Kỷ niệm Ngày truyền thống TNXP:

Một thời 'cảng nổi' vùng biên

Tình yêu ông Túy, bà Chín nảy nở từ chiến trường. ảnh: Duy Chiến
Tình yêu ông Túy, bà Chín nảy nở từ chiến trường. ảnh: Duy Chiến
TP - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Anh Nhưỡng tuổi đã ngoài 70 song vẫn khỏe, trí nhớ còn mẫn tuệ. Ông bảo, cứ dịp kỷ niệm ngày thành lập lực lượng TNXP những ký ức xa xưa lại ùa về...

Theo ông Nhưỡng, cuối năm 1964, máy bay Mỹ liên tục oanh tạc Lạng Sơn bằng máy bay. Càng về các năm sau này, Mỹ đánh phá với quy mô lớn ra miền Bắc. Chúng thả bom, mìn, thủy lôi phong tỏa biên giới, bờ biển và hải cảng. Nhất là cảng chiến lược ở Hải Phòng gần như bị tê liệt, do vậy Lạng Sơn trở thành “cảng nổi”. Nơi đây thành nơi bảo quản, vận chuyển hàng hóa, khí tài, đạn dược, xăng dầu của các nước qua biên giới Việt - Trung, chi viện cho chiến trường miền Nam một cách an toàn. Yêu cầu đặt ra, giao thông phải thông suốt trong mọi tình huống và nhiệm vụ này được giao cho lực lượng TNXP.

Lạng Sơn thành lập 2 đội TNXP tập trung, biên chế thành 34 đại đội với 5.276 người, chủ yếu quê ở Hải Dương và Lạng Sơn. “Ngày ấy, tôi là Đội trưởng đội TNXP mang phiên hiệu N57. Chúng tôi có nhiệm vụ đảm bảo giao thông, làm đường ngầm, đường tránh, đào hầm hào quân sự, tải thương tiếp đạn, giải tỏa hàng hóa, bốc vác, vận chuyển quân trang, quân dụng. Tôi có thói quen ghi nhật ký bằng những công việc cụ thể hàng ngày. Nói rồi, ông đưa ra những “mốc son lịch sử”: Lực lượng thanh niên xung phong Lạng Sơn đã làm 226 km đường, sửa chữa trên 300km ở những vị trí bom đạn địch đánh phá hư hỏng, đào đắp hàng vạn mét khối đất đá. Làm trên chục cầu phao, cầu cáp cùng hàng nghìn hầm trú ẩn. Trong thời kỳ này có hai đồng chí đã hy sinh là: Phạm Thị Hồng và Nguyễn Kỳ Quân. Hai liệt sỹ này đều đến từ tỉnh Hải Dương, tham gia lực lượng thanh niên từ giai đoạn đầu và ngã xuống khi tuổi vừa tròn 18", ông Nhưỡng bồi hồi nhớ và kể lại.

Ký ức không quên

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Cựu TNXP Lạng Sơn, chúng tôi tìm đến gia đình ông Phạm Hồng Túy (SN 1944), trú tại thôn Vĩ Thượng, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn.

Tiếp chúng tôi là hai vợ chồng già sống trong căn nhà cấp bốn, giản dị. Ông Túy nom ốm o, đeo lủng lẳng ống nghe bên tai. Người bạn đời đồng thời cũng là “thông dịch viên” cho câu chuyện ông kể cho chúng tôi.

Túy lớn lên ở xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Vốn là một thanh niên hoạt bát, có khiếu văn nghệ lại khá cao lớn, đẹp trai nên được cấp trên, thanh niên nam nữ địa phương tin cậy, yêu mến. Anh giữ cương vị là Phó Bí thư chi đoàn “Liên hiệp 3 thôn HTX Bích Đồng” giai đoạn 1962-1965.

Một thời 'cảng nổi' vùng biên ảnh 1  Lực lượng TNXP tại “Cảng nổi” Lạng Sơn. ảnh: tư liệu

Khi lực lượng TNXP Lạng Sơn được thành lập, Túy là người đầu tiên được chọn bổ sung nhân lực lên xứ Lạng. “Ngày 15/7/1965 tôi được biên chế vào Tiểu đội 9, Trung đội 582 thuộc Đội TNXP N57 và giữ cương vị là Tiểu đội trưởng. Nhớ mãi đêm hôm đầu đến xã Tân Thành, một địa phương hẻo lánh nằm trên đỉnh dốc Sài Hồ ở huyện Cao Lộc. Khi đó trời khuya, sương mù và khí núi khá lạnh nhưng trưởng các thôn mang đèn dầu đến bảo chúng tôi nghỉ tạm ven đường vì theo phong tục người Nùng nơi đây, đêm đầu tiên khách lạ đến không được vào làng. Thay vào đó, đồng bào cử người thức cùng chúng tôi và mang khoai, bắp ngô nướng ăn cho đỡ đói”, ông Túy kể.

Ngày hôm sau, các TNXP thay phiên nhau vào rừng tìm kiếm gỗ, tre, vầu xây dựng lán trại và triển khai đội hình dựng bến bãi, kho tàng ở sát những rìa núi đá vôi. Phần đông chị em nhận sọt, ki tới những vị trí mà bom Mỹ phá hỏng để vá đường, lấp hố bom.

Theo lời kể của ông Túy, ngày ấy ai cũng phơi phới tuổi mười tám, đôi mươi, sức khỏe dẻo dai, làm việc hăng say ngày đêm. Ai cũng muốn lập công đầu.

Trừ hai bữa cơm trưa, chiều, thời gian còn lại, các TNXP lại cổ vũ nhau làm việc. Giặc Mỹ hay thả bom vào các buổi chiều hàng ngày, vậy nên vào các buổi tối khi không còn quần thảo lực lượng TNXP tranh thủ làm việc. Ngoài san lấp đường, một nhiệm vụ nữa là... nhặt bom bi. Loại bom này nhiều vô kể, lăn lóc trên đường, rệ cỏ. Đêm tối như mực, chỉ có ánh đèn pin yếu ớt soi chiếu nhưng mỗi người khi về lán trại cũng nhặt được cả rổ bom.

Đầu năm 1968, máy bay Mỹ bắn phá dữ dội ở khu vực huyện Chi Lăng, Hữu Lũng. “Buổi chiều 3/1/1968, trong khi đứng trực ban tại mỏm núi trên dốc Đèo Bén thuộc thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tôi thấy tiếng rít vang trời và một tốp “con ma” của địch bay trên bầu trời. Lập tức tôi đánh kẻng báo động. Các đồng đội đang làm đường ở phía dưới vội tản vào các hang bên đường. Hai chiếc máy bay Mỹ bổ nhào thả bom xuống khu vực núi Kai Kinh. Những tiếng nổ lớn và tôi bị hất từ mỏm đá xuống dưới đất cao gần 5m. Tôi ngất đi. Sau khi đến bệnh viện dã chiến, họ khâu cho tôi 6 mũi ở hai bên tai. Bác sỹ nói tôi bị rạn xương sọ 4cm, kèm theo đó là chấn thương cột sống rất nặng. Chính vì thế, tai tôi đã không nghe được gì từ đó”, ông Túy kể lại.

Ðơm hoa, kết trái

Thời gian ông Túy cấp cứu, có nhiều đồng đội chăm lo, thăm hỏi. Trong số này có Vũ Thị Chín (SN 1944), cùng quê Tứ Kỳ, Hải Dương, gia nhập TNXP cùng thời với ông Túy. Rồi tình yêu đã đến với hai người.

Sau hơn 5 tháng, bệnh tình thuyên giảm, ông Túy xin trở lại đơn vị. Lãnh đạo đội TNXP N57 bố trí cho ông Túy những việc nhẹ nhàng hơn như công tác văn thư, hành chính, phụ trách mảng văn nghệ quần chúng của đơn vị.

Cuối năm 1972, ông bà Túy- Chín làm lễ cưới trong niềm hân hoan của anh em TNXP. Sau này, lực lượng TNXP giải thể, ông bà công tác tại Sở Giao thông Lạng Sơn cho đến khi về hưu. Năm 2008, ông Túy được hưởng phụ cấp thương binh 2/4 với thương tật trong mình 62%.

Hai cựu TNXP có hai người con trai đã trưởng thành, yên bề gia thất, trong đó có con trai là sỹ quan đang công tác tại Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn.

Ông Phạm Hồng Túy thi thoảng làm thơ và đã có nhiều sáng tác được đăng trên Tạp chí “Văn nghệ xứ Lạng” (Lạng Sơn). Chia tay tôi, ông đọc cho nghe những vần thơ ca ngợi những tháng ngày đẹp đẽ:

“Tôi viết vần thơ tặng các anh, các chị/ Đã một thời trong đội ngũ xung phong/ Hiến tuổi xuân tươi đẹp trắng trong/Tô thắm trang sử Đoàn ta hùng vĩ/ Tất cả hướng về miền Nam yêu quý/ Chẳng quản bom rơi, gió thét, mưa gào/”...

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.