Một tiền lệ tốt

Một tiền lệ tốt
TP - Tân Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân làm một điều chưa hề có tiền lệ là ngay sau khi nhậm chức đã trả lời thư ngỏ của công dân đăng trên một tờ báo.

Bức xúc của xã hội  về căn bệnh trầm kha của hệ thống giáo dục đã nói rất nhiều, nhưng lần này qua thư ngỏ, người dân gửi gắm và kỳ vọng nhiều bởi có lòng tin với cá nhân ông Nguyễn Thiện Nhân.  Điều này cũng chưa hề có tiền lệ.

Và ông Nhân đã khẳng định ông cảm nhận được sự gửi gắm và kỳ vọng đó. Ông không trả lời cụ thể rằng phải làm thế này thế kia, mà chọn cách trả lời khôn ngoan và thuyết phục khi phân tích so sánh căn nguyên “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục mà hàng triệu phụ huynh là “đồng tác giả” với chuyện buôn lậu thuốc lá - một tồn tại xã hội khá nhức nhối - mà trong đó, người tiêu dùng cũng là “đồng tác giả”.

Theo ông, nếu chỉ các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao, còn các em HS, các bậc phụ huynh chống lại bệnh thành tích, chống lại gian lận thi cử, xin điểm... thì chắc chắn “bệnh thành tích” không tồn tại với mức độ cao và dai dẳng hàng chục năm qua ở nhiều nơi.

Chính vì có hàng triệu gia đình muốn con em mình có điểm cao (hơn thực chất), sẵn sàng đóng tiền “bồi dưỡng” các thầy cô để các em thi được điểm cao bằng mọi cách thì mới có “bệnh thành tích” ở qui mô lớn và “bền vững”, chống mãi không được như vậy.

Và hàng chục triệu phụ huynh và học sinh chính là “đồng tác giả” của bệnh thành tích. Muốn chống bệnh này, phải chăng trước hết các bậc phụ huynh và HS phải kiên quyết từ chối việc thi cử, đánh giá học sinh bằng điểm thi cao hơn khả năng thuộc về các em.

“Với sự quyết tâm và chia lửa của hàng triệu người VN là đồng tác giả của sự nghiệp chấn hưng giáo dục, tôi tin là trong 10 năm tới nền giáo dục VN sẽ có những bước phát triển mới”- Ông Nguyễn Thiện Nhân đã tin tưởng như thế, cũng đồng nghĩa với một lời hứa trước người dân một cách công khai nhưng không ồn ào.

Là một người từng giảng dạy đại học, đào tạo cao học (ông là GS-TS), ông Nhân chắc chắn biết rõ “thầy nào thì trò ấy”, ngành giáo dục - nơi  đào tạo nguồn nhân lực- sẽ cung cấp ra những “sản phẩm” (nhân lực) méo mó như thế nào cho xã hội.

Ông lại cũng là người tham gia quản lý bộ máy hành chính (trước khi nhậm chức Bộ trưởng là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), chắc quá hiểu bộ máy hành chính, doanh nghiệp cần nguồn nhân lực có chất lượng như thế nào.

Người dân dường như có cùng ý nghĩ như vậy khi gửi gắm, kỳ vọng rất nhiều vào ông khi ông “ngồi” vào “ghế” người đứng đầu ngành giáo dục, mặc dù họ  biết rằng để thay đổi chất lượng nền giáo dục quốc gia không thể chỉ trông chờ vào một cá nhân!  Đó là lý do người dân có thể đồng cảm với ông.

Dẫu sao thì, những lá thư tâm huyết gửi đến vị tân Bộ trưởng GD-ĐT  với mong mỏi chấn hưng giáo dục, tin tưởng người đứng mũi chịu sào có tâm, có đức sẽ tạo nên đổi thay tích cực... đã đến đích với sự trả lời công khai, mong được chia sẻ, và xin “chia lửa” từ hàng triệu học sinh và phụ huynh học sinh, trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực này, cũng là một tiền lệ tốt cho các vị bộ trưởng ngành khác khi nhậm chức.

MỚI - NÓNG