Một ngày xuyên ba nước và chuyện ghi dọc hành lang Đông Tây

Một ngày xuyên ba nước và chuyện ghi dọc hành lang Đông Tây
Lộ trình qua ba nước Việt Nam – Lào – Thái Lan bây giờ đã rút ngắn được hơn 4 giờ, nhờ dự án nâng cấp QL 01, QL 09 và công trình hầm đường bộ Hải Vân.

Tôi tham gia tour “một ngày ăn cơm 3 nước” đầu tiên xuất phát từ Đà Nẵng sau ngày thông hầm đường bộ Hải Vân.

Một ngày ăn cơm 3 nước!

Chương trình hợp tác du lịch đường bộ giữa 3 nước được triển khai từ năm 1994 đã mở ra một hướng mới cho sự phát triển du lịch, đặc biệt là sự phát triển du lịch của các tỉnh miền Trung Việt Nam và các tỉnh phía Nam Lào, phía Đông Bắc Thái Lan.

Theo lộ trình, chúng tôi qua cửa khẩu Lao Bảo lúc 12 giờ; 13 giờ ăn trưa ở Savanakhet; qua cửa khẩu Thakhet lúc 17 giờ. Lữ khách được thưởng thức văn hóa ẩm thực 3 nước trong 1 ngày, nhưng không phải là ăn sáng - trưa - tối, mà là  ăn sáng – chiều – khuya.

Ở cửa khẩu Lao Bảo, với 66 người và 2 chiếc xe, chúng tôi phải mất 2 giờ đồng hồ mới làm xong thủ tục xuất nhập cảnh. Du khách hết sức bực bội khi phải chờ đợi quá lâu dưới bầu không khí nóng nực và bụi bặm. Thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh của cơ quan chức năng phía Việt Nam lâu gấp đôi thời gian so với phía bạn Lào.

Trông người lại ngẫm đến ta

Từ Nakhon chúng tôi lên đường tới Pataya-Bangkok. Xe bon bon trên đường cao tốc, băng qua những cánh rừng già, ruộng đồng bát ngát.

Từ Lào qua Thái Lan tôi không thấy một trạm kiểm lâm nào cả. Nhưng cũng chẳng thấy ai phá rừng! Một du khách bình luận: ở ta mà cây cối thẳng tắp hai bên đường vắng vẻ như thế này thì lâm tặc đốn sạch.

Đến tham quan vườn thú Noongnoc, thấy voi đá banh, chơi bóng rổ, vẽ tranh, phóng lao, phủ phục cám ơn du khách khi được thưởng tiền... càng thấy người Thái rất giỏi trong việc thuần dưỡng voi và sử dụng voi làm dịch vụ.

Khi người ta yêu quý rừng và thân thiện với voi thì làm gì có chuyện người phá rừng của voi, voi nổi giận phá rẫy, quật đổ nhà và cả chuyện quật chết người như ở xứ ta?

Hơn 400km trên đất Lào chúng tôi gặp 3 trạm thu phí giao thông. Lệ phí mỗi lượt qua trạm chỉ bằng 7.500 đồng tiền Việt. Không phải như ở bên ta, xe lớn xe nhỏ đều thu cùng một mức giá.

Trạm thu phí rất đơn giản, chỉ có 2 nhân viên vừa bán vé vừa xé vé theo 2 làn xe ngược chiều. ở ta xây trạm thu phí hết cả tỷ đồng, có trạm  đến 70 nhân viên, thu không đủ chi trả lương?  Sang Thái Lan không có trạm thu phí trên các tuyến đường cao tốc.

Còn đường thì khỏi phải chê. ít khi thấy người đi bộ trên đường. ít khi thấy CSGT trên đường nhưng ý thức của người tham gia giao thông rất tuyệt vời. 6 ngày theo tour chúng tôi không hề gặp một vụ tai nạn giao thông nào trên đất bạn.

Một số đoạn đường đang được làm lại, mở rộng lề, làm dải phân cách, làm cống thoát nước mà vẫn sạch tinh, không hề có bụi bặm, cát sạn vương vãi.

Một ngày xuyên ba nước và chuyện ghi dọc hành lang Đông Tây ảnh 1
Một góc Hoàng cung Thái Lan

Cũng nhờ thế mà chúng tôi đi từ Nakhon đến Pataya cả ngàn cây số chỉ mất 1 ngày. Cơm nước xong còn kịp đi xem biểu diễn ca nhạc tại Tiphany Show và dạo phố đêm trước khi trở về khách sạn nghỉ ngơi.

Ấn tượng nhất đối với tôi dọc các tuyến đường cao tốc là những trạm xăng. Cứ khoảng 50-70 km lại có một trạm xăng rộng rãi, sạch sẽ. Có một siêu thị mini đáp ứng được nhu cầu của lữ khách: áo quần, giày dép, văn hoá phẩm, văn phòng phẩm, mỹ phẩm, đồ chơi, hàng lưu niệm, thức ăn nhanh, đồ uống…

Trạm xăng cũng là nơi dừng xe cho hành khách đi toilet. Lái xe không đổ xăng, khách vẫn đi toilet thoải mái, chủ cây xăng vẫn vui vẻ, không hề có một lời, hoặc một cử chỉ tỏ vẻ không hài lòng.

Cách vài trạm lại có một trạm bảo dưỡng xe ngay trong trạm xăng và có nhà hàng ăn uống phục vụ cùng lúc từ một đến vài trăm hành khách.

Các trạm xăng đều ở xa trung tâm phố xá, xa khu dân cư. Người ta đưa trạm xăng ra giữa đồng, giữa rừng, còn ở ta thì cứ chi chít trong phố và ven đô. Mà trạm xăng không ra trạm xăng, không mấy trạm có toilet.

Giao thông an toàn; hàng hoá phong phú, giá rẻ; chất lượng các dịch vụ rất tốt là những lý do khiến nhiều người thích đi du lịch Thái Lan. Tuy nhiên, không phải chỗ nào giá cả cũng rẻ.

Đêm đầu tiên ở Băngkok, chúng tôi đã vào một siêu thị khá hiện đại. Khi ra về, tất cả đều tay không vì giá... trên trời.

Thái Lan hàng hoá rẻ nhưng trong siêu thị lớn không thể rẻ được vì chi phí quá lớn. Nào là mặt bằng, nào là thuế, nào là lương nhân viên, rồi tiền điện, tiền nước, đủ mọi thứ đều tính vào giá thành người mua phải chịu hết.

Thăm nhà Bác ở Na Chooc

Nakhon Phanom là một biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Thái. Nơi đây có ngôi nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Na Chooc. Bác Hồ đã sống và hoạt động ở đây trong những năm 1928,1929.

Ngôi nhà này do chính Bác và các đồng chí của mình dựng lên. Nhà lưu niệm còn lưu giữ nhiều kỷ vật, bút tích của Bác. Ngôi nhà và khu vườn nằm trong làng Hữu nghị Việt-Thái.

Chính Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Thăcxỉn Xinnavăt đã cắt băng khánh thành làng Hữu nghị hồi tháng 2/2004, nhân dịp Hội nghị nội các liên chính phủ lần thứ nhất.

Nakhon có gần 30.000 người Thái gốc Việt. Bà con Việt kiều làm ăn phát đạt, có nhiều mối quan hệ và gắn bó thân thiết với quê hương ở Việt Nam. Chính vì thế mà gần đây có nhiều người trong nước đã qua đây làm ăn và học tiếng Thái.

Bữa cơm đầu tiên tôi ngồi cùng bàn với một anh bạn trẻ là cán bộ của Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh đang học tiếng Thái ở Nakhon. Nakhon là một đầu mối rất quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam bắc nhịp cầu giao thương, đầu tư vào thị trường rộng lớn 19 tỉnh Đông Bắc Thái Lan.

Dù ở đâu, chúng tôi đều được bà con Việt kiều phục vụ chu đáo và thăm hỏi ân cần, trìu mến. Bà con cho biết, đã qua rồi cái thời bĩ cực, chưa bao giờ Việt kiều  ở đây làm ăn sinh sống thuận lợi, phát đạt  như bây giờ.

Chính quyền, đặc biệt là ông Tỉnh trưởng rất quan tâm đến Việt kiều. Trong 5 năm qua, 2 lần bà con được đón tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải ngay tại Nakhon.       

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.