Một thương binh và cuốn sách đời mình

Một thương binh và cuốn sách đời mình
TP - Một thương binh nặng đang sống rất lạc quan bằng nghề xe lai (ôm) ở TP Vinh. Điều đặc biệt là ông có tới 19 cuốn nhật ký chiến trường thú vị và mong mỏi có tài trợ để xuất bàn thành sách.

Tôi biết ông Ngọc “xe lai” bởi duyên cớ sau khi cho đăng công khai trên báo chí ý tưởng sưu tầm và xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam” (12/2004).

Một lần, tôi nhận được cú điện thoại gọi từ Nghệ An, một người đàn ông nói giọng Hà Tĩnh, cứ như quát trong máy: “Tôi là Ngọc “xe lai” đang ở Vinh đây. Thấy đài báo nói là anh cần sưu tầm thư và nhật ký chiến tranh, cả hai thứ đó tôi đều có nhiều lắm…”. Nhưng khi tôi hỏi lại vài thông tin thì ông chỉ toàn “hở” rồi “hử” và bảo “không nghe thấy, không hiểu gì cả”.

Một tuần sau, tôi nhận được bức thư dài, ông Ngọc giải thích mình là thương binh, đôi tai “có vấn đề” nên nghe rất khó khăn. Trước Tết Nguyên đán Bính Tuất, ông bất ngờ tìm đến nhà tôi ở Hà Nội. Ông nói rằng mình đang rất vội, vì tranh thủ đi họp Hội Cựu chiến binh, Đại đội pháo cao xạ ngày xưa.

Tôi đã hứa với ông Ngọc là nhất định sẽ vào Vinh thăm gia đình ông. Và lời hứa ấy như một món nợ, cho mãi tới những ngày đầu tháng 7/2006 tôi mới thực hiện được…

Ngọc “xe lai” sinh năm 1948 tại xã Đức Ân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đây cũng là quê hương của nhà thơ Cù Huy Cận. Từ nhỏ cậu bé Ngọc đã rất mê thơ văn, nhưng nhà nghèo, mãi năm 10 tuổi cậu mới được cha mẹ cho tới trường học. Bù lại, cậu bé học giỏi cả văn và toán. Năm lớp 7, cậu đạt điểm số cao, được đặc cách vào thẳng cấp III.

Nhưng cũng năm ấy Ngọc đã đủ 18 tuổi, cái tuổi bạn bè anh nô nức lên đường nhập ngũ. Là con trai độc nhất trong nhà (dưới Ngọc chỉ còn một em gái), theo chính sách anh được hoãn nghĩa vụ quân sự. Nhưng Ngọc đã viết đơn tình nguyện bằng máu để xung phong vào bộ đội và anh đã được toại nguyện.

Sau này, Ngọc thú nhận rằng anh làm vậy một phần vì ngày đó đã trót đem lòng yêu đơn phương cô gái xinh đẹp Cù Thị Bích Liễu, một người cháu họ của nhà thơ Cù Huy Cận.

Tháng 6/1967, anh lính Đặng Sỹ Ngọc được biên chế vào đơn vị Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324 và cùng đơn vị hành quân vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Mặt trận B5 ngày ấy đã nổi tiếng ác liệt.

Một thương binh và cuốn sách đời mình ảnh 1
Đặng Sỹ Ngọc (trái) một ngày mưa cùng đồng nghiệp đợi khách đi xe lai

Bẩy lần bị thương mới rời chiến địa

Lần thứ nhất, vào tháng 5/1967. Lần thứ hai, vào tháng 7/1967, anh đều bị bom. Đơn vị cho người khiêng Ngọc về tuyến sau, nhưng Ngọc kiên quyết từ chối.

Lần thứ ba, vào ngày 24/11/1967, đại đội của Ngọc chỉ có 24 tay súng làm nhiệm vụ vận tải đạn cối 82 cho một đơn vị bạn.

Khi tới làng Trung Sơn, huyện Giao Linh thì họ bị lọt vào một ổ phục kích của địch, chỉ có vài chiến sĩ thoát được khỏi vòng vây, trong đó có Ngọc. Ra tới bờ sông, đồng đội của Ngọc mới phát hiện ra Ngọc bị thương, đạn xuyên thủng cánh tay trái, máu ra nhiều khiến anh xỉu đi. Mấy ngày sau, anh em khiêng Ngọc ra Bắc điều trị trong khi anh sốt li bì.

Sau trận đánh này, Đặng Sỹ Ngọc được kết nạp Đảng, nhưng phải chia tay đơn vị cũ.

Sau hơn 6 tháng điều trị, khi vết thương lành, Ngọc được nhận vào làm lính mới của một đơn vị pháo cao xạ: Đại đội 10, Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 284, Sư đoàn 673 - đơn vị chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời “Tuyến lửa khu Bốn”.

Tháng 1/1969, trong khi Ngọc đang ngồi xe tải vận chuyển 40 thùng đạn pháo cho đơn vị, thì gặp máy bay địch ném bom trên đường đèo, chiếc xe đã bị lăn xuống vực, Ngọc và người chiến sĩ lái xe bị thương.

Hai lần bị thương tiếp theo xẩy ra vào tháng 10/1969  và tháng 5/1972, cả 2 lần Ngọc lại bị trúng bom. Nhiều chiến sĩ hy sinh. Có lần Ngọc bị vùi sâu tới 3 mét đất. Phải sau 1 tiếng đồng hồ đào bới, đồng đội mới đưa được anh lên khỏi mặt đất và khênh đi bệnh xá…

Khoảng 4 giờ sáng ngày 20/7/1972, tại chân điểm cao 88, cạnh khu vực Ái Tử 1 (Quảng Trị), khi đang cùng đồng đội triển khai trận địa, chuẩn bị chống quân địch đổ bộ thì đơn vị của Ngọc bị trúng bom B52.

Mãi 30 phút sau đợt bom, Ngọc mới tỉnh lại, biết mình đã bị thương rất nặng ở ổ bụng và đùi phải. Hai chiến sĩ ngồi chung hầm với anh là Ngọ và Nga đã hy sinh. Ngày đó, Ngọc đang là Đại đội phó. Mất nhiều máu, Ngọc ngất đi, mãi 3 ngày sau mới tỉnh, anh thấy mình đang nằm dưới hầm sâu, được truyền máu và dung dịch…

Thoát hiểm nhiều lần trên đường ra Bắc điều trị

Ngày 28/7, Ngọc được cắt chỉ khâu ổ bụng và bó bột toàn thân (trừ cổ và 2 cánh tay). Anh nằm trong danh sách được chuyển thương bằng ôtô ra Bắc, nhưng đã khênh ra xe rồi vẫn phải quay lại vì bác sĩ lo Ngọc yếu quá, sợ tắt thở dọc đường.

Hai cô dân quân vừa khiêng Ngọc quay lại cửa hầm thì bom B52 trút xuống. Sau này nghe kể, 2 nữ dân quân đã hy sinh tại chỗ, còn Ngọc thì bị bom hất rơi xuống hầm sâu. Ngọc đã nằm một mình dưới hầm tối 3 ngày đêm, chịu đói khát cùng với sự tấn công của lũ kiến, mối bâu đầy người; bởi vết thương ở chân anh bị ngấm bùn đất, nước mưa, đã ra dịch mủ và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc…

Sáng ngày 31/7, một tổ công binh phát hiện ra Ngọc chỉ còn nằm thở thoi thóp. Họ đưa anh lên khỏi hầm và trả về cho trạm phẫu thuật 204 để cấp cứu. Hai ngày sau, Ngọc được chuyển bằng ôtô tải ra miền Bắc. Hành trình cực kỳ gian nan, bị máy bay Mỹ phát hiện, đuổi theo ném bom bi và bắn đạn 20 ly nhiều lần, nhiều thương binh và y tá hy sinh.

Mãi đến cuối tháng 12/1972, nghĩa là 5 tháng sau ngày bị thương nặng tại chiến trường Quảng Trị, Đặng Sỹ Ngọc mới được đưa ra tới Hà Nội. Chỉ tính riêng cái chân phải, Ngọc phải lên bàn mổ tổng cộng tới 8 lần mới được coi là “tạm ổn”. Tiếp đó, là điều trị thuốc men và lần lượt đi các trại an dưỡng thương binh nặng mấy năm trời…

Hạnh phúc ngọt ngào trong gian khó

Những năm tháng ấy, một cô gái cùng quê là Nguyễn Thị Vân đã cảm mến và đem lòng yêu thương Ngọc. Chị Vân học sau anh Ngọc một lớp thời phổ thông, từng làm lính công binh của Tỉnh Đội Hà Tĩnh, từng làm nhiệm vụ tại chiến trường Lào (1972 - 1974), rồi học Trung cấp y tế.

Họ gặp lại nhau khi anh đã là thương binh nặng về điều trị và an dưỡng tại Đoàn 202 Quân khu Bốn, còn chị là nhân viên kỹ thuật điều dưỡng của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Ba Lan.

Đầu năm 1975, anh chị đã tổ chức lễ cưới thật trang trọng nhưng giản dị, trước sự chúc mừng của gia đình và đồng đội. Những ngày hạnh phúc đến với họ thật ngọt ngào, trong niềm vui chung chiến thắng của dân tộc: giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước! Nhưng sau đó cũng là những năm tháng chuyển đổi cơ chế kinh tế, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Lần lượt 3 người con của anh Ngọc và chị Vân ra đời: Đặng Sỹ Nam (1977), Đặng Thị Thương (1980) và Đặng Thị Thanh Huyền (1984)… Hiện nay, cả 3 người con của anh chị đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định… Nhưng để nuôi dạy các con khôn lớn, cho ăn học “bằng anh bằng em”, hai vợ chồng họ đã phải vật lộn cực nhọc với cuộc sống đời thường.

Là thương binh nặng (thương tật vĩnh viễn 81%) có chế độ được người phục vụ riêng, nhưng anh Ngọc đã làm đơn xin về với gia đình cho gần vợ con. Sức khỏe kém, nhưng anh kiên quyết không chịu nghỉ ngơi. Thời gian đầu, Ngọc theo một số thương binh đi buôn chuyến trên tàu. Công việc chủ yếu là lấy công làm lãi.

Sau khi “giải nghệ” buôn chuyến trên tàu, Ngọc được chính quyền phường Hưng Dũng tín nhiệm giao cho việc điều hành một tổ thương binh làm quản lý và thu lệ phí chợ Hưng Dũng. Mấy năm làm việc này, tổ thương binh do Ngọc phụ trách đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, sống giữa môi trường buôn bán, có nhiều điều khiến Ngọc không thấy hợp. Anh quyết định “chuyển nghề”, làm… xe lai, bởi “dù vất vả mưa nắng, nhưng đầu óc thanh thản hơn”.

“Tôi làm nghề này có đăng ký với chính quyền, và có thẻ hành nghề hẳn hoi!” - Ông Ngọc nói vậy, rồi tìm trong túi lấy cho tôi xem 2 chiếc thẻ chứng nhận hành nghề xe lai, một do chính quyền phường Hưng Dũng cấp và một do Công an thành phố Vinh cấp, có dán ảnh và đóng dấu đỏ.

Đã nhiều năm nay, ngày mưa cũng như ngày nắng, người đàn ông ấy vẫn chăm chỉ, kiên nhẫn đợi khách. Nhiều người chỉ đi xe của ông một lần là nhớ mãi, bởi giá tiền ông lấy rất phải chăng, lại thêm cái tính cẩn trọng, hay nói, hay cười. Mà đã nói thì phải nói to, bởi tai ông như người nghễnh ngãng, lúc nghe được lúc không. Còn muốn nói chuyện với ai, thì ông phải nhìn vào... miệng người ấy đang nói mới hiểu được.

Cũng chính vì cái sự dễ dãi và đôi tai nghe “nghễnh ngãng” này mà nhiều khách hàng khi đi xe lai của ông Ngọc trả thế nào ông cũng gật. Một số bạn nghề đã hiểu nhầm, tưởng ông cố tình làm thế để “phá giá thị trường” và tranh khách. Đã có mâu thuẫn, thậm chí xô xát nhưng ông Ngọc đã hóa giải được...

Tháng 4/2005, trong khi chở khách trên cao tốc từ Nghi Kim đi sân bay Vinh, ông Ngọc bị tai nạn giao thông và trọng thương. Cái chân phải của ông vốn đã bị yếu, lên bàn mổ nhiều lần, giờ bị gãy thêm 2 xương cẳng chân, phải phẫu thuật để nẹp đinh, rồi bó bột… Ông đã phải chung sống cùng mấy cái đinh kim loại ấy đúng một năm.

Ước mơ cuối đời: Có tiền để xuất bản nhật ký

Do đặc thù công việc làm báo và sưu tầm tư liệu về thư và nhật ký chiến tranh, tôi đã có may mắn được tiếp xúc với nhiều tác giả (hoặc thân nhân của tác giả), cùng những bản thảo gốc mà gia đình họ còn lưu giữ được. Nhưng tôi chưa thấy ai chăm chỉ ghi chép nhật ký và lưu giữ được nhiều tư liệu như ông Đặng Sỹ Ngọc. Chỉ riêng nhật ký thời chiến, ông Ngọc hiện còn giữ được tới 19 cuốn, với hàng ngàn trang ghi chép sổ tay. Nếu cho chế bản tất cả rồi in thành sách, chắc cuốn sách ấy phải “có gáy” và dày cỡ gang tay...

“Với tôi, ghi chép là một nhu cầu tự thân từ khi còn trẻ. Chỉ tiếc là trình độ văn học của tôi còn hạn chế, vì không được học hành nhiều”. Ông Ngọc khiêm tốn nói vậy.

Sau bao năm trở về với đời thường, sức khỏe yếu lại phải vật lộn với cuộc sống và mưu sinh, ông Ngọc vẫn giữ thói quen đam mê viết lách. Ông đã có một số bài hồi ký, ghi chép được đăng trên báo Nghệ An và tập san của Hội Cựu chiến binh của tỉnh.

Thể theo nguyện vọng của ông Đặng Sỹ Ngọc và gia đình, chúng tôi đã hoàn thành việc biên soạn cho ông một cuốn nhật ký chiến trường mang tên “Trời xanh không biên giới”.

Tập bản thảo dày hơn 300 trang in, chọn lọc những trang ghi chép hay nhất của Đặng Sỹ Ngọc trong khoảng thời gian từ tháng 3/1969 đến tháng 1/1973. Nhưng loại sách này hiện rất khó phát hành, in ra chủ yếu là để biếu và tặng. Muốn có 1.500 cuốn sách như thế, phải cần có ít nhất khoản kinh phí là 15 triệu đồng. Tiền trợ cấp thương tật và tiền chạy xe lai kiếm thêm của ông Ngọc chỉ đủ cho nhu cầu cuộc sống tối thiểu của gia đình.

Liệu có cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm nào sẵn lòng tài trợ cho thương binh Đặng Sỹ Ngọc in cuốn sách ấy không?

Vinh - Hà Nội, tháng 7/2006

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.