Một Việt kiều hồi hương tự ứng cử đại biểu Quốc hội

Một Việt kiều hồi hương tự ứng cử đại biểu Quốc hội
TPO - Cuối giờ chiều 16/3, hạn cuối cùng để nhận hồ sơ ứng cử và tự ứng cử Đại biểu quốc hội Khoá XII, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đăng Hưng - Việt kiều Bỉ hồi hương – đã gửi đơn xin tự ứng cử qua đường fax từ Hà Nội tới Sở Nội vụ TPHCM.

>> Giao lưu trực tuyến: Nguyện vọng khi trở về Đất Mẹ

>> Nếu là Bộ trưởng, tôi sẽ thay ít nhất 50% nhân sự

Một Việt kiều hồi hương tự ứng cử đại biểu Quốc hội ảnh 1
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đăng Hưng tại buổi Giao lưu trực tuyến "Nguyện vọng khi trở về đất mẹ" trên Tiền phong Online.

Giáo sư đã hoàn tất các thủ tục, hồ sơ tự ứng cử chưa?

Ngay sau khi tới nhận hồ sơ vào chiều 15/3, tôi đã phải bay ra Hà Nội để làm Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án thạc sỹ tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sau khi 6 thạc sỹ bảo vệ xuất sắc luận án của mình, cuối buổi trưa 16/3, tôi mới tạm được nghỉ ngơi và tập trung vào việc hoàn tất hồ sơ. Khi đó chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa là hết hạn nộp hồ sơ (lúc 17 giờ), nên tôi chỉ có thể gửi hồ sơ theo đường fax.

Vì sao tới phút cuối giáo sư mới tới nhận hồ sơ tự ứng cử?

Vì tôi cảm kích trước tấm thịnh tình của bạn bè, đồng nghiệp và các học trò, những người đã động viên tôi rất nhiều và vận động tôi ra ứng cử. Trước đó, tôi cũng đã nghĩ tới việc mình sẽ phải làm gì đó cho đất nước nhưng cũng có chút do dự.

Một ngày trước khi tôi ra Hà Nội, bạn bè tôi tại Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM, Câu lạc bộ KH-KT người Việt Nam ở nước ngoài, Ban liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM và những cá nhân Việt kiều, học trò cũ đã nhiệt tình khuyên tôi ra ứng cử và gửi gắm rất nhiều hy vọng vào tôi. Vì ý thức được trách nhiệm của mình, tôi đã tới Sở Nội vụ TPHCM xin hồ sơ tự ứng cử. 

Tôi chỉ muốn đóng góp ý kiến nhỏ bé của mình vào quá trình hội nhập của đất nước, với những kinh nghiệm hữu ích cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nước nhà.

Mong muốn của giáo sư trong việc tự ứng cử lần này?

Có thể nói, tôi đã hoàn thành sự nghiệp của một nhà giáo tại Bỉ, nay đã về hưu. Tôi muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào quá trình hội nhập của đất nước.

Tôi nghĩ với kinh nghiệm 47 năm sinh sống và làm việc tại Bỉ, 12 năm lăn lộn tổ chức các chương trình cao học quốc tế tại quê nhà, tôi tin là mình có những kinh nghiệm hữu ích cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nước nhà cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế đất nước để hoà nhập nhanh với thế giới.

Tôi nghĩ Quốc hội là nơi có thể gửi gắm được những hoài bão khiêm tốn của mình và người dân, với mong muốn xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Gia đình suy nghĩ như thế nào trước việc ông tự ứng cử?

Gia đình tôi lúc đầu cũng lo lắng việc tôi tự ứng cử. Vì tôi còn một cậu con trai út mới 12 tuổi, nên gia đình lo tôi làm việc căng thẳng mà ảnh hưởng tới sức khoẻ. Trước sự kỳ vọng của đông đảo bà con Việt kiều, các đồng nghiệp Việt Nam đối với tôi, cuối cùng vợ tôi đã thông cảm. Cô ấy vừa gọi điện từ Bỉ về  động viên và ủng hộ tôi.       

Xin cảm ơn giáo sư. 

GS.TS Nguyễn Đăng Hưng từng là thành viên Ban Giám đốc Phòng thí nghiệm Hàng không & Không gian thuộc Đại học Liège (Bỉ). Năm 1984, ông được trao Huy chương Louis BAES của Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ và sau đó là Huy chương Lao động hạng Nhất của Chính phủ Bỉ (năm 1996).

GS Nguyễn Đăng Hưng là một trong số 19 Việt kiều tiêu biểu được trao danh hiệu Vinh danh nước Việt năm 2005. Hiện ông là thành viên của Câu lạc bộ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM.

Ông là sáng lập viên và trưởng khoa Cơ học Phá hủy Đại học Liège (Bỉ), sáng lập viên và Chủ nhiệm Văn phòng đào tạo Cao học Bỉ - Việt EMMC; Giáo sư điều phối viên tại châu Âu chương trình “Hợp tác đào tạo Tiến sĩ một số chuyên ngành kỹ thuật tại châu Âu” dưới hình thức đồng hướng dẫn (bằng ngân sách Nhà nước Việt Nam) do hai trường ĐH Liège và ĐH Xây dựng Hà Nội điều phối (2003).

Ngọc Ánh
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.