Một thanh niên kiện chủ tịch tỉnh Thái Nguyên

Một thanh niên kiện chủ tịch tỉnh Thái Nguyên
TPCN - Ngày 24/7, TAND tỉnh Thái Nguyên sẽ xét xử vụ một “thanh niên chậm tiến” đang phải giáo dục tập trung (GDTT) kiện ông Chủ tịch UBND tỉnh, người đã ký Quyết định đưa anh ta đi GDTT.
Một thanh niên kiện chủ tịch tỉnh Thái Nguyên ảnh 1
Thọ (đang đứng cạnh cô giáo) từng là một học sinh ngoan và học giỏi.

Điều đáng nói ở vụ kiện hi hữu này, là nhiều người dân và nhiều đoàn viên, thanh niên nơi anh “thanh niên chậm tiến” sống và sinh hoạt đều không đồng tình với Quyết định của ông Chủ tịch tỉnh.

Họ làm đơn đến báo Tiền phong, đề nghị báo Đoàn có tiếng nói bênh vực anh thanh niên chậm tiến”!

Người đứng ra kiện Chủ tịch tỉnh (hiện vẫn đang GDTT tại cơ sở giáo dục Thanh Hà, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, nên phải ủy quyền cho mẹ ra hầu toà) là Nguyễn Hữu Thọ, sinh năm 1982, trú tại xã Dương Thành, huyện Phú Bình, Thái Nguyên.

Thọ đã tốt nghiệp lớp 12, thi trượt đại học, đang ở nhà để ôn thi tiếp. Từ cuối tháng 10/2005, Thọ được đưa đi GDTT theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.

Nhận được đơn khiếu nại của bà Thân Thị Chắc - mẹ của Thọ, và đơn của nhiều đoàn viên thanh niên địa phương, PV báo Tiền phong đã về xã Dương Thành và huyện Phú Bình để tìm hiểu sự việc.

“Liên tục phạm tội”?

Tại UBND xã Dương Thành, PV báo Tiền phong đã làm việc với các ông Chủ tịch và Trưởng công an xã, đề nghị được xem hồ sơ trường hợp Nguyễn Hữu Thọ.

Hai ông cho biết, hồ sơ chính đang do Công an huyện giữ, hồ sơ lưu tại xã thì người giữ lại đang đi vắng! Tuy nhiên, hai ông cho biết, Thọ là một thanh niên hư, hay uống rượu và đánh nhau, đã từng có nhiều tiền sự. Việc đưa Thọ đi GDTT là cần thiết, và đã được thực hiện đúng pháp luật.

Tại Công an huyện Phú Bình, PV báo Tiền phong đã được đọc hồ sơ về trường hợp đưa Thọ đi GDTT. Theo phản ánh trong hồ sơ, trưa ngày 7/8/2005, Thọ và một số thanh niên trong xã uống rượu say, gây sự đánh một người thợ xây trong xóm.

Công an xã đã phạt hành chính Thọ 300.000đ. Ngày 15/8/2005, Chủ tịch xã Dương Thành đã ký Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương đối với Thọ, thời gian 6 tháng.

Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 19/8/2005, Thọ lại uống rượu say, gây rối tại khu vực hội trại thiếu nhi do xã tổ chức. Hôm sau, 20/8/2005, Thọ lại uống rượu say, tiếp tục gây rối và đánh một người dân trong xã.

Xét hành vi tái phạm khuyết điểm trong thời gian đang giáo dục tại địa phương, Công an huyện Phú Bình đã lập hồ sơ đề nghị đưa Thọ đi GDTT.

Ngày 26/9/2005, Hội đồng tư vấn tỉnh Thái Nguyên dưới sự chủ trì của Giám đốc Công an tỉnh đã họp thống nhất kiến nghị đưa Nguyễn Hữu Thọ đi GDTT.

Phần tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm của Thọ ghi là “Từ nhỏ đến nay ở nhà, không tham gia cơ quan đoàn thể nào”; “Quan hệ với các phần tử xấu trộm cắp tại địa phương”.

“Thường xuyên gây rối, đã được giáo dục nhiều lần nhưng không tiếp thu, sửa chữa, tiếp tục đi sâu vào con đường phạm tội, làm cho tình hình trật tự tại địa phương trở nên phức tạp.

Để giáo dục Thọ trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội, cần phải đưa Thọ đi cơ sở giáo dục thời gian 24 tháng”.

Ngày 7/10/2005, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký Quyết định số 2101/QĐ-UBND, áp dụng biện pháp đưa Nguyễn Hữu Thọ vào cơ sở GDTT với thời gian 24 tháng. Đây chính là Quyết định bị Nguyễn Hữu Thọ kiện ra Toà hành chính TAND tỉnh Thái Nguyên.

Người “chậm tiến” kiện chuyện gì?

Theo những lá đơn gửi đến báo Tiền phong, gia đình Thọ và bản thân Thọ không thừa nhận việc Thọ “gây rối” và “đánh người” vào các ngày 19 và 20/8/2005 như trong hồ sơ nêu trên đây.

Thậm chí Thọ còn tố cáo vào ngày đó, Thọ đã bị một cán bộ công an xã vô cớ tát vào mặt, khi đang ăn cơm cùng các bạn đoàn viên tham gia hội trại của xã (việc này cũng được nhiều đoàn viên chi đoàn phản ánh trong đơn gửi báo Tiền phong).

Đặc biệt, gia đình Thọ khẳng định việc ông Chủ tịch xã ra Quyết định giáo dục tại địa phương đối với Thọ vào ngày 15/8/2005, trong thực tế hoàn toàn không có, đây là việc làm dàn dựng ra cho đủ thủ tục, sau khi Thọ đã bị đưa đi GDTT và gia đình có đơn khiếu nại.

Về nguyên nhân khiến Thọ bị đối xử bất công như vậy, gia đình và bản thân Thọ thừa nhận Thọ cũng có lỗi trong vụ việc say rượu đánh thợ xây ngày 7/8/2005; tuy nhiên, sự việc chỉ có vậy, còn nguyên nhân sâu xa hơn là do Thọ bị cán bộ xã “ghét”.

Đơn của Thọ phản ánh: Có lần người dân trong thôn bắt được một tay trộm gà, đem giao cho công an xã, lại thấy thả ra luôn (tay trộm này có người nhà làm ở xã).

Thọ có chửi “Làm công an như thế thì làm làm Đ. gì!”. Ngay lúc đó đã có người đe Thọ: “Rồi tao sẽ cho mày đi”. Thọ và gia đình cho rằng lỗi của Thọ chưa đến mức phải đi GDTT, đã có những người trả thù cá nhân đối với Thọ...

Do thời gian có hạn, PV báo Tiền phong không thể xác minh được hết các sự việc Thọ và gia đình nêu trên đây (hy vọng chúng sẽ được làm rõ tại phiên toà diễn ra vào ngày mai 24/7), mà chỉ tập trung vào  việc: Quyết định giáo dục tại địa phương đối với Thọ, trong thực tế là có hay không có?

Gặp gỡ các nhân chứng

Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002, thì việc giáo dục tại địa phương đối với một đối tượng nào đó chỉ áp dụng với những đối tượng vi phạm hành chính nhiều lần; trước khi áp dụng biện pháp này, ông Chủ tịch UBND xã phải họp với công an và các đoàn thể địa phương để lấy ý kiến.

Sau khi ra Quyết định, ông Chủ tịch xã phải giao nó cho gia đình đối tượng, công an xã, Trưởng thôn, các đoàn thể mà đối tượng tham gia... để phối hợp giám sát, thực hiện.

Trong hồ sơ đưa Thọ đi GDTT, có biên bản họp của các cán bộ xã Dương Thành ngày 15/8/2005 về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương đối vối Thọ, trong đó có chữ ký của bà Nguyễn Thị Lý, thời điểm đó là Trưởng thôn nơi Thọ cư trú.

PV báo Tiền phong đã đến gặp bà Lý, được bà Lý cho biết: Bà Lý không tham dự một cuộc họp nào như vậy cả; bà có chữ ký ở trong biên bản này, là do có một hôm khoảng tháng 9/2005, có công an xã đi cùng công an huyện vào nhà bà, nhờ bà ký vào biên bản “về việc thằng Thọ đánh anh thợ xây”, rồi họ chìa cái biên bản đã có đủ chữ ký của các ông cán bộ xã ra, bà Lý nể quá, ký thêm vào bên dưới... 

Bà Lý cho biết thêm, trước và sau hôm đó, không ai giao cho bà cái Quyết định “giáo dục tại địa phương” đối với Thọ, thực tế bà không hề biết tới cái Quyết định này!

PV báo Tiền phong cũng đã gặp anh Thân Như Quỳnh, nguyên Bí thư chi đoàn thôn nơi Thọ cư trú, anh Quỳnh cho biết: Thời điểm tháng 8/2005, chi đoàn thôn không nhận được văn bản nào, cũng không nhận được chỉ đạo miệng nào, về việc giáo dục Thọ tại địa phương.

Về việc Thọ bị cho là “gây rối” đêm 19 rạng sáng 20/8/2005, đây không phải là trường hợp quả tang, Thọ bị đưa vào trụ sở xã rồi giữ cả đêm ở đấy. Vì vậy chi đoàn họp có đơn khiếu nại, việc này là tự nguyện, không ai dụ dỗ, bắt ép...

Đưa đi GDTT là không đúng?

Qua hai nhân chứng mà PV báo Tiền phong đã gặp, có thể thấy việc Thọ và gia đình phản ánh họ chưa hề nhận được Quyết định giáo dục tại địa phương đối với Thọ là có cơ sở.

Thực ra, nếu cái quyết định này là có thật, thì nó cũng không có đủ cơ sở pháp lý để thi hành. Bởi vẫn theo Pháp lệnh xử lý hành chính thì một hành vi không thể xử lý đến hai lần; ở đây, chỉ có một hành vi của Thọ xảy ra ngày 7/8/2005, đã bị xử phạt 300.000đ, thì không thể áp dụng thêm biện pháp “giáo dục tại địa phương” đối với hành vi này nữa.

Và việc GDTT chỉ có thể được áp dụng, khi trước đó đã có áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương. Vì vậy nên phiên toà xử vụ kiện này sẽ rất hấp dẫn, không loại trừ khả năng toà sẽ tuyên ông Chủ tịch tỉnh thua kiện!

Người viết bài này không có ý “bênh lấy được” cho Nguyễn Hữu Thọ. Đáng buồn là qua tìm hiểu ở một số người dân địa phương, họ có nhận xét trước đây Thọ ngoan, nhưng sau khi thi trượt đại học phải ở nhà, Thọ bắt đầu sa vào rượu chè, hay gây gổ đánh nhau.

Vừa buồn lại vừa tiếc, khi biết trước đây Thọ là học sinh giỏi, từng đoạt giải nhì của tỉnh. Nếu toà xử có lợi cho Thọ, Thọ sớm được về nhà, nếu không tự tu tỉnh rèn luyện, giấc mơ vào đại học đối với Thọ sẽ mãi chỉ là một giấc mơ...

Và dĩ  nhiên, để giúp Thọ sửa chữa khuyết điểm và tiến bộ, mọi người, trong đó không thể thiếu các cán bộ ở địa phương cần nhìn Thọ với con mắt thiện cảm hơn.

Nếu vẫn giữ quan điểm coi Thọ đang “đi sâu vào con đường phạm tội” khi Thọ mới chỉ mắc phải một vài vi phạm hành chính, thậm chí coi Thọ là người không tham gia bất cứ đoàn thể nào trong khi Thọ là đoàn viên chi đoàn thôn, thì không thể giúp Thọ tiến bộ được...

MỚI - NÓNG