Mũ bảo hiểm : Quy trình xử phạt phức tạp... để nhớ lâu

Mũ bảo hiểm : Quy trình xử phạt phức tạp... để nhớ lâu
TP - Chỉ còn một tuần nữa là đến thời điểm toàn dân bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi ngồi trên mô tô xe máy tham gia giao thông trên các tuyến đường. Hàng chục nghìn cảnh sát sẽ đồng loạt ra quân tuần tra và xử lý nghiêm việc đội MBH.
Mũ bảo hiểm : Quy trình xử phạt phức tạp... để nhớ lâu ảnh 1
Thượng tá Trần Sơn.

Xung quanh vấn đề này, Tiền phong đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng hướng dẫn Luật và Điều tra tai nạn giao thông - Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an).

Với quy định CSGT chỉ được xử phạt tại chỗ không quá 100 nghìn đồng, nhưng theo Nghị định 146 thì hành vi không đội MBH lại bị phạt 150 nghìn đồng. Việc này sẽ buộc người vi phạm phải trải qua một quy trình rất lòng vòng, phức tạp thậm chí gây tắc đường, khó khăn cho cả người dân lẫn lực lượng xử phạt,   thưa ông?

Đây là mức đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Qua thăm dò ý kiến các địa phương cho thấy, đều đồng thuận mức phạt này. Mức phạt này tuy cao, nhưng nó sẽ đủ sức răn đe và giáo dục đối với người vi phạm.

Có nghĩa mức phạt tương đương với số tiền nếu đầu tư cho việc mua mũ thì bảo vệ được chính bản thân cũng như tránh bị phạt. Còn quy trình xử phạt đưa về đội, trạm để chỉ huy ký quyết định mức xử phạt, rồi đến kho bạc Nhà nước nộp phạt xong mới quay lại để nhận giấy tờ xe, buộc người vi phạm phải đi lại nhiều lần là hình thức cho họ nhớ để không vi phạm nữa. Nếu ngại phiền hà, cách tốt nhất là chấp hành mà thôi.

Còn việc lập biên bản không thể gây ách tắc giao thông được, quan trọng là việc bố trí lực lượng trực và giải quyết cho hợp lý và nhanh chóng cho người dân.

Tuy nhiên, với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, theo tôi các kho bạc Nhà nước nên cử cán bộ đến điểm xử lý vi phạm của phòng, đội CSGT như việc bán bảo hiểm xe môtô, ôtô ở các điểm đăng ký xe thì sẽ thuận lợi cho người dân hơn.

Thực hiện việc bắt buộc phải đội MBH trên tất cả các tuyến đường từ ngày 15/12 tới, dự báo các trường hợp vi phạm sẽ tăng vọt. Vậy, lực lượng CSGT đã được triển khai như thế nào?

Đợt ra quân lần này, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã được quán triệt với tinh thần xử lý nghiêm, kết hợp với việc tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành đội MBH.

Cụ thể, bắt đầu từ 15/12 sẽ có hàng chục nghìn cảnh sát bao gồm: CSGT, lực lượng tăng cường như: Cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm, thanh tra giao thông, các lực lượng tổ tự quản, thanh niên xung kích… sẽ đồng loạt ra quân.

Riêng Cục CSGT đường bộ, đường sắt chúng tôi có 6 đội với hơn 200 cán bộ sẽ được tăng cường cho các địa phương, trong đó sẽ tập trung tăng cường cho các địa phương trọng điểm như: Hà Nội, TPHCM…

Như vậy, từ ngày 15/12, ngoài lực lượng CSGT sẽ có các lực lượng khác tham gia, vậy thẩm quyền xử phạt người vi phạm của các lực lượng này như thế nào, thưa ông?

Quy định của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định 146 đã quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các lực lượng, đơn vị như CSGT, Thanh tra giao thông...

Tuy nhiên các lực lượng tham gia này có chức năng hỗ trợ theo thẩm quyền, là lực lượng phối hợp CSGT, còn CSGT vẫn là lực lượng chính. Việc này giám đốc công an các địa phương tuỳ tình hình sẽ hướng dẫn cụ thể sự phối hợp của từng lực lượng.

Nói nôm na là, trên một tuyến đường, một trạm chốt nào đấy các lực lượng như: Thanh tra giao thông, CSTT, thanh niên xung kích..., sẽ phối hợp với CSGT để cùng tuần tra và xử lý các trường hợp vi phạm không đội MBH.

Không có ngoại lệ

Thưa ông, quy định không giữ phương tiện đối với người vi phạm không đội MBH khi điều khiển mô tô xe máy, vậy những trường hợp vi phạm nhiều lần thì được xử lý thế nào?

Theo quy định việc xử phạt sẽ được xử lý theo tình tiết tăng nặng. Chẳng hạn, trường hợp tái phạm sẽ bị lập biên bản tiếp và xử phạt ở mức cao nhất là 200.000 đồng.

Tuy nhiên, thường đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai trong khi chưa thực hiện xử phạt lần đầu (bị giữ giấy tờ xe, bằng lái) thì người đó sẽ bị phạt thêm “tội” điều khiển phương tiện không có giấy tờ. Với lỗi này, người vi phạm có thể bị tạm giữ xe.

Người dân thắc mắc và chưa hiểu rõ về những đối tượng như, sư sãi, cô dâu, chú rể và người dân tộc thiểu số không đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy có bị phạt không?

Về vấn đề này, Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, trong đó nêu rõ: Tất cả các trường hợp nói trên khi tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe gắn máy trên các tuyến đường đều bắt buộc đội MBH, nếu không thực hiện là vi phạm, bị xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy vậy, Bộ cũng yêu cầu Công an các tỉnh, thành phố thời gian đầu cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân chấp hành. Tôi nghĩ việc đội MBH là bảo vệ chính bản thân mình thì không lý do gì lại không thực hiện.

Nhiều ý kiến lo ngại, quy định bắt buộc đội MBH sẽ được thực hiện không triệt để, khi các lực lượng chức năng “rút đi” thì việc vi phạm lại tái diễn?

Theo tôi việc kiểm tra, xử lý của CSGT chỉ là phần ngọn, vấn đề quan trọng là mọi người nhận thức được tác dụng của việc đội MBH. Hơn nữa, qua 2 tháng chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc xử lý vi phạm đối với người điều khiển mô tô, xe máy trên các tuyến đường quốc lộ không đội MBH cho thấy nếu lực lượng CSGT làm nghiêm quyết liệt ngay từ đầu, kết hợp với tuyên truyền thì người dân sẽ hiểu và chấp hành nghiêm.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Tú (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.