Mũ bảo hiểm trước giờ G

Mũ bảo hiểm trước giờ G
Chỉ còn chưa đầy hai ngày là đến giờ G - thời điểm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) có hiệu lực, câu chuyện về giá cả, chất lượng mũ và việc người dân chấp hành các quy định ra sao đang là vấn đề cần được bàn luận.

>> Bị chấn thương do MBH, được đền 100 triệu đồng

Mũ bảo hiểm trước giờ G ảnh 1
Việc sản xuất và buôn bán mũ bảo hiểm cần được kiểm soát chặt về chất lượng . Ảnh : TP 

Người mua tăng, giá mũ vẫn giảm

Chị Vương Thị Nga, 40 tuổi, ở số 8, tổ 13 Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết mấy hôm nay người đến mua mũ ở cửa hàng của chị có tăng hơn nhưng không nhiều và giá mũ có phần chững lại. Chị Nga nói đỉnh tăng cao nhất vẫn là dịp 15/9 - thời điểm quy định cán bộ, công chức phải đội MBH.

Bản thân chị, vốn chuyên bán quần áo, từ khi quy định bắt buộc đội MBH đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy chuẩn bị có hiệu lực, chị đã nhanh tay nhập thêm mặt hàng này về bán.

Chị Nga cho biết: Giá các loại MBH nói chung đều giảm . MBH người lớn hiệu Andes, HSL... hiện chỉ còn dao động từ 150.000 đến 160.000 đồng/chiếc, trẻ em còn 100.000 đồng/chiếc, MBH hiệu Honda giá 120.000 đồng/chiếc, hiệu Protec giá 225.000 đồng/chiếc, Amoro giá 200.000 đồng/chiếc.

Không chỉ ở cửa hàng chị Nga, các cửa hàng bán MBH khác trên các phố cũng đồng loạt giảm giá, nhìn chung vì “cung” vẫn mạnh hơn “cầu”. Cách đây gần 2 tháng, các loại MBH hiệu Helmet, Andes hay Osaka… đều bán với giá trên 200.000 đồng, thậm chí gần 300.000 đồng/chiếc.

Nhưng các loại mũ này trên thị trường trong những ngày gần đây chỉ có giá dao động từ 130.000-180.000 đồng/chiếc. Nhiều cửa hàng sẵn sàng bán "ưu đãi" từ 110.000-120.000 đồng/chiếc. MBH nhập khẩu từ Thái Lan cũng chỉ còn bán với giá từ 150.000 - 180.000 đồng/chiếc...

Trái lại, tại các cửa hàng MBH chính hãng Protec, Amoro, Osakas… vẫn đông ngìn nghịt người đến mua. Theo chị Nga, mua tại các đại lý chính hãng yên tâm hơn vì giá cả không bị “đẩy” lên cao như ở vỉa hè và không mua phải mũ giả.

Cần mũ có chất lượng

MBH đang được bày bán ở khắp nơi, từ các cửa hàng chính hãng chuyên bán MBH, đến cửa hàng thể thao, chăn đệm, tạp hóa, thậm chí trên các lề đường. Nhiều người bán, dù tư vấn rôm rả cho người mua, nhưng có khi cũng chẳng hiểu mấy về chất lượng các loại mũ.

Vì vậy, Hiện MBH dởm, mũ kém chất lượng vẫn xuất hiện tràn lan trên các tuyến đường, vỉa hè, chợ… với giá khá rẻ: 30.000 - 80.000 đồng/chiếc. Cũng có chiếc giá cao gấp hai, ba lần, nhưng chất lượng cũng không ai dám bảo đảm là tốt.

Khi mua, ai cũng chỉ mong chọn được những loại có dán tem chất lượng… và có chất lượng thật, nhưng chẳng may mua phải mũ dởm, thì đành chịu chứ biết làm sao… Chị Vũ Minh Châu, nhà số 62 phố Phương Liệt, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội nói vậy.

Chị Châu cũng đã nghe thông tin trên báo chí rằng qua thanh - kiểm tra, 80% số MBH của các cơ sở sản xuất đều đạt chất lượng nhưng cũng chưa tin lắm. Chị bảo trên thực tế, mặt hàng MBH trôi nổi trên thị trường, mập mờ nguồn gốc, không ghi rõ cơ sở sản xuất, không có tem CS chứng nhận chất lượng, chắc hẳn đều là hàng nhập lậu, hoặc của các cơ sở sản xuất “chui”.

Chị Châu cho rằng người tiêu dùng phải tự tìm, chọn mua loại MBH có chất lượng tốt để bảo đảm an toàn, còn chờ người hướng dẫn hoặc thanh tra, kiểm tra giúp mình quả là khó…

Vẫn chờ, giờ G mới đội

Vừa bước ra khỏi một cửa hàng nhỏ trên phố Huế, tay cầm chiếc MBH trẻ con màu xanh da trời, chị Thu Hường nói với người bạn đi bên: Tôi mua cho cháu đi học mẫu giáo. Mua để đối phó thôi chứ đội làm gì cho khổ trẻ.

Không hiếm người suy nghĩ như chị Hường: Mua MBH chỉ vì sợ bị phạt, chứ không phải sợ chết, sợ chấn thương. Chị Hường tâm sự: Trước nay mình vẫn quen đội mũ vải khi đi đường nên giờ phải đổi sang đội MBH cảm thấy không quen lắm. Nhưng đã có quy định bắt buộc thì mình phải thực hiện thôi. Đợi đến ngày 15/12, mình đội cũng chưa muộn.

Nhưng đối với anh Nguyễn Hữu Lực, nhà số 16, ngõ 183/37 phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội, thì lại rất vui về việc đội MBH. Anh Lực nói: Tôi thấy rất thoải mái khi đội MBH khi đi đường vì MBH giúp tránh bụi và bảo đảm an toàn cho bản thân. Từ lâu cả gia đình đều đã đội MBH khi đi đường rồi.

Rõ ràng là nhận thức mỗi người một khác nhưng có một thực tế là không ít người dân vẫn còn tâm lý đối phó với quy định bắt buộc đội MBH, chưa ý thức việc đội MBH là bảo vệ tính mạng cho bản thân. Lại cũng không ít người kinh doanh hám lợi, tranh thủ "đục nước béo cò”.

Sắp đến giờ G, nhưng trên nhiều tuyến đường của Hà Nội, người đội MBH chiếm số lượng rất ít. Tại một số cơ quan, cán bộ công nhân viên đã chấp hành tốt việc đội MBH, nhưng phần lớn người dân vẫn có tâm lý chờ đến giờ G mới đội.

Được biết, theo kế hoạch, lực lượng CSGT đang tập trung để tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm giao thông, trong đó tập trung xử lý mạnh người không đội MBH trên các tuyến đường. Ngoài việc dừng xe xử lý vi phạm về MBH, CSGT sẽ kiểm tra các lỗi khác như: Nồng độ cồn vượt quá quy định, nếu xe không có gương, còi, đèn… cũng bị xử phạt. Người vi phạm sẽ bị tạm giữ giấy phép lái xe hoặc giấy đăng kí xe, lập biên bản vi phạm.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG