Một người anh, người thầy vô cùng quý mến

Một người anh, người thầy vô cùng quý mến
TP - Xin cho phép tôi được gọi ông Võ Văn Kiệt là anh Sáu Dân, như chúng tôi vẫn thường gọi lúc ông thường gặp chúng tôi, khi ông còn làm việc cũng như khi đã nghỉ hưu.

>> Kỷ niệm không thể nào quên với chú Sáu Dân
>> Người tận tâm, tận lực vì dân, vì nước
>> Thế giới đánh giá cao đóng góp của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Một người anh, người thầy vô cùng quý mến ảnh 1
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi thăm bà con bị triều cường ở thôn Long Thủy, An Phú (TP Tuy Hòa, Phú Yên)

Với tình cảm sâu nặng của tôi với ông, một người anh, một người thầy mà tôi suốt đời đội ơn.

Tôi được may mắn làm trợ lý cho anh Sáu trong thời gian 1985  - 1994, trong 10 năm ấy, biết bao kỷ niệm, biết bao lần được anh hướng dẫn, chỉ bảo.

Tôi học được ở anh Sáu rất nhiều điều, từ tầm tư duy vượt trội, từ ý chí quyết liệt đối với công việc, tấm lòng hết mình vì sự nghiệp đổi mới của đất nước và cuộc sống ấm no, của nhân dân, đến phong cách sát thực tế, gần dân, thủy chung, nhân hậu với anh em, đồng chí.

Những ngày này, trong tiếc thương vô hạn, tôi nhớ đến anh, trước hết là một bộ óc với tầm chiến lược không dễ tìm thấy, một tầm nhìn thời đại luôn luôn trăn trở tìm ra những đột phá có tính chiến lược, tất cả vì công cuộc đổi mới vì sự chấn hưng kinh tế đất nước. Anh không chịu những suy nghĩ lối mòn, luôn tìm ra những hướng đi mới, cách làm mới “nhất dạ sinh bá kế”.

Một kỷ niệm rõ nét là việc Anh chỉ đạo khai thác vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Trước đây, khu vực này là vùng châu thổ nhiễm mặn nặng nề, hệ thống thủy lợi gần như bằng không nên năng suất rất thấp, mỗi năm chỉ cấy được một vụ.

Có những nơi năng suất chỉ đạt chưa đầy một tấn/ha. Anh trực tiếp xuống gặp bà con nông dân, ra từng thửa ruộng, lội xuống hỏi kinh nghiệm bà con dùng giống gì, cấy như thế nào, muốn cải tạo phải làm gì, nên cấy lúa hay nên nuôi trồng thủy sản… rồi quyết định khâu đột phá là làm thủy lợi.

Thời gian đó, đã có hàng chục cuộc họp, có khi vào ban ngày, có khi lúc nửa đêm ngay tại nhà riêng của anh Sáu ở 97 Trần Quốc Toản, Q.3, TP HCM, có cả những cuộc chính thức lẫn những cuộc gặp riêng. Khách của anh là nhiều nhà khoa học, nhà quản lý – những người rất tâm huyết với đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, có GS Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long, là ông Chín Giới – một chuyên gia thủy lợi, là ông Mười Dài, một lão thành cách mạng, ông Chín Cần (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long)- một lãnh đạo địa phương tâm huyết với đồng ruộng, nông nghiệp…

Đến giờ, đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vựa lúa lớn không những của Việt Nam mà của thế giới, không mấy người còn nhớ đến những băn khoăn, e ngại về quyết tâm của anh Sáu năm xưa nữa.

Việc xây dựng đường dây 500 KV Bắc -  Nam là một minh chứng cho tầm chiến lược, tính quyết đoán của anh. Khi đó, rất nhiều ý kiến đã phản đối việc xây dựng đường dây này. Nhưng lúc đó suy nghĩ của anh đã vượt trước mọi người: Nếu không đưa điện vào Nam làm sao có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?

Có vị GS-TS nổi tiếng đã nói rằng trên thế giới, chẳng ai làm đường dây 500KV dài đến thế, tới 1.400 km; thường chỉ dài 300-500 km thôi. Thậm chí, có ý kiến còn nặng nề hơn, nói ông Kiệt là người miền Nam nên thiên vị(!) Ngày Quốc hội họp thì ông Kiệt đi Hòa Bình… làm lễ khởi công xây dựng đường dây 500 KV.

Một lần nữa, anh lại quy tụ những nhà khoa học uy tín vào cùng bàn, đề xuất cách làm hiệu quả nhất. Cách tiến hành xây lắp đường điện 500KV cũng theo “cách đánh” du kích đặc trưng của anh: Chia làm nhiều đoạn rồi cùng “đồng khởi”, sau đó chỉ việc ráp nối các đoạn với nhau.

Kế hoạch 4 năm, nhưng chỉ sau 2 năm đường điện Bắc - Nam đã hoàn thành... Các công trình khác như đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, kè bê tông đê Yên Phụ, quy định không đốt pháo từ 1/1/1995 ... cũng được anh chỉ huy quyết liệt tương tự.

Anh Sáu Dân cũng để lại trong tôi dấu ấn sâu đậm về lòng tin đối với nhân dân, đặc biệt là đối với lớp trẻ. Nhiều anh em trong TPHCM kể cho tôi nghe không khí hừng hực, hăng say của thanh niên thành phố khi nghe vị Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt phát động phong trào “Thanh niên xung phong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh” tháng 3/1976, giữa lúc thành phố mới giải phóng, công việc xây dựng đang rất bộn bề. Họ đã tình nguyện lên đường đến các công trình thủy lợi khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Phạm Văn Cội.

Một người anh, người thầy vô cùng quý mến ảnh 2 Tôi nhớ rất rõ những buổi cùng anh Sáu leo lên những đỉnh núi cao vút kiểm tra việc dựng cột điện, kéo dây điện. Anh em thanh niên quây quần, tíu tít thăm “chú Sáu” thân mật như người nhà, không có sự phân biệt xa cách giữa lãnh đạo với thanh niên Một người anh, người thầy vô cùng quý mến ảnh 3

Anh Sáu đã động viên họ rất thiết thực và cũng rất tình cảm: “Có bạn trẻ nào không xúc động với câu hát “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”. Quê hương hôm nay không đòi hỏi mỗi người trẻ tuổi phải chết cho quê hương sống nữa.

Quê hương đòi hỏi anh phải sống và sống cho ra sống. Câu hát đó ta nên sửa lại là “Nếu là người, tôi phải sống cho quê hương”. Sống là chia bùi sẻ ngọt với nhân dân. Sống không phải là ăn bám, mà là lao động”.

Đến công trình đường dây 500 KV Bắc – Nam, anh Sáu lại đặt trọng niềm tin vào sức trẻ. Không những trên toàn tuyến đều là thanh niên là chủ lực trong xây dựng cột điện, kéo dây... mà đã có nhiều đoạn, anh Sáu giao hẳn cho Đoàn TNCS HCM hoặc tổ chức Thanh niên xung phong đảm nhiệm. Trong một dịp thăm đường dây nhân dịp Tết Nguyên đán, Anh Sáu ân cần thăm hỏi từng người, hỏi thăm gia đình quê quán, hỏi kỹ về thức ăn, nước uống của anh em, bánh chưng ngày Tết sao cho anh em cùng vui Xuân bên cột điện.

Anh Sáu Dân còn là người rất quý trọng các chuyên gia khoa học, giới trí thức, văn nghệ sĩ, thường lắng nghe và tôn trọng ý kiến xây dựng của anh em, cũng có những lúc tranh luận cởi mở, chân thành, không phân biệt đối xử với anh em trí thức đã từng làm việc trong chính quyền Sài Gòn.

Hồi còn làm Bí thư Thành  ủy TPHCM, anh chủ trương thành lập nhóm nghiên cứu kinh tế, gồm những nhà khoa học miền Nam, trong đó có cả TS Nguyễn Xuân Oánh - cựu Phó Thủ tướng chính quyền Sài Gòn cũ.

Nhóm này từng có nhiều đề xuất táo bạo và giúp cho lãnh đạo thành phố và anh Sáu Dân xử lý nhiều vấn đề kinh tế khi thành phố mới giải phóng. Một nhóm khác cũng được anh quan tâm là nhóm Thứ Sáu gồm các chuyên gia như Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước...

Một người anh, người thầy vô cùng quý mến ảnh 4
Ông Vũ Quốc Tuấn

Khi ra Hà Nội nhậm chức, anh vẫn thường xuyên cử tôi vào TPHCM để cung cấp thông tin cho anh em và lắng nghe những đề xuất của hai nhóm này. Tư duy của anh  về hòa hợp, hòa giải dân tộc là rất đáng trân trọng.

Khi là Thủ tướng, năm 1993, Anh Sáu đã tổ chức Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính để giúp Thủ tướng trong việc hoạch định chương trình tiến hành cải cách từng thời gian, kiến nghị các chủ trương, chính sách theo tinh thần đổi mới, tham gia soạn thảo hoặc phản biện các văn bản thể chế mang nội dung đổi mới chính sách.

Anh Sáu trực tiếp gửi thư mời một số chuyên gia tư vấn: 26 người ở phía Bắc, gồm mấy cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu và một số chuyên gia ở các ban của Đảng, các viện, trường đại học về kinh tế, pháp luật; 19 người ở phía Nam hầu hết là những trí thức về kinh tế và pháp luật đã làm việc dưới chế độ cũ; 3 giáo sư, tiến sĩ kinh tế đang sống và làm việc ở Mỹ, Đức, Nhật.

Năm 1996, Tổ này được tổ chức lại và lấy tên là Tổ Nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính, số thành viên còn 21 người. Năm 1998, Tổ được nâng cấp thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng hoạt động cho đến tháng 10 năm 2006.

Được ở trong tổ chức này, với sự chỉ bảo tận tình của anh Sáu, anh em cũng như tôi đều cảm nhận được sự ưu ái của anh Sáu Dân cũng như của anh Sáu Khải sau này đối với giới trí thức của cả nước, thu hút trí tuệ của anh em đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, đã hết sức cố gắng thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Các nhà bình luận trong nước nhận định rằng anh Sáu Dân là một trong những người “có đóng góp rất xuất sắc cho công cuộc đổi mới ở Việt Nam” là chính xác nhưng chưa đầy đủ. Riêng tôi nghĩ rằng, trong một thời đại, không dễ gì có được một nhà lãnh đạo kiệt xuất như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Anh Sáu ra đi vào lúc này là một tổn thất rất lớn của cả dân tộc ta; nhất là khi Việt Nam đang ở một bước ngoặt cơ bản về phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, rất cần có sự đóng góp của những bộ óc, những tư duy chiến lược, dám nói không vì cá nhân mà chỉ vì sự phồn vinh của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đối với riêng tôi, anh Sáu Dân mãi mãi là người anh, người thầy vô cùng kính yêu mà tôi suốt đời chịu ơn; người đã giúp tôi có những bước trưởng thành như ngày nay.

Tối 12/6/2008

Vũ Quốc Tuấn
Nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt

MỚI - NÓNG