Giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Tâm Thắng (tỉnh  Đăk Nông):

Một mét đất không mua nổi tô bún riêu

Một mét đất không mua nổi tô bún riêu
TP - Những gia đình xui xẻo này rơi vào vùng giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Tâm Thắng. Người dân đang sống trong yên bình bỗng bị chính quyền xã, Công an huyện Cư Jút triệu tập nhiều lần, buộc phải nhận tiền đền bù với giá đất 3.336đ/m2.

Khu công nghiệp Tâm Thắng hình thành theo 4 đợt giải tỏa. Riêng đợt 4 với 108 hộ, có đất từ suối Hương trở ra nằm trong khu dân cư ổn định, tất cả các hộ đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1993. Do quỹ đất tái định cư chưa có nên Chủ tịch UBND tỉnh hồi còn chưa tách tỉnh đã họp dân, hứa sẽ đền bù theo giá đất chuyển nhượng hiện tại, để bà con tự đi mua đất ở. Bà con rất phấn khởi, sẵn sàng ký vào biên bản.

Năm 2004 đợt 4 bắt đầu được đền bù để giải phóng mặt bằng. Hội đồng đền bù Khu công nghiệp Tâm Thắng không theo đúng lời hứa của Chủ tịch tỉnh mà áp giá đền bù cho bà con chỉ có 3.336 đồng/m2. Trong số đó có 19 hộ quá nghèo cương quyết không nhận, đã làm đơn kêu cứu hết cấp xã, huyện, Cty phát triển hạ tầng khu công nghiệp và cả các cấp có thẩm quyền ở tỉnh, nhưng chưa có cấp nào giải quyết quyền và lợi ích cho họ.

Trong quá trình thưa kiện quá lâu, trong số 19 hộ chỉ còn lại 12 hộ bám trụ để đưa sự việc ra Tòa Hành chính TAND tỉnh Đăk Nông kiện Quyết định 321/QĐ - UB, ngày 21/04/2004 của UBND tỉnh Đăk Nông. Ngày 19-20/9/2006, Tòa hành chính TAND tỉnh Đăk Nông đã đưa vụ kiện ra xử. Phía người bị hại cho rằng: UBND tỉnh áp giá đất đền bù cho bà con chưa thỏa đáng.

Giá đất khu dân cư ổn định áp giá 3.336 đồng/m2 là không đúng với thực tế trong lúc giá đất thị trường mặt tiền quốc lộ 14 tại thời điểm đền bù lên tới 100.000.000 đồng/mét (chỉ tính độ dài 1 mét mặt đường, phần sâu vào trong không cần xác định), còn đất dọc trục lộ vào nhà máy đường là 50.000.000 đồng/mét. Theo bảng giá của UBND tỉnh Đăk Nông thời điểm năm 2004: mặt quốc lộ 14 được 1.200.000đ/m2, trục lộ  nhà máy đường 600.000đ/m2.

So sánh giá thị trường, giá của tỉnh với giá đền bù theo Quyết định 321/QĐ -UB của UBND tỉnh Đăk Nông thì chênh lệch tới chóng mặt. Hơn nữa đất tái định cư không có thì nhận tiền rồi họ sẽ đi về đâu? Hộ bà Đinh Thị Ẩm diện tích đất 469 m2, chiều rộng 12 m dọc  quốc lộ 14 chỉ đền bù 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng). Hộ ông Trịnh Văn Lộc có 960m2 đất đền bù 7.155.360 đồng, hộ ông Nguyễn Bá Linh có diện tích đất 3.676m2 đền bù chỉ 26.299.988 đồng.

Qua phiên tòa xét xử, luật sư biện hộ cho phía bị hại khẳng định: UBND tỉnh Đăk Nông ra Quyết định 321 ngày 1/4/2004 về trình tự thủ tục và cách áp dụng hệ số K để bồi thường cho dân không đúng với quy định của Nhà nước. Một trong những nguyên nhân khiến UBND tỉnh ra quyết định sai là do tổ chuyên viên của UBND tỉnh đã làm sai lệch biên bản họp dân qua các đợt.

Riêng đợt 4, Hội đồng xét xử chỉ căn cứ vào một biên bản họp dân ngày 17/1/2004 do UBND xã Tâm Thắng thực hiện, mà thực tế cuộc họp đó đa số các hộ dân có quyền lợi liên quan không được mời tham gia.

Phía đại diện UBND cũng không chịu cung cấp cho tòa án bản gốc mà chỉ đưa bản đánh máy đã bị tu sửa ngôn từ, không có ý kiến của người bị hại, không có chữ ký nào của dân chứng kiến cuộc họp hôm đó.

Đại diện Viện KSND tỉnh - Kiểm sát viên Trần Đình Vỹ đề nghị hoãn phiên tòa để điều tra tiếp, nhưng phía Tòa án vẫn cho rằng việc làm của UBND tỉnh đã đúng trình tự. Sau đó ghế đại diện Viện KSND của ông Vỹ bị thay bằng người khác, mặc dù ông Vỹ có tên trong các phiên xử tiếp theo.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên: Bác toàn bộ nội dung yêu cầu của các hộ dân khởi kiện.

Các hộ dân bất bình đã làm đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án hành chính sơ thẩm ngày 20/09/2006 của TAND tỉnh Đăk Nông. Thật đáng buồn là phiên xử  vụ kiện hành chính đầu tiên ở Đăk Nông lại diễn ra kém sức thuyết phục đến thế!

MỚI - NÓNG