Mưa bão, thiên tai làm ngành Công thương thiệt hại gần 600 tỷ đồng

Bão số 12 (năm 2017) gây thiệt hại nhiều cho các địa phương. Ảnh Nguyễn Thành
Bão số 12 (năm 2017) gây thiệt hại nhiều cho các địa phương. Ảnh Nguyễn Thành
TPO - Ngày 7/6 tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị "Quản lý, vận hành đập thủy điện và phòng chống thiên tai ngành Công thương" với sự tham gia của đại diện lãnh đạo bộ ngành, văn phòng thường trực phòng chống thiên tai, sở Công thương các tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công thương quản lý và các chủ đập thủy điện trên phạm vi toàn quốc.

Theo báo cáo của BCH Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Bộ Công thương, năm 2017 đã có 16 cơn bão và nhiều cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Lũ lịch sử đã được ghi nhận tại một số sông tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Lần đầu tiên, Hồ Hòa Bình phải xả lũ khẩn cấp 8 cửa xả đáy, nhiều đợt lũ khốc liệt gây thiệt hại nặng nề đối với tài sản và tính mạng của nhân dân, trong đó ngành Công thương chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 cơn bão (số 2, 4, 10, 12) và 3 đợt mưa lũ lớn, trong đó 1 đợt tại khu vực Tây Bắc Bộ và 2 đợt tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên gây thiệt hại lớn, tập trung chủ yếu vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành điện, xăng dầu. Tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 596,8 tỷ đồng, trong đó: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): 488 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam: 8,8 tỷ đồng.

Mưa bão, thiên tai làm ngành Công thương thiệt hại gần 600 tỷ đồng ảnh 1

Quang cảnh hội nghị. Ảnh N.T

Theo thống kê đến tháng 5/2018, cả nước có 385 nhà máy thủy điện đang vận hành, các hồ đập thủy điện có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 nước, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước. Về sản xuất điện, hàng năm các công trình thủy điện phát lên hệ thống điện khoảng 40% tổng sản lượng điện, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020, tổng công suất các nguồn thủy điện sẽ đạt khoảng 21.600MW; khoảng 24.600MW vào năm 2025 và 27.800MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng tương ứng là 29,5-20,5% và 15,5%. Bộ Công thương cho biết: hiện tại và tương lai gần, thủy điện vẫn là 1 trong 3 nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia.

Tại hội nghị, nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn, trong năm 2018, công tác vận hành đảm bảo an toàn các công trình công nghiệp, ông Hoàng Quốc Vượng (Thứ trưởng Bộ Công thương) đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành Công thương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau như: tất cả các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 03 Bộ về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018; rà soát cập nhật phương án phòng chống thiên tai phù hợp với đặc điểm sản xuất của đơn vị; kiểm tra rà soát toàn bộ các hạng mục công trình để có biện pháp phòng chống với bão, lũ hiệu quả phù hợp với đặc thù của đơn vị để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra…

Mưa bão, thiên tai làm ngành Công thương thiệt hại gần 600 tỷ đồng ảnh 2 Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng (trái) trao đổi với đại biểu tham dự hội nghị. 

Riêng đối với các công trình thuỷ điện, ông Vượng yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn đập; vận hành hồ chứa tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ; rà soát quy trình vận hành hồ chứa để cập nhật, bổ sung phù hợp với thực tế công trình, đặc điểm hạ du, cập nhật khí tượng thủy văn…

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng yêu cầu các sở Công thương phải xác định cụ thể các khu vực thuộc địa bàn quản lý có nguy cơ ngập lụt, chia cắt để xây dựng kế hoạch, phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ các hàng hóa thiết yếu cho nhân dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để hiện tượng lợi dụng thiên tai xảy ra nâng giá, găm hàng và đưa hàng kém chất lượng phục vụ nhân dân; chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các chủ hồ thủy điện, các cơ sở công nghiệp tổ chưc thực hiện các quy định về phòng chống thiên tai và quản lý an toàn đập thủy điện.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.