Một trích đoạn Hoàng Sa

Một trích đoạn Hoàng Sa
TP - Trong trường thiên Hoàng Sa mà tôi ghi được trong những ngày nóng bỏng này, có một trích đoạn tôi dành riêng cho mình. Đó là những đôi mắt thoáng đăm đăm dõi về đất liền. Là những tiếng reo nhỏ trên boong tàu khi ai đó nhận được tin vui chuyển ra từ gia đình. Là từng số điện thoại riêng tư cùng nhiều lời nhắn ghi lại trong sổ tay, hẹn về đất liền sẽ gọi…

Nhớ 16 năm trước, năm 1998 lần đầu ra Trường Sa, hành trang trở về đất liền của tôi cũng là những lời nhắn, những lá thư, tấm ảnh trắng đen chụp vội. Lính Trường Sa thời ấy cũng như những cảnh sát biển, kiểm ngư viên ở Hoàng Sa bây giờ, đó là phần lớn bằn bặt tin tức với gia đình.

Lần ấy tôi mang từ Trường Sa về gần trăm lá thư mang địa chỉ hàng trăm miền quê, cùng vài chục cuốn phim sang ra để gửi về theo từng địa chỉ, để mỗi gia đình nhìn thấy con em mình đang làm nhiệm vụ giữ đảo. Bây giờ, lính Trường Sa đã có thể điện thoại về nhà, cập nhật những bức ảnh với gia đình, cho vợ, người yêu. Còn với những người đang đêm ngày gác giữa biển Đông bây giờ, vẫn vậy…

Sáu lần chuyển tàu giữa Hoàng Sa, mỗi lần chuẩn bị xuống xuồng, với tôi là một lần bùi ngùi. Nhớ từng tiếng reo vui: “Anh ơi, vợ em đẻ rồi, con trai, mẹ tròn con vuông. Có mấy anh tàu bên vừa ra báo vậy!”. “Anh ơi, vợ em mấy ngày nữa được mời lên Hà Nội gặp mặt gia đình cảnh sát biển đấy!”. “Mẹ và vợ em ở nhà bây giờ thành người nổi tiếng rồi, được truyền hình phỏng vấn, nhiều nơi đến tặng quà”...

Những lá thư và lời nhắn gửi về gia đình được truyền từ tàu này sang tàu khác, để có ai đó về bờ sẽ gọi điện. Thời gian cho những lời nhắn ấy đến nơi được tính bằng tuần, bằng tháng. Chiếc điện thoại vệ tinh dùng để tác nghiệp của tôi nhiều lúc trở thành cầu nối cho những chàng cảnh sát biển với mẹ, vợ con và người yêu. “Gọi được hả anh, thế thì may quá, cho em xin một phút thôi”. Trên những con tàu mới, tôi lại bắt gặp nhiều gương mặt mới với hoàn cảnh, tâm tư mới.

Những người cảnh sát biển tôi gặp, suốt cả ngày can trường quần thảo với các con tàu hung hãn của Trung Quốc để thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền, đêm xuống lại chia nhau trực gác tại các vị trí cho đến sáng. Những ngày biển động, giông gió nổi lên, ngay chính những người lính biển ấy cũng nhiều bữa phải bỏ cơm.

Nhưng lúc nào cũng thấy họ hướng về đất liền, quê hương, gia đình bằng những cảm xúc thương yêu, trong sáng nhất. Nỗi ưu tư của ai đó đều được giấu kín trong lòng, cánh phóng viên chúng tôi thường phải rất khó khăn mới “gợi” ra được phần nào.

Có lẽ bởi những tin tức gửi ra từ quê nhà, dù hiếm hoi, chậm muộn, nhưng đều là những tin ấm lòng. Họ biết đồng bào cả nước đang từng ngày dõi theo mình, với niềm tin yêu, kính phục, và dành tất cả sự quan tâm, động viên bằng vật chất, tinh thần với vợ con, người thân của mình.

Một trích đoạn Hoàng Sa, đầy bịn rịn, nhưng giúp tôi vững chãi lên nhiều…

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.