Một vợ chồng du kích và 22 lần được phong danh hiệu dũng sĩ

Một vợ chồng du kích và 22 lần được phong danh hiệu dũng sĩ
Vợ chồng anh Dương Bá Quy ở Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị đều là du kích, đã 22 lần được phong danh hiệu dũng sĩ. Nghe anh chị kể chuyện đánh giặc, bắt sống giặc, chiến đấu vào sinh ra tử mà sao nhẹ nhàng đến vậy.

Chị Nguyễn Thị Thủy (vợ anh Dương Bá Quy) quê ở thôn Nhĩ Trung, xã Gio Thành, sinh năm 1950, tham gia cách mạng rất sớm. Gia đình chị nuôi giấu cán bộ nên mới hơn 10 tuổi chị đã được giao nhiệm vụ chuyển thư, liên lạc giữa các thôn, xóm trong xã, nghe ngóng tình hình địch.

16 tuổi chị tham gia du kích được kết nạp vào Đoàn, chị hoạt động rất tích cực, năng nổ, không bao giờ nề hà công việc gì. Do có những thành tích đánh giặc nên năm 18 tuổi chị đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được cử làm xã đội phó.

Chị thường hoạt động ban đêm, bò vào đồn bốt của giặc để rải truyền đơn, kêu gọi lính nguỵ ra hàng, chị làm công tác binh vận rất tốt. Không may cho gia đình chị là cơ sở nuôi giấu cán bộ bị lộ, nhiều người trong gia đình bị bắt vào giam ở Lao Xá, Quảng Trị. Năm 1967 khi cha mẹ hy sinh, chị đã thoát ly gia đình dành tất cả thời gian để hoạt động cách mạng.

 Những năm 1960-1970, chị tham gia nhiều trận đánh, chỉ huy du kích xã mai phục tiêu diệt hàng chục tên địch, bắn cháy 3 xe tăng. 5 lần chị được tặng bằng dũng sĩ các loại (tiêu diệt 3 tên giặc, hoặc bắn cháy xe tăng… thì được phong dũng sĩ). Thấy tôi tròn xoe mắt, ngạc nhiên khâm phục, chị nói:

- Thành tích ấy có thấm vào đâu so với anh Quy, 17 lần anh được phong dũng sĩ. Chị nói thêm:

- Cũng vì thấy anh chiến đấu quá dũng cảm mà tôi khâm phục, xiêu lòng, lấy làm chồng.

Chị Thủy kể: Trong những năm chiến tranh phụ nữ tham gia du kích phải chịu cuộc sống cực khổ. Nhiều tháng không thấy được ánh mặt trời. Ban ngày ngủ hầm, đến đêm tối mới đi hoạt động.

Khó khăn của con gái là phải ở chung hầm với con trai sinh hoạt rất bất tiện. Suốt nhiều năm dù trời mưa rét, gió lạnh không lúc nào chị được đắp mền khô, vì dưới hầm luôn ẩm ướt. Còn ăn uống thì không mấy khi được no.

Không chỉ làm công tác Xã đội chị còn được giao nhiệm vụ Bí thư xã Đoàn, Bí thư phụ nữ xã. Năm 1975, Đại hội Đảng bộ huyện Gio Linh chị được bầu là Huyện uỷ viên, giữ chức Phó ban tổ chức Huyện ủy. Sau đó được cấp trên cử đi học, trở về làm cán bộ Ban tổ chức Huyện ủy Bến Hải cho đến ngày về hưu.

Do tham gia hoạt động cách mạng rất sớm, có nhiều thành tích nên chị được Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương các loại, trong đó có Huân chương Độc lập.

Một vợ chồng du kích và 22 lần được phong danh hiệu dũng sĩ ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Thủy, xã đội phó du kích xã Gio Thành, Gio Linh   
 Ảnh: HNB

Khi tôi đến nhà anh Quy, chị Thủy thì anh đang đi trồng sắn ngoài đồi cát, bù lại được nghe chị Thủy kể chuyện đánh giặc rất lý thú. Đến quá trưa anh mới về nhà. Người anh không cao, không mập nhưng trông vẫn còn rắn rỏi lắm.

Anh Quy sinh năm 1943. Năm 1957, lúc mới 14 tuổi anh đã tham gia du kích mật của vùng khu phi quân sự, tham gia bảo vệ cán bộ từ Bắc vào Nam. Sau đó anh được cử làm Trung đội trưởng du kích tập trung của xã Gio Mỹ, rồi làm Xã đội phó, Xã đội trưởng cho đến sau ngày giải phóng mới chuyển sang làm công tác chính quyền.

Câu chuyện đánh giặc của anh rất nhiều, kể cả ngày cũng không hết. Anh nói nhớ nhất là những trận đánh trong năm 1968, đây là năm mà đơn vị du kích của anh đã tham gia quá nhiều trận đánh và lập được nhiều chiến công.

Anh kể lần đầu tiên tham gia đánh Mỹ là ở Đồi 31. Trước đó ta đã làm chủ đồi này nên bọn Mỹ muốn chiếm lại. bọn chúng tiến lên đồi lục soát, kiểm tra từng gốc cây, hầm trú ẩn, thấy không có dấu vết gì, chúng tưởng quân ta đã bỏ chạy xuống đồi. Đợi cho chúng xuống lưng chừng đồi, anh cùng với đồng đội dùng cối 60, nã tiểu liên tiêu diệt 11 tên Mỹ.

Bên cạnh đánh bộ binh, anh Quy và đồng đội còn tham gia đánh xe tăng, bắn cháy và làm hư hỏng hàng chục chiếc. Thấy được khí phách của anh rất dũng cảm nên Thường vụ Huyện ủy Gio Linh đã tin tưởng giao nhiệm vụ diệt ác, trừ gian, đánh vào hang ổ kẻ thù ngay giữa ban ngày, diệt được tên ác ôn, khiến bà con rất khâm phục.

Trận đánh ở thôn Lại An anh bị giặc bao vây tứ phía, chúng hô “Hàng sống chống chết”, anh dù bị thương vẫn đứng trên hầm xả súng khiến cho bọn giặc phải chùn bước.

Đối với anh em, đồng đội theo lời kể của chị Thủy thì anh sống rất tình nghĩa, thủy chung, trong các trận đánh nếu anh em hy sinh hay bị thương, bao giờ anh cũng tìm mọi cách để đưa ra vùng an toàn, không để bỏ sót một ai.

Tính từ ngày tham gia cách mạng đến ngày quê hương giải phóng anh Dương Bá Quy đã tham gia 67 trận đánh, tiêu diệt 148 tên, trong đó có 55 lính Mỹ, phá hủy hàng chục xe tăng địch.

Ngoài 17 lần được phong dũng sĩ anh còn được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, 8 Huân chương chiến công các loại, 6 lần được bầu chiến sĩ thi đua.

Năm 1972 khi vùng quê Gio Linh giải phóng anh được bầu là Phó bí thư Đảng ủy, quyền Chủ tịch UBND xã, từ năm 1981-1983 là Bí thư Đảng ủy. Sau đó được cử đi học, năm 1985 được điều về làm Phó giám đốc Nông trường 47, đến năm 1991 thì về hưu.

Có thể nói cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng của anh Quy rất vẻ vang. Mới đây anh đã được đồng đội, cấp trên đề nghị làm hồ sơ, thủ tục đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Cuộc sống đời thường gian khổ, long đong

Anh chị cưới nhau năm 1971, đến năm 1975 khi quê hương hoàn toàn giải phóng hai người trở về quê nhưng không có nhà ở. Vợ chồng bàn với nhau vào các đồn bốt của địch ở Quán Ngang, Gio Linh; anh gỡ mìn, còn chị đào cọc sắt về làm nhà.

Cuộc sống ở quê những năm sau giải phóng đầy vất vả, thiếu thốn. Năm 1985 khi anh được cử lên giữ chức Phó giám đốc Nông trường 74 thì cả gia đình cùng chuyển lên ở xã Gio Sơn.

Đến khi anh về hưu cuộc sống càng chật vật hơn, anh chị có 6 người con. Gia đình đông người nhưng không có đất để sản xuất. Trước tình cảnh này năm 1996 cả gia đình đã chuyển vào sinh sống ở thị trấn Krông Ana, tỉnh Đak Lak với hy vọng cuộc sống ở vùng quê mới sẽ dễ chịu hơn. Nhưng rồi cái nghèo, cái cực vẫn cứ đeo đẳng theo cùng gia đình.

Chị Thủy do hoàn cảnh chiến tranh bị thương, đau ốm luôn, các cháu thì còn nhỏ, đang tuổi ăn học, chỉ có anh còn chút sức lực, đành đi làm thuê, làm mướn sinh sống qua ngày cũng vì anh chị không có tiền để mua đất sau hơn 7 năm ở Đak Lak, tháng 6/2003 lại khăn gói về quê, tài sản cũng chẳng thêm được gì.

Trở về quê, anh chị lại tiếp tục đối mặt với khó khăn là không có đất ở. Chị Thủy cho biết đã làm đơn xin cấp đất từ năm 2001 nhưng đến nay vì nhiều lý do khác nhau gia đình chị vẫn chưa có đất ở. Cả gia đình gần 2 năm nay phải ở nhờ nhà của người em ở thôn An Mỹ, Gio Mỹ. Khi tôi đến thăm, anh chị vẫn ở ngôi nhà nhỏ này, gia đình có tới 7-8 người nhưng chỉ có 2 chiếc giường…

Rất may, anh chị được chính quyền cấp cho 2 sào ruộng lúa nước, anh đấu thêm ruộng phần trăm 5 sào nữa. Bên cạnh đó anh còn vay mượn qua tổ chức Hội CCB 6 triệu đồng, mượn của bà con 2 triệu để mua 3 con bò chăn nuôi để bù vào thêm với lương hưu trí, trợ cấp thương binh (cả 2 vợ chồng mỗi tháng chỉ được 1,2 triệu đồng).

Cả 2 người đều nói chỉ có một nguyện vọng tha thiết, duy nhất là có đất làm nhà, để có nơi thờ cúng ông bà và nương tựa, nghỉ ngơi khi tuổi đã đứng bóng xế chiều.

Nghe anh chị tâm sự tôi lại nghĩ đến những năm chiến tranh, ngay trên quê hương này cả 2 người đều không tiếc tuổi xuân, xương máu của mình, bám làng, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Vậy mà sau gần 2 năm trở lại quê cũ xin đất làm nhà mà lại phải chờ đợi dai dẳng từng ngày. Nghĩ đến nghịch cảnh ấy sao thấy trong lòng cứ xót xa.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.