Mua - bán rau sạch chưa gặp nhau

Nông dân làm ra rau sạch nhưng không tiếp cận được người mua.
Nông dân làm ra rau sạch nhưng không tiếp cận được người mua.
TP - Người mua và người trồng rau sạch không thể tìm được nhau là tình trạng diễn ra tại Đà Nẵng từ nhiều năm nay.

Đà Nẵng hiện có 3 vùng chuyên canh rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, diện tích lên đến hàng chục hecta với các loại rau, củ, quả phong phú. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn rau củ sạch này bởi không biết bán ở đâu, và không thể nào phân biệt được với rau thường. Trong khi đó, nhiều năm qua các HTX phải loay hoay tìm đầu ra cho rau sạch.

Dân tìm mỏi mắt

Khảo sát các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hầu hết các tiểu thương đều không chỉ ra được đâu là quầy bán rau sạch. Các loại rau củ ở chợ nhập từ nhiều nguồn, từ trong ngoài tỉnh, có nơi còn không rõ nguồn gốc, cứ có người chào hàng, giá tốt là tiểu thương mua về bán lại.  Chị Nguyễn Thị Lê, tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương (quận Hải Châu), cho biết: “Tui lấy hàng của nông dân Điện Bàn (Quảng Nam), mỗi người một ít về bán lẻ lại, buôn bán cả chục năm trời nay đâu có biết mặt mũi rau sạch là như thế nào”.

“ Cứ thấy trang Facebook nào rao bán rau sạch là tui theo dõi rồi đặt mua liên tục. Tui  mua bằng niềm tin, nghe họ quảng cáo rau sạch thì tin là rau sạch, đã bao giờ nhìn thấy rau sạch được kiểm chứng đâu mà phân biệt được với rau thường”.

(Một người nội trợ Đà Nẵng)

Trong khi đó, tại chợ Đống Đa có ba quầy hàng treo bảng bán rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap nhưng cả ba đã ngừng bán gần một năm nay với lý do không có nguồn cung.

Trước đây, chợ đầu mối Hòa Cường có 5 ki ốt cho tiểu thương đăng ký bán rau an toàn, tuy nhiên chỉ duy trì được một thời gian ngắn với lý do rau sản xuất không liên tục nên nguồn cung không thường xuyên. Trước tình hình thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, nhiều hộ gia đình phải lùng sục rau sạch trên mạng, dù giá đắt và mua theo kiểu may rủi. Chị Trần Tuyết Nhung (31 tuổi, quận Sơn Trà) nửa thật nửa đùa: “ Cứ thấy trang Facebook nào rao bán rau sạch là tui theo dõi rồi đặt mua liên tục. Tui  mua bằng niềm tin, nghe họ quảng cáo rau sạch thì tin là rau sạch, đã bao giờ nhìn thấy rau sạch được kiểm chứng đâu mà phân biệt được với rau thường”.

Hợp tác xã bí đầu ra

Cuối chiều, nông dân sản xuất rau sạch tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) tất bật thu rau quả đem ra chợ bán. Anh Mạc Như Dũng (thôn Thạch Nham Tây) chia sẻ: “Chỉ có vào tận đây người ta mới biết đây là rau củ sạch, chứ ra chợ chẳng ai phân biệt được. Mặc dù hết sức giải thích là rau hữu cơ, không phun thuốc trừ sâu, chất kích thích nên bề ngoài không đẹp nhưng người mua chẳng chịu tin, ai cũng thắc mắc sao không có nhãn hiệu rồi mặc cả giá rẻ bèo. Nhiều khi nản quá không muốn tiếp tục nữa”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết tiếp lời: “Để phòng trừ sâu bệnh, chúng tôi phải lấy giấy báo bọc từng quả bí, quả mướp, dùng ná cao su bắn ong vàng… chăm chút sao cho rau trái vừa sạch vừa đẹp mắt. Vậy mà có mùa bán cả kí đậu, dưa, mướp không bằng ly nước mía. Tụi tui lạy trời cho thương lái tới mua, rẻ mấy cũng được, miễn sao đừng trồng lên rồi để cho bò ăn. Vào mùa thu hoạch, một số hộ phải nhờ sinh viên, thanh niên lên chụp hình, chào hàng trên mạng, chở xuống phố bán giúp để “giải cứu” rau củ”.

Theo số liệu từ hợp tác xã rau sạch Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), hiện tại có 38 hộ tham gia sản xuất rau sạch trên diện tích 8 ha. Các năm trước, nông dân tự đem bán  tại các chợ nhỏ trên địa bàn, số lượng tiêu thụ thất thường và giá cả thấp. “Năm nay, HTX đã kết nối rau sạch với một số công ty, trường học, mỗi ngày thu mua từ 250 – 300kg rau của HTX, giải quyết được một phần đầu ra cho nông dân. Hiện tại, HTX đang tích cực tìm kiếm những đầu mối có nhu cầu tiêu thụ số lượng rau lớn, ổn định để kết nối với nông dân. Vận động nông dân tham gia thì phải tính toán được đầu ra cho họ, nếu không sẽ rất khó duy trì các vùng rau sạch”, ông Bùi Dũng, Chủ nhiệm HTX cho hay.

Tại cuộc họp về an toàn thực phẩm sáng 8/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đặt vấn đề: “Tiếng là Đà Nẵng  có vùng rau an toàn, nhưng bà con ra chợ có bao giờ gặp được rau sạch này đâu, thậm chí gặp cũng không biết cách phân biệt rau VietGap và rau thường. Tránh thực phẩm bẩn sao được khi bà con không có cơ hội tiếp xúc được với rau sạch?”. Ông yêu cầu Sở Công Thương, Sở NN&PTNT cùng các đơn vị chức năng khác  xây dựng ki ốt bán rau an toàn tại các chợ, hoặc mỗi địa phương có một cơ sở cố định, được chính quyền cam kết rau sạch đã được kiểm nghiệm để người dân dễ dàng tiếp cận và an tâm sử dụng rau sạch. Ngoài ra, cần tìm cơ chế tiêu thụ, hỗ trợ, khuyến khích để nông dân có động lực tiếp tục sản xuất rau sạch.

MỚI - NÓNG