Một tuần nữa số ca lây nhiễm COVID-19 có thể giảm

Toàn bộ các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 714 tại tỉnh Thái Bình đều được cách ly tại Khu cách ly tập trung của huyện Tiền HảiẢnh: Hoàng Long
Toàn bộ các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 714 tại tỉnh Thái Bình đều được cách ly tại Khu cách ly tập trung của huyện Tiền HảiẢnh: Hoàng Long
TP - Tại những địa phương đã áp dụng nghiêm việc kiểm soát, dự báo sau 14 ngày triển khai (khoảng 1 tuần nữa), số ca lây nhiễm sẽ giảm.

Ngày 6/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các chuyên gia nhận định: Nguy cơ dịch bệnh đang thường trực ở tất cả các tỉnh, thành phố. Ngoài việc điều động nhân lực giỏi vào hỗ trợ Đà Nẵng, Bộ Y tế sử dụng mọi phương án để nâng cao năng lực xét nghiệm; tốc độ xét nghiệm cao gấp gần 3 lần so với thời kỳ cao điểm hồi tháng 4.

Các chuyên gia, lãnh đạo Bộ Y tế và thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định, nguy cơ dịch bệnh đang thường trực ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nguy cơ này không chỉ đến từ những người ở Đà Nẵng về. Người đứng đầu các địa phương, trưởng ban chỉ đạo chống dịch phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra vi phạm liên quan truy vết, theo dõi, cách ly. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý nghiêm các địa phương xảy ra vi phạm.

TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số trường hợp mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25/7 đến nay là 268 ca tại 11 tỉnh, thành phố, và đều có yếu tố dịch tễ liên quan ổ dịch tại Đà Nẵng. Trong đợt dịch này đã xuất hiện những chùm ca bệnh (nhiều người trong một nhà mắc bệnh). Bên cạnh đó, đã ghi nhận một số trường hợp mắc COVID-19 nhưng chưa xác định có mối liên quan đến cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng.

Thiếu máy  và vật tư xét nghiệm PCR

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, lần này, áp lực chống dịch lớn hơn lần trước nhiều vì phải thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lớn nhất, hiện hữu nhất là nhóm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế ở cụm 3 bệnh viện. Do vậy, cần tiếp tục quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ truy vết và cách ly tập trung các ca F1. Nhóm nguy cơ thứ 2 là những người đến từ Đà Nẵng (từ ngày 1/7 đến nay) nhưng không có mối liên hệ với cụm 3 bệnh viện như các ca bệnh tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội... 

“Ngành y tế đang nỗ lực kiểm soát tình hình ở Đà Nẵng. Công tác phòng, chống dịch không phải là câu chuyện riêng ở Đà Nẵng mà tất cả các địa phương đều phải vào cuộc”, ông Long nói.

Chiều 6/8, Hà Nội họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố; Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu ngành y tế lấy toàn bộ mẫu xét nghiệm khẳng định PCR cho toàn bộ người dân từ Đà Nẵng trở về Hà Nội từ ngày 15-29/7.

“Với năng lực chúng ta hiện nay (mỗi ngày lấy 8.000 mẫu), thì việc lấy mẫu mất khoảng 9 ngày, còn xét nghiệm mất khoảng 12 ngày. Do vậy, trước mắt sẽ ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp 8 quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân… Nếu cả  thành phố cùng làm quyết liệt, từ nay đến 15/8 không có ca nhiễm mới thì Hà Nội tương đối yên tâm. Còn nếu Hà Nội có ca nhiễm mới thì tương đối khó lường”, ông Chung nói. Ông cho biết, nếu có ca nhiễm mới thì sẽ đẩy thêm một mức trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhận định, Hà Nội đang thiếu vật tư, máy móc phục vụ phòng chống dịch, đặc biệt là máy móc và bộ xét nghiệm PCR. “Tiền thì có, nhưng vật tư thì không… Thiếu thứ gì sẽ tập trung mua sắm công khai, minh bạch theo Chỉ đạo của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế”, ông nói.  Ông cũng đồng ý với đề nghị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ thành phố trong phòng chống dịch COVID-19.

1 tuần nữa số ca lây nhiễm có thể giảm

Các chuyên gia dịch tễ cho hay, kể từ ngày 7/7 (thời điểm dự đoán dịch xuất hiện) đến nay đã qua khoảng 5 chu kỳ lây nhiễm. Ngay sau khi phát hiện ca đầu tiên ở Đà Nẵng, bắt đầu từ những ngày 26-28/7, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương đã áp dụng đồng bộ các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch. Tại những địa phương đã áp dụng nghiêm việc kiểm soát, dự báo sau 14 ngày triển khai (khoảng 1 tuần nữa), số ca lây nhiễm sẽ giảm.

Ban Chỉ đạo nhận định, những ngày tới, theo tiến độ xét nghiệm, hằng ngày có thể ghi nhận thêm hàng chục ca bệnh liên quan tới cụm bệnh viện Đà Nẵng hoặc một số địa bàn ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới từng ngày không phản ánh xu thế tăng hay giảm của dịch bệnh.

Hai ca tử vong 

Ngày 6/8, Bộ Y tế công bố 34 ca mắc mới (gồm 20 bệnh nhân ở Đà Nẵng, 9 ở  Quảng Nam, 1 ở Bắc Giang, 1 ở Hà Nội và 3 ca nhập cảnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu) và 11 ca khỏi bệnh (tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu). Cùng ngày, Bộ Y tế công bố ca tử vong thứ 9 và thứ 10. Ca tử vong mới nhất là bệnh nhân 718 (nữ, 67 tuổi, quê Đà Nẵng), được chẩn đoán tử vong do đa u tủy tương bào ác tính, đái tháo đường type 2, nhiễm trùng huyết và COVID-19. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.