Mù mờ máy đo, khử độc thực phẩm

Một sản phẩm máy đo thực phẩm an toàn bán trên thị trường.
Một sản phẩm máy đo thực phẩm an toàn bán trên thị trường.
TP - Đang nuôi con nhỏ, chị Đặng Thị Thanh Nhàn, ở phố Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội luôn lo lắng làm sao có thực phẩm ngon, sạch cho con.

Nghe mọi người mách trên thị trường có bán máy đo thực phẩm an toàn, giúp phát hiện thực phẩm không đảm bảo, chị Hà sắm một chiếc về dùng. Sản phẩm chị Nhàn mua có xuất xứ từ Nga, giá 4,5 triệu đồng.

Máy có thiết kế nhỏ gọn, mỗi lần ra chợ chị Nhàn mang theo để kiểm tra rau, quả, thịt. Nếu máy cảnh báo sản phẩm không an toàn, chị sẽ không mua. Tuy nhiên, theo chị Nhàn, vì máy chỉ mới phát hiện được một chỉ tiêu Nitrat nên không nhiều sản phẩm có chỉ tiêu này. “Chưa kể, có khi cùng một quả cà chua nhưng khi chọc máy vào đo lại cho hai kết quả khác nhau nên bản thân cũng hoang mang không biết tin tưởng vào kết quả nào”, chị Nhàn nói.

Nhiều người dân đã bỏ ra số tiền lớn để mua các dụng cụ thử độc và khử độc rau củ quả và thịt cá sử dụng nhiều năm liền. Tuy nhiên, về chất lượng thực sự của những chiếc máy này thì hầu như chưa ai nắm được và liệu có hiệu quả như lời quảng cáo không thì cũng không ai đảm bảo.

Dạo một vòng trên các trang mạng với tràn ngập các loại máy thử độc thực phẩm với giá từ 4 triệu đến gần cả chục triệu đồng mỗi chiếc như máy đo nitrat NUC 019-01 được bán với giá 4,5  triệu đồng, còn máy SOESK giá lên hơn 7 triệu đồng một chiếc.

Theo như giới thiệu thì những chiếc máy này được lập trình sẵn các chế độ và có khả năng đo nồng độ nitrat trong hơn 60 loại thực phẩm khác nhau, chỉ cần châm đầu kim loại của máy vào thực phẩm trong vòng 20 giây là biết ngay có đảm bảo an toàn hay không. “Trong máy đã được cài đặt thông số ở ngưỡng cho phép của từng loại rau củ quả. Chỉ cần mình bật màn hình lên chọn loại rau quả cần đo như ổi, cà chua hay bắp cải trong máy rồi cắm đầu kim loại vào là xong, máy sẽ báo kết quả trong 20 giây, máy sẽ báo cho mình biết thực phẩm đó có đảm bảo không hay chất độc vượt quá ngưỡng cho phép...”, một nhân viên tư vấn hàng online cho biết.

Chị Nguyễn Thị Thương (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, chị đã mua một chiếc máy đo độ an toàn của thực phẩm sử dụng được hơn 2 tháng nay, chị thường đo khi đã mua thực phẩm về nhà rồi chứ không dám đo trước mặt người bán vì ngại. “Lâu lâu cũng có lần máy báo loại rau mình mua không an toàn do vượt ngưỡng cho phép được cài trong máy. Nói chung là dùng cái này cũng thấy yên tâm hơn một chút còn thực tế không biết có chính xác không”, chị Thương nói.

Bên cạnh các loại máy đo độ an toàn thì máy khử độc thực phẩm cũng được nhiều người nội trợ sử dụng như máy ozone. Được giới thiệu là có khả năng khử trùng trái cây, thịt cá, lọc nước... người  sử dụng chỉ cần cho đầu hơi của máy ozone vào chậu nước rửa rau hay thịt, bật máy chạy 15 phút sau là các chất độc trong thực phẩm đều được đẩy ra ngoài hết. Mỗi chiếc máy ozone này cũng có giá khoảng 3-10 triệu đồng và những nhà nội trợ lo lắng cho sức khỏe gia đình cũng không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn để mua về sử dụng.

Tuy nhiên, máy ozone có tác dụng thực sự như thế nào thì người dân cũng không nắm được mà chỉ nghe qua lời giới thiệu của những người bán hàng.

Đã gần 2 năm sử dụng máy ozone để khử độc các loại thịt, rau quả mua từ chợ về trước khi sử dụng, bà Đoàn Thị Lan (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng không rõ những chất gì máy này có thể khử được và tác dụng như thế nào. “Nghe người ta giới thiệu tốt thì mình mua về dùng. Thấy bỏ miếng thịt vào sục một lúc cũng có bọt, gặn nổi lên nhưng không biết đó là thứ gì. Dùng nó thì thấy yên tâm hơn một chút khi nấu nướng cho cả gia đình ăn”, bà Lan nói.

MỚI - NÓNG