Một vụ nhập gỗ: Kiểm lâm bảo sai, Hải quan nói đúng

Một vụ nhập gỗ: Kiểm lâm bảo sai, Hải quan nói đúng
Trạm Kiểm lâm Hồng Hoá, Minh Hoá- Quảng Bình bắt giữ một xe vận chuyển gỗ trái phép số gỗ thuộc loại đặc biệt quý hiếm mà Hải quan cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đã làm thủ tục cho… nhập khẩu.
Một vụ nhập gỗ: Kiểm lâm bảo sai, Hải quan nói đúng ảnh 1
Cán bộ kiểm lâm đang đo số gỗ tang vật

Trạm Kiểm lâm Hồng Hoá bước đầu xác định có 3,090m3 gỗ mun (theo lời của một kiểm lâm viên thì đây là loại mun sọc) 0,3m3 gỗ gõ, 140 bao than củi được che phủ lên trên số gỗ.

Toàn bộ số hàng trên không có bất cứ giấy tờ gì đi kèm ngoài tờ khai, biên lai thu thuế của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cha Lo.

Chiếc xe tang vật bị thu giữ mang biển kiểm soát 74K-1034 với dòng chữ đề trên cửa xe: Công ty thạch cao, xi măng - Bộ Xây dựng do Võ Thanh Hải, 32 tuổi (trú tại Ba Đồn - Quảng Trạch - Quảng Bình) điều khiển.

Ông Võ Thanh Vỵ, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Hồng Hoá cho hay, chiếc xe bị bắt giữ vào lúc 21giờ 30 ngày 28/7/2005. Biển số xe lúc đó đã bị chủ xe lấy bùn đất bôi kín. Lúc chúng tôi có mặt (11 giờ ngày 29/7) lái xe, kiêm chủ xe và chủ số hàng trên vẫn chưa chịu ký vào biên bản.

Mãi đến 3 giờ chiều cùng ngày, nghĩa là sau gần 1 ngày, 1 đêm đấu tranh, Võ Thanh Hải mới chịu ký nhận. Ông Vỵ thông tin thêm: Cách đây 23 ngày (6/7/2005), cũng một vụ vận chuyển gỗ trái phép tương tự như thế này bị bắt giữ. 

Chiếc xe 73L -1220 do Đinh Công Toán (Minh Hoá -Quảng Bình) điều khiển, chở 1,637m3 gỗ mun sọc (nhóm 1, đặc biệt quý hiếm, cấm khai thác và nếu khai thác vận chuyển trong nội địa chỉ 0,5m3  là có thể bị khởi tố) cũng không có hồ sơ lý lịch gỗ kèm theo ngoài tờ khai và biên lai nộp thuế Hải quan (Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo)…

Chúng tôi tới Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo. Những thứ giấy tờ mà Hải quan Cha Lo lập cho lô gỗ nói trên gồm tờ khai hàng hoá nhập khẩu phi mậu dịch, lệ phí Hải quan; biên lai thu thuế, bảng kê chi tiết, tờ khai xe ô tô nhập cảnh qua biên giới đường bộ. Thời gian tiến hành các thủ tục trên đều vào lúc 2 giờ 30 ngày 28/7/2005.

Gỗ bị khai thác lậu núp bóng gỗ nhập từ Lào?

Ông Phạm Văn Ngùng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo khẳng định rằng với lô gỗ nói trên Hải quan Cha Lo xử lý như vậy là hoàn toàn đúng pháp luật.

Khi chúng tôi hỏi, làm sao ông có thể khẳng định số gỗ nói trên có nguồn gốc từ Lào, trong khi chủ gỗ không hề có lý lịch gỗ, hồ sơ gỗ cũng như không hề có thủ tục xuất khẩu của Hải quan Lào?

Ông Ngùng nói: “Chúng tôi tin đó là gỗ từ Lào vì cửa khẩu gần sát đường biên (cách km số 0 gần 1km), xe chạy từ hướng Lào về Việt Nam và “giữa thanh thiên bạch nhật “họ không dám khai man(!?)”.

Lại hỏi: Lúc 2 giờ 30 phút mà ông bảo là ban ngày sao? “Thì nó đã sang ngày mới rồi” - Ông Ngùng trả lời.

Hỏi: Với một số lượng gỗ mun lớn như vậy (theo bản kê chi tiết gồm 79 khúc, khối lượng 3,26m3) tại sao ông lại cho đó là hàng nhập khẩu phi mậu dịch?

Trả lời: Họ khai mua về để dùng, để biếu, để tặng, ai biết được. Hỏi: Ông có lường đến việc người ta khai thác gỗ ở rừng Việt Nam (1km từ cửa khẩu đến đường biên là vùng rừng giàu, theo các thợ sơn tràng thì ở khu vực này rất nhiều mun, đặc biệt là mun sọc) rồi đến mở tờ khai tại Hải quan, với bài hàng phi mậu dịch để vận chuyển gỗ lậu? Ông Ngùng nói: “Tôi cam đoan là không có!”.

Ông Ngùng cũng khẳng định việc Hải quan cho nhập khẩu gỗ nói trên là không có gì sai cả…

Làm việc với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hiển, Cục trưởng cục Hải quan Quảng Bình, dẫn ra Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ để khẳng định rằng mặt hàng gỗ là mặt hàng cho phép nhập khẩu. Nhưng khi phóng viên hỏi gỗ có được coi là hàng phi mậu dịch hay không, thì chính ông cũng còn lúng túng. Ông đã có công văn hỏi Tổng cục Hải quan về vấn đề trên nhưng chưa được trả lời.

Ông Hiển cũng thừa nhận có xác suất, dù nhỏ, việc lợi dụng thủ tục đơn giản của Hải quan để vận chuyển, buôn bán gỗ lậu. Ông Hiển hứa sẽ điều tra làm sáng tỏ vấn đề.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Nhung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình khẳng định: Theo quy định của ngành Kiểm lâm thì khi gỗ lưu thông phải có lý lịch và hồ sơ gỗ rõ ràng. Gỗ nhập khẩu, ngoài việc có dấu búa kiểm lâm của nước bạn, khi nhập khẩu vào Việt Nam, chủ gỗ phải báo ngay cho kiểm lâm Việt Nam làm thủ tục đóng búa tại cửa khẩu (nếu cửa khẩu có bãi đỗ) còn không phải xin phép Cục đến bãi gần nhất.

Ông Nhung cả quyết rằng: Nếu không thực hiện các quy trình tối thiểu trên thì chủ gỗ sẵn sàng tráo gỗ có nguồn gốc nội địa. Với vụ việc cụ thể này, theo ông Nhung, Hải quan Cha Lo không có cơ sở nào cho số gỗ trên nhập khẩu.

Dư luận đang đặt nhiều câu hỏi: Liệu đó có thật là gỗ từ Lào? Việc cho mở tờ khai nhập khẩu số gỗ không rõ nguồn gốc trên có tạo kẽ hở cho việc vận chuyển, buôn bán gỗ quý hiếm trái phép? Trách nhiệm canh gác “phên dậu” Tổ quốc của các cán bộ Hải quan Cha Lo đến đâu? Dư luận chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng. 

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.