Mọt nguy hiểm số một thế giới suýt vào Việt Nam

Mọt nguy hiểm số một thế giới suýt vào Việt Nam
TP - Đó là mọt TG - loại đa thực, có khả năng gây hại trên tất cả loại nông sản, có tốc độ sinh sản cực kỳ nhanh, khả năng thiết lập quần thể, sinh sống trong điều kiện khó khăn, không có thức ăn vẫn tồn tại.

Trước việc nhiều lô hàng bị nhiễm mọt TG (tên khoa học Trogoderma granarium), ngày 18-4, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) cho Tiền Phong biết, sắp tới sẽ đề xuất tạm dừng nhập một số mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) từ Ấn Độ.

Ông Trung cho biết, vài ngày trước, chúng tôi cho tái xuất 8.700 tấn khô đậu nành nhiễm mọt TG có xuất xứ từ Ấn Độ. Còn từ đầu năm 2012 đến nay, đã bắt tái xuất hơn 16.000 tấn nguyên liệu TACN có mọt TG, hàng chủ yếu nhập qua cảng TPHCM và cảng Hải Phòng.

Trong đó, hàng từ Ấn Độ như khô đậu nành, bột mỳ, ngô bị nhiễm nhiều nhất.

Ngoài ra, có hai lô từ Ukraine có nhiễm mọt Sitophilus, là một loại mọt thóc nguy hiểm, đã yêu cầu tái xuất, nhưng khối lượng không nhiều.

Thưa ông, loại mọt TG có tác hại thế nào?

Loại mọt TG nằm trong danh mục nhóm một của kiểm dịch thực vật (KDTV) Việt Nam, là loại sâu bệnh chưa có ở lãnh thổ nước ta. Đây là loại mọt nguy hiểm số một thế giới, mà hiện nay nhiều nước đang xếp mực cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn.

Mọt TG là loại đa thực, có khả năng gây hại trên tất cả loại nông sản, có tốc độ sinh sản cực kỳ nhanh, khả năng thiết lập quần thể, sinh sống trong điều kiện khó khăn, không có thức ăn vẫn có khả năng tồn tại.

Theo ông Trung, nếu để mọt TG xâm nhập vào thì việc phòng trừ nó vô cùng khó khăn.

Nếu Việt Nam nằm trong bản đồ phân bố của loại mọt TG trên thế giới, việc xuất khẩu hàng nông sản của ta như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều... cực kỳ bất lợi.

Nhiều nước như ở Mỹ La tinh, chỉ cần nông sản xuất xứ từ nước phân bố mọt TG, họ sẽ cấm nhập.

Vậy hiện chúng ta “gác” mọt TG ở cửa khẩu thế nào?

Với mức độ hàng nhiễm mọt như hiện nay ở các cửa khẩu, đặc biệt là các cửa cảng, chúng tôi tăng cường thêm cán bộ kiểm dịch vùng để gác chặt chẽ hơn.

Việc kiểm tra, kiểm soát tuân thủ theo quy trình kiểm dịch nhập khẩu. Sau khi doanh nghiệp nộp toàn bộ giấy tờ hồ sơ đăng ký KDTV, cán bổ kiểm dịch sẽ kiểm tra toàn bộ, lấy mẫu, phân tích giám định, trả lời kết quả.

Nhiều lô hàng từ Ấn Độ nhiễm mọt TG như vậy, liệu mình có biện pháp mạnh gì để kiểm soát?

Hai tháng trước, có đoàn KDTV của Ấn Độ do ông Cục trưởng dẫn đầu sang làm việc với Cục BVTV, sau đó, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai nước nhằm ngăn chặn các loại dịch hại.

Chúng ta yêu cầu phía bạn phải kiểm dịch chặt chẽ trước khi xuất hàng, đặc biệt là giám sát, khử trùng; lựa chọn hàng hóa xuất sang Việt Nam từ những vùng không có mọt TG.

Tuy nhiên, thời gian vừa rồi ta lại phát hiện thấy mọt TG. Theo các quy định, cũng như thông lệ quốc tế, mình sẽ buộc phải tái xuất.

Chúng tôi cũng đang soạn để trình Bộ, sẽ tạm dừng nhập một số mặt hàng từ Ấn Độ có nguy cơ nhiễm mọt TG như khô đậu nành, ngô, lúa mỳ...

Hiện, Ấn Độ là thị trường lớn về nguyên liệu TACN của Việt Nam, khoảng hơn 5 triệu tấn/năm.

Thưa ông, tại sao ta không áp dụng biện pháp khử trùng?

Việc khử trùng chúng ta vẫn thực hiện, nhưng chỉ áp dụng với lô đầu tiên, hoặc lô thứ 2, với khối lượng nhỏ, trong khả năng ta. Khi khử trùng phải giám sát chặt, tiêu diệt hết mọt TG thì mới cho nhập vào. Tuy nhiên, đến mức mà lô nào cũng bị, thì không thể áp dụng biện pháp này được, mà phải tái xuất.

Có những tàu lớn, chúng ta không đủ khả năng khử trùng hết được, nguy cơ nhiễm là rất lớn.

Mặt khác, trong kiểm dịch theo thông lệ, chúng ta phải ngăn chặn từ xa đã. Mọt TG là loại cực ký nguy hiểm, nên phải kiểm soát chặt chẽ.

Mọt Trogoderma ăn các loại ngũ cốc rất nhanh Ảnh: Natasha Wright
Mọt Trogoderma ăn các loại ngũ cốc rất nhanh Ảnh: Natasha Wright.

Nếu tạm dừng cho nhập, với một thị trường lớn như vậy, liệu có ảnh hưởng đến doanh nghiệp và ngành chăn nuôi của cả nước?

Một giải pháp can thiệp đưa ra, kiểu gì cũng có ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc đưa ra giải pháp là để bảo vệ nền sản xuất trong nước, doanh nghiệp không nhập ở Ấn Độ thì nhập ở thị trường khác.

Đương nhiên, khi tạm dừng sẽ có thông báo, lộ trình thực hiện cụ thể, tuân thủ theo thông lệ quốc tế, để các doanh nghiệp, đối tác điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của họ.

Mọt TG nguy hiểm thế nào?

Mọt TG phá hại lương thực, đậu các loại hạt có dầu và nhiều sản phẩm khác. Sâu non ăn rất khỏe, cắn vụn và khô rất mạnh, có khả năng chịu đựng cao với nhiều loại thuốc hóa học, là loại sinh sản rất mạnh có thể làm tổn thất tới 20% khối lượng hạt bảo quản trong kho.

Khi gặp điều kiện không thích hợp, một số sâu non ngủ nghỉ có thể chịu được khô rét tới 8 năm. Mọt TG có thể sống được ở điều kiện độ nhiệt và độ ẩm thay đổi lớn.

Mọt thực hiện vòng đời ở 21oC kéo dài tới 220 ngày, nhưng ở độ nhiệt 34 - 35 0C chỉ có 26 ngày, ngoài ra còn phụ thuộc vào thức ăn.

Trong điều kiện độ ẩm không khí 50%, độ nhiệt 47,7 độ C có tới 95% sâu non và mọt trưởng thành chết trong vòng 7-16 giờ, còn ở độ nhiệt 55 độ C thì chỉ sau tám phút đã chết hoàn toàn.

Sâu non chịu được lạnh tương đối khá, ở độ nhiệt thấp là -21 độ C, nó vẫn có thể sống được trong vòng 4 giờ, và ở 3,8- 8,8 độ C có thể sống được 51 ngày.

* Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn Chăn nuôi (TACN) Việt Nam cho biết, năm 2011, do tái xuất vì mọt TG, nên doanh nghiệp Việt Nam bị thiệt hại khoảng 50 triệu USD.

Mọt TG là loài ngoại lai nguy hiểm, nên chúng tôi ủng hộ áp dụng các biện pháp nghiệm ngặt.

Để hạn chế thiệt hại, Hiệp hội đã khuyến cáo với các doanh nghiệp nhập nguyên liệu từ Ấn Độ, trong hợp đồng phải có điều khoản, nếu hàng về nước mà cơ quan KDTV Việt Nam phát hiện được, buộc tái xuất, thì phía đối tác Ấn Độ phải chịu trách nhiệm.

Hiện Ấn Độ là thị trường gần, vận chuyển tàu chỉ mất 20-21 ngày (trong khi từ Mỹ, Argentina mất 50-51 ngày), giá lại rẻ. Tuy nhiên, hiện thị trường này cũng khó mua, do doanh nghiệp Iran (do Mỹ cấm vận) sang Ấn Độ thu mua rất lớn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG