Một trường hợp hy sinh sau 43 năm chưa được làm rõ

Một trường hợp hy sinh sau 43 năm chưa được làm rõ
TP - Đó là trường hợp ông Trần Thanh Phong, hiện mộ vẫn nằm tại Nghĩa trang thị trấn Thác Bà (Yên Bình, Yên Bái), trên bia đề hy sinh năm 1966. Tuy nhiên, đến nay trường hợp hy sinh này vẫn chưa thể làm rõ để công nhận liệt sĩ cho ông Phong hay không...

...Năm 1996, bà Trần Thị Lanh (trú tại thôn Hạ Xá, Tân Khánh, Vụ Bản, Nam Định) bất ngờ nhận được thư của một người lạ gửi cho người nhà ông Trần Thanh Phong. Nhận thư, bà Lanh - người chị duy nhất của ông Phong không khỏi sững sờ khi sau mấy chục năm mới có tin về người em trai đi bộ đội đã lâu mà không trở về. Trong thư, người viết giới thiệu mình là Trần Văn Sơn, cho biết cách đây 30 năm ông là một trong những người tham gia chôn cất ông Phong. Ông Sơn hiện là quản trang nghĩa trang thị trấn Thác Bà, thông báo cho gia đình mộ ông Phong hiện vẫn nằm tại nghĩa trang này.

Trong ký ức, bà Lanh nhớ ông Phong nhập ngũ năm 1960. Nhưng khi em trai đi bộ đội, vì bận việc đồng áng lẫn con nhỏ nên bà Lanh không thể đi tiễn do vậy không biết ông Phong nhập ngũ ở đâu và thuộc đơn vị nào. Từ khi nhập ngũ, ông Phong chưa một lần về thăm nhà cũng như viết thư cho gia đình. Sau giải phóng miền Nam, bà Lanh vẫn không thấy em trai trở về. Gia đình cũng không nhận được báo tử.

Nay được tin, gia đình bà Lanh vội lên thị trấn Thác Bà gặp ông Sơn. Ông Sơn dẫn mọi người vào nghĩa trang, chỉ cho một ngôi mộ nằm khuất nẻo, cỏ dại mọc đầy. Tuy những dòng chữ ghi trên bia đã mờ, nhưng bà Lanh và người nhà đi cùng vẫn đọc được nội dung: “Đồng chí Trần Thanh Phong, sinh năm 1939; quê quán: Hạ Xá, Duy Tân, Vụ Bản, Nam Định; hy sinh 21/7/1966”. Đọc xong, bà Lanh khóc oà, xác nhận những thông tin trên bia (năm sinh, quê quán) hoàn toàn đúng về người em trai mà bà đã bặt tin nhiều năm.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          

Vậy sao ba mươi năm sau, ông Sơn lại là người báo cho gia đình bà Lanh biết về mộ ông Phong? Ông Sơn cho biết: Năm 1966, ông là thiếu uý, chính trị viên Đại đội pháo 20 ly (trực thuộc Tỉnh đội Yên Bái) có nhiệm vụ bảo vệ Nhà máy thuỷ điện Thác Bà. Cùng thời điểm này, Nhà máy thuỷ điện Thác Bà còn được một đơn vị Pháo cao xạ 57 ly phòng không thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) bảo vệ. Ngày 21/7/1966, sau trận oanh tạc của máy bay địch, đơn vị Pháo cao xạ 57 ly phòng không bị trúng bom. Sau trận đánh, ông  Sơn và một số đồng đội có sang đơn vị bạn xem tình hình thì thấy ông Trần Thanh Phong bị thương rất nặng và có tham gia cấp cứu. Khi thấy ông Phong khó qua khỏi, những người tham gia cấp cứu đã hỏi rõ năm sinh, quê quán của ông. Khoảng một giờ sau ông Phong mất, được chôn và ghi rõ tên, năm sinh, quê quán, ngày hy sinh. Ông Sơn là một trong những người đã tham gia chôn ông Phong.

Sau sự việc trên, đơn vị của ông Sơn được điều đi chiến đấu ở nơi khác. Đáng tiếc trong chiến đấu, những đồng đội của ông cùng chứng kiến việc ông Phong hy sinh trước kia cũng hy sinh nên đến nay không thể hỏi xem trong số họ có ai biết tên đơn vị của ông Phong. Ông Sơn tại ngũ đến năm 1985 thì nghỉ hưu tại thị trấn Thác Bà; năm 1996 nhận làm quản trang Nghĩa trang thị trấn này. Cùng năm đó, trong một lần đi kiểm tra nghĩa trang, ông Sơn thấy một ngôi mộ nằm khuất nẻo. Vén đám cỏ dại mọc quanh mộ, ông Sơn đọc những dòng chữ trên bia bất giác giật mình. Đó là ngôi mộ ông Trần Thanh Phong. Qua khứ hiện về, ông Sơn dần nhớ đây chính là người mình từng tham gia chôn cất năm xưa. Sau đó, ông Sơn đã hỏi những người quản trang trước mình thì được biết nhiều năm nay ngôi mộ này chưa một lần được người thân thăm viếng. Ông Sơn nhận định, nhiều khả năng gia đình ông Phong chưa biết mộ người thân nằm ở đây nên bao năm nay mới không lên thăm. Thế là ông bèn viết thư (theo địa chỉ ghi trên bia) gửi người nhà ông Phong để báo tin. Mặc dù thời điểm gửi thư, xã Duy Tân của ông Phong đã đổi thành Tân Khánh- nhưng run rủi thế nào thư vẫn đến được gia đình bà Lanh.

... Đến những điều chưa được làm rõ

Sau sự việc trên, ông Sơn đã viết xác nhận (ngày 7/4/1997) về trường hợp hy sinh của ông Phong mà mình là một nhân chứng, đồng thời cam đoan nếu sai xin chịu trách nhiệm trước pháp luật. Xác nhận này được UBND thị trấn Thác Bà chứng thực việc ông Sơn từng chiến đấu bảo vệ Nhà máy thủy điện Thác Bà như đã trình bày.

Có xác nhận trên, bà Lanh tiếp tục hỏi những người cùng tuổi với ông Phong ở trong xã xem có ai nhập ngũ cùng em mình để có thể dò tìm đơn vị của ông Phong. Đáng tiếc bà Lanh không tìm được ai trong xã cùng nhập ngũ với em mình. Tuy nhiên bà Lanh cũng được một người cùng xã là trung tá Lê Như Huấn, hiện là ủy viên BCH Hội Khoa học lịch sử tỉnh Nam Định cho biết: Tuy không nhập ngũ cùng thời gian và cùng đơn vị với ông Phong, nhưng vào tháng 4/1965 khi đơn vị của ông Huấn hành quân qua khu vực Cầu Chui (Gia Lâm, Hà Nội), ông có gặp ông Phong. Lúc đó hai người chỉ thoáng gặp nhau, và ông Huấn nhìn thấy ông Phong mang quân hàm của Quân chủng PK-KQ.

Gần đây, mộ ông Phong đã được thị trấn Thác Bà tu sửa, đồng thời gắn lại bia cho rõ ràng hơn. Tên ông Phong cũng được khắc trên  Đài tưởng niệm những công nhân, bộ đội đã hy sinh trong quá trình xây dựng, bảo vệ Nhà máy thủy điện Thác Bà.

Với những cứ liệu thu thập được, gia đình bà Lanh làm đơn đề nghị các cơ quan có trách nhiệm xác minh để công nhận liệt sĩ cho ông Phong. Trong các năm 2003 và 2005, Bộ chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Nam Định và Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) có công văn gửi Cục Chính trị (Quân củng PK-KQ) xác minh, kết luận trường hợp hy sinh của quân nhân Trần Thanh Phong để có cơ sở giải quyết chính sách. Ngày 10/9/2008, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái cũng có công văn hướng dẫn bà Lanh liên hệ với Quân chủng PK-KQ để được trả lời về trường hợp hy sinh của ông Phong.

Sở dĩ các văn bản trên đều liên quan đến Quân chủng PK-KQ, vì theo xác nhận của ông Sơn thì ông Phong chiến đấu trong đơn vị pháo cao xạ 57 ly của Quân chủng. Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, cấp có trách nhiệm của Phòng Chính sách (Cục Chính trị- Quân chủng PK-KQ) cho biết:

“Quân chủng đã nhận được đơn của gia đình bà Lanh, nhưng do ông Trần Văn Sơn không nhớ chính xác tên đơn vị của đồng chí Phong (chỉ nhớ là đơn vị pháo cao xạ 57 ly phòng không- PV) nên việc xác định là rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiến hành kiểm tra hồ sơ lưu trữ của Quân chủng thì không có tên đồng chí Trần Thanh Phong hy sinh hoặc từ trần nên không có cơ sở để kết luận và trả lời gia đình. Năm 2006, Quân chủng PK-KQ đã làm việc trực tiếp với Bộ CHQS tỉnh Nam Định để xác minh đơn vị của đồng chí Phong khi nhập ngũ và khi hy sinh xong vẫn chưa có kết luận cụ thể”.

Tại buổi làm việc trên, cấp có trách nhiệm của Phòng Chính sách đề xuất sẽ tiếp tục xác minh thêm để tìm đơn vị ông Phong. Gần đây, ông Nguyễn Duy Bảo, Trưởng phòng Chính sách cho biết: Qua xác minh tại Ban CHQS huyện Vụ Bản và UBND xã Tân Khánh cũng không thấy tên ông Phong trong danh sách nhập ngũ tại những nơi này. Tiếp xúc với gia đình bà Lanh, chúng tôi cũng không có thêm thông tin khả dĩ nào để xác định đơn vị của ông Phong. Vì vậy đến nay vẫn chưa có cơ sở để khẳng định ông Phong là bộ đội, hoặc là bộ đội của Quân chủng PK-KQ.  “Cũng không loại trừ khả năng đồng chí Trần Thanh Phong nhập ngũ tại địa phương khác nên đến nay tại địa phương của đồng chí không ai biết, do đó khó khăn trong việc tìm được đơn vị”- ông Bảo cho biết thêm.

Vì chưa xác định được đơn vị của ông Phong và một số vấn đề liên quan nên đến nay các cơ quan chức năng chưa thể giải quyết trường hợp hy sinh của ông Phong. Điều này khiến gia đình bà Lanh tiếp tục chờ đợi trong nỗi ngậm ngùi. Bà Lanh cho biết: Tôi giờ đã gần 80 tuổi, không biết có thể chờ thêm được bao lâu nữa để biết em trai mình được công nhận liệt sĩ hay không...

Dù khó khăn, nhưng trường hợp hy sinh của ông Phong vẫn cần được các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục làm rõ. Qua bài viết này, nếu ai từng là đồng đội của ông Phong hoặc biết thêm về trường hợp hy sinh này xin hãy thông tin cho Toà soạn hoặc cho bà Lanh theo địa chỉ của gia đình.

MỚI - NÓNG