đơn vị cũ và một vài đồng đội.

Chị Nguyễn Thị Tường Lạc-cán bộ thương binh xã hội xã Tân Hòa cho biết: Đã thông tin cho Sở LĐ-TB-XH Vĩnh Long và Thị đội Vĩnh Long về trường hợp của anh Lâm. Trước mắt, vết thương của anh Lâm cần phải được cơ quan y tế giám định và nếu đúng anh bị thương trong khi chiến đấu thì các cơ quan chức năng cần tiến hành các thủ tục để anh được điều trị và hưởng các chế độ chính sách của nhà nước đối với một thương binh.

Bằng liệt sĩ đương nhiên phải được thu lại, nhưng anh cũng phải được phục hồi hộ khẩu để hưởng các quyền lợi về nhân thân và chế độ chăm sóc của xã hội đối với một bệnh nhân tâm thần.

MỚI - NÓNG