Một quyết định góp phần tích cực vào cải cách tư pháp

Một quyết định góp phần tích cực vào cải cách tư pháp
TPO - Sáng 1-2, phiên phúc thẩm vụ án hiệu trưởng mua dâm nữ sinh tại Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã ra phán quyết huỷ án sơ thẩm, trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra làm rõ vụ án. Thêm một quyết định góp phần tích cực vào lộ trình cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.
Một quyết định góp phần tích cực vào cải cách tư pháp ảnh 1

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng: Tòa cũng cần hủy bỏ ngay biện pháp ngăn chặn tạm giam Thúy và Hằng để 2 bị cáo này tiếp tục được đi học. Nguyễn Thuý Hằng bị áp giải tại tòa phúc thẩm. Ảnh : T.D

HĐXX nhận thấy, trong quá trình điều tra vụ án, bị cáo Thúy sinh ngày 01/1/1992, tính đến ngày bị bắt 05/9/2009 vẫn là người chưa thành niên. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, cơ quan tố tụng đã không chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo chưa thành niên này (bị cáo và người đại diện hợp pháp (mẹ bị cáo) đã có đơn từ chối luật sư).

HĐXX xét thấy, tại phiên toà xét xử phúc thẩm có nhiều tình tiết mới cần phải điều tra làm rõ nên đã quyết định trả hồ sơ cho VKS yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc.

Có thể nói, hiếm có vụ án nào mà được giới LS đồng tình như thế... Quyết định của phiên tòa đã được sự đồng tình của các LS có mặt tại tòa. Nhận định việc TAND tỉnh Hà Giang tuyên hủy án sơ thẩm, luật sư Trần Đình Triển (bào chữa cho bị cáo Thúy) cho rằng: “Việc tuyên hủy bản án, trả hồ sơ điều tra lại là một quyết định đúng. Tuy nhiên, tòa cũng cần hủy bỏ ngay biện pháp ngăn chặn tạm giam Thúy và Hằng để 2 bị cáo này tiếp tục được đi học”.

LS Trần Đình Triển  cũng cho biêt thêm: “Điều tôi mong muốn là cần làm rõ “danh sách đen” mà 2 bị cáo đã khai trước tòa phúc thẩm, vì thế cần phải được sự vào cuộc của Bộ Công an. Ngoài ra, nếu đủ căn cứ thì khởi tố vụ án những người cố ý làm sai lệch hồ sơ” - luật sư Triển khẳng định. 

Đến đây, không ít những người dự phiên tòa cùng bạn đọc chúng ta không thể không nhớ tới một phiên tòa được coi là sự kiện ở tỉnh Hà Giang. Đó là phiên tòa ngày 14- 9- 2007 tại Tòa án ND tỉnh Hà Giang  xét xử sơ thẩm công khai vụ án hành chính  số 01/2007/ TLST- HC ngày 23 tháng 7 năm 2007.

Cũng cần nói sơ qua vụ án này một chút. Bên khởi kiện là Công ty TNHH Sông Lô (CTSL) một doanh nghiệp tư nhân ở Hà Giang thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh Hà Giang. Người bị kiện lại là UBND tỉnh Hà Giang!

Năm 2002, UBND tỉnh Hà Giang ban hành quyết định 2309/ QĐUB phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi khai thác tuyển luyện quặng sắt ở Tùng Bá - Na Sơn thuộc huyện Vị Xuyên của CTSL. Công ty đã đầu tư vốn nhân lực máy móc để thực hiện dự án nhưng trong khi đang thực hiện thì đùng cái ngày 27-4-2006, UBND tỉnh Hà Giang đã ra quyết định số 1058/ QĐUB hủy bỏ quyết định 2309 nêu trên. Quyết định đó thực sự là một thảm họa vì ngần ấy năm, CTSL đã đầu tư nhiều tỷ đồng công sức để thi công dự án.  CTSL đã nhiều lần tìm nhiều cách những là thương lượng gặp gỡ khiếu nại này khác trước một quy định trái pháp luật nhưng vẫn không được giải quyết nên đã quyết định khởi kiện ra tòa!

Mà tòa án này lại là tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang.

Đến thời điểm này, chúng tôi cũng chưa có điều kiện để làm việc kỹ với ban lãnh đạo CT SL về quyết định khởi kiện của họ. Nhưng dám chắc, thời điểm ấy có không ít ý kiến nghiêng về phía dư luận theo thói thường mà thiên hạ vẫn nghĩ, bởi cho rằng CT SL đã ngây thơ, đã làm một cái việc hết sức mong manh!  Bên kiện là một công ty đóng trên địa bàn tỉnh Hà Giang lại trực thuộc UBND tỉnh. Bên bị kiện lại là UBND tỉnh.  Người xử kiện lại là Tòa án nhân dân Hà Giang. Nếu phiên tòa ấy do một cấp nào ngoài tòa Hà Giang thụ lý và thực hiện việc xét xử thì lại đi một nhẽ?

Nhưng một sự lạ thời buổi kinh tế thị trường đã xảy ra. Người ta thường nói pháp luật công lý dẫu bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể mù lòa.  Thực tế diễn ra trong phiên tòa đã minh chứng sinh động cho sự tỉnh táo không mù lòa ấy bằng kết luận đại diện Viện Kiểm sát ND tỉnh Hà Giang tại phiên tòa

Quyết định 585/QĐ –UBND của UBND tỉnh Hà Giang đã vượt quá thẩm quyền, vi phạm các Điều 17 và 127 của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND nên Quyết định 585/ QĐUBND là trái pháp luật và đề nghị Hội đồng xét xử hủy bỏ quyết định 585/ QĐ UBND nói trên...

Để đến buổi chiều ngày 14-9-2007 không gian phòng xét xử Tòa án Hà Giang vang lên âm sắc dõng dạc của ông Thẩm phán kiêm chủ tọa phiên tòa.

Nhân danh nước CHXHCN Việt Nam... Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang... Quyết định Hủy bỏ toàn bộ quyết định số 585/ QQĐ UBND ngày 05-3-2007 của UBND tỉnh Hà Giang về việc hủy bỏ Quyết định số 2309/ QĐ- UB ngày 29-8-2002 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt dự án nghiên cứu khả thi khai thác tuyển luyện quặng sắt ở Hà Giang của Công ty TNHH Sông Lô...

Những người quan tâm đến pháp luật đều ghi nhân sự dũng cảm thẳng thắn và công minh của Tòa án ND tỉnh Hà Giang khi bác một quyết định sai trái của ông Chủ tịch tỉnh tỉnh Hà Giang. Nó phản ánh bản lĩnh của thẩm phán cũng như ý nghĩa của công cuộc cải cách tư pháp đối với tỉnh vùng cao Hà Giang này. Ý nghĩa của nó càng được khẳng định khi UBND tỉnh rút kháng cáo và bản án không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật để thi hành.

Trở lại phiên tòa xét xử vụ ông hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm nữ sinh.

Bỏ qua những ý kiến xác đáng hợp tình hợp lý của các luật sư trong quá trình tham gia tranh tụng, nếu HĐXX tuyên bố y án sơ thẩm bản án của Tòa án huyện Vị Xuyên đã tuyên trước đó chắc chắn sẽ gây ra lắm  sự phản cảm!

Công luận sẽ không ít ý kiến cho rằng trình độ của một số cán bộ thực thi pháp luật tỉnh Hà Giang có hạn chế khi tuyên một bản án sơ thẩm như vậy? Về năng lực chăng? Hay là lý do nào khác? Liệu họ có bị chi phối, áp lực này nọ khi chứng cứ bản danh sách đen (được coi như quả bom) mà các bị cáo bất ngờ trình ra trước tòa? May thay điều đó đã không xảy ra. Chưa xảy ra hay HĐXX đã can đảm khắc phục, vuợt thoát?

Lẽ tất nhiên với một bản án y án sơ thẩm như thế (nếu công lý không bị tiếp tục lầm lẫn mù lòa) nói như các cụ ta, nó lú thì chú nó khôn, tất nhiên Viện KS cấp cao hơn sẽ tiến hành kháng nghị và Tòa án cấp cao hơn sẽ trả lại hồ sơ để các cơ quan điều tra tham gia tố tụng vụ án lại từ bước đầu. (Nhưng ai mà học đuợc chữ ngờ? Liệu có suôn sẻ hanh thông, liệu công lý có được bảo vệ không với một lộ trình như thế?)

Với quyết định mới nhất của HĐXX vừa tuyên sáng nay, có thể vẫn là các cơ quan chức năng đã từng tham gia quá trình tố tụng của huyện Vị Xuyên và tỉnh Hà Giang sẽ khởi động lại công việc của mình. Nhưng như phát biểu và mong muốn của LS Trần Đình Triển nói riêng và các LS nói chung, cần thiết lắm lắm sự chung tay góp sức công tâm vì công lý của cơ quan điều tra Bộ Công An cùng sự chứng kiến của các luật sự tham gia ngay từ đầu quá trình tố tụng!

Rồi sẽ diễn ra phiên tòa dựa trên kết quả điều tra khách quan công tâm có sự góp sức của nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật với kết quả đúng người đúng tội, công luận tâm phục khẩu phục. Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang đã có tiền lệ từng làm sinh sắc thêm lộ trình của cuộc cải cách tư pháp như hai việc vừa dẫn ra trên đây, tại sao không? 

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG