Một phán quyết phi lý và không bình thường

Một phán quyết phi lý và không bình thường
Ngày 10/3/2005, ông Jack Weinstein, Chánh án Tòa án Liên bang Mỹ đóng tại quận Brooklyn, New York (Mỹ), đã chính thức ra phán quyết bác đơn của các nạn nhân chất độc da cam/Đioxin Việt Nam kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất khai quang cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Đây là một phán quyết không bình thường, phi lý và không công bằng. Phán quyết này đã không đưa ra những lý lẽ rõ ràng để bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Theo phán quyết này, "nguyên đơn không thể chứng minh rằng tác nhân da cam gây ra bệnh cho họ, chủ yếu vì thiếu một nghiên cứu quy mô lớn"!?

Mặc dù những vấn đề liên quan đến chất độc da cam/Điôxin, xét về phương diện khoa học và nhân đạo, không đơn giản chút nào, nhưng ông J.Weinstein không thể lạnh lùng phán quyết tác nhân da cam không phải là chất độc bởi chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam vẫn đang để lại những hậu quả khủng khiếp và lâu dài trên đất nước Việt Nam.

Ông William Goodman, luật sư của bên nguyên, nói thẩm phán J.Weinstein đã phạm một "sai lầm rõ ràng" khi phán quyết rằng tác nhân da cam không phải là chất độc.

Ông J. Weinstein chắc không thể quên vào năm 1984, khi vụ kiện của các cựu chiến binh Mỹ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ở Việt Nam kết thúc, các công ty hóa chất Mỹ đã phải bỏ ra 180 triệu USD để bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ 20, Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ và Viện Y học Mỹ đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về tác hại của chất độc da cam và đã xác nhận tác nhân da cam có liên hệ tới 13 loại bệnh trên cơ thể người.

Ngày 28/5/1996, trong một buổi họp báo tại Nhà trắng để công bố những “bước tiến quan trọng” trong việc nghiên cứu về những ảnh hưởng của chất độc da cam đối với con người của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, ông Bill Clinton, Tổng thống Mỹ lúc đó, đã thừa nhận một số loại bệnh do chất độc da cam/Đioxin gây ra cho con người.

Theo cựu Tổng thống B.Clinton, ngay sau khi ông nhậm chức, Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ đã công bố một công trình nghiên cứu về các tác hại lâu dài của chất độc da cam đối với sức khỏe con người. Bộ cựu chiến binh Mỹ đã nhanh chóng bồi thường và điều trị cho các cựu chiến binh bị các loại bệnh được Viện Hàn lâm Khoa học thừa nhận là do chất da cam gây ra.

Ông B.Clinton còn gọi cái ngày công bố “những bước tiến” này là “một ngày rất quan trọng với nước Mỹ nhằm giảm nhẹ những đau thương mà đất nước chúng ta (nước Mỹ) đã vô tình gây nên cho những người con của mình khi buộc họ phải tiếp xúc với chất độc da cam ở Việt Nam”.

Theo ông Dave Cline, đại diện của Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ vì Hòa bình, vào năm 1991, Quốc hội Mỹ đã phải thừa nhận chất độc da cam tác động đến sức khỏe của các cựu chiến binh Mỹ đã tham gia chiến tranh tại Việt Nam.

Không chỉ có cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Quốc hội Mỹ, Chính phủ New Zealand đã phải xin lỗi các cựu chiến binh New Zealand tham chiến ở Việt Nam về việc họ bị nhiễm độc chất độc da cam/Đioxin.

Có một thực tế mà phía Mỹ không thể phủ nhận đó là hàng triệu người đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/Đioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã và đang phải chịu sự hành hạ của các bệnh tật hiểm nghèo. Không những thế, con cháu của họ cũng đang tiếp tục được sinh ra với các tật nguyền bẩm sinh nghiêm trọng. Các tác hại của chất độc da cam/Đioxin đối với con người không những đã được công nhận ở nước Mỹ mà còn ở những nước đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Phán quyết này của ông J. Weinstein, người thay mặt Tòa án Liên bang Mỹ, đã thể hiện sự vô trách nhiệm trước những đau khổ của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ ở Việt Nam và ở nhiều nước khác trên thế giới. Nó đi ngược lại mọi tiêu chuẩn và nguyên tắc về quyền con người, trong đó có một quyền cơ bản là được sống bình thường, mà nước Mỹ thường rêu rao và muốn truyền bá cho các nước khác trên thế giới.

Phán quyết này cũng đã khước từ quyền được bồi thường sinh mạng và những vết thương do di chứng tàn khốc của chất độc da cam gây ra cho hàng triệu người Việt Nam.

Đáng chú ý, ông J.Weinstein đã đưa ra phán quyết dài tới 233 trang này chỉ mười ngày sau phiên tranh tụng đầu tiên giữa các luật sư của hai phía. Trước khi diễn ra phiên tranh tụng, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu Tòa án Liên bang quận Brooklyn bác bỏ đơn kiện do lo ngại nếu vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được chấp nhận, nó sẽ mở toang cánh cửa các tòa án thuộc hệ thống tư pháp Mỹ cho các quân nhân và các quốc gia đã từng bị Mỹ xâm lược tuyên bố rằng họ đã bị quân đội Mỹ làm hại trong chiến tranh. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, vụ kiện là mối đe dọa nguy hiểm đối với quyền phát động chiến tranh của Tổng thống Mỹ và tạo ra “bước đột phá” cho phạm vi quyền hạn của các tòa án liên bang ở Mỹ.

Luật sư William Goodman cho rằng: "Việc sử dụng hóa chất này ở Việt Nam là một vụ bê bối ngay từ đầu, và sự thất bại của Tòa án New York nhằm uốn nắn những sai lầm ấy là một tiếp tục nữa của vụ bê bối"

MỚI - NÓNG