Mùa cá linh non

Mùa cá linh non
TP - Hàng năm, khi con nước ngầu đục, đỏ nặng phù sa từ thượng nguồn xa xôi theo dòng Mekông cuồn cuộn đổ về, dân vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long lại vào mùa cá linh non, khai thác một đặc sản thiên nhiên ban tặng.
Mùa cá linh non ảnh 1

Hiện nước lũ đang lên nhanh, lũ về, đặc sản cá linh lại chiếm lĩnh hầu hết các cửa hàng ăn uống trong khu vực.

Ở Đồng Tháp, tại các chợ ven sông Tiền như chợ Tân Việt Hòa thuộc phường 6, thành phố Cao Lãnh, từ 2 đến 3 giờ sáng cá linh đã được bày bán để cung cấp cho các chợ trong nội ô thành phố và các chợ huyện lân cận.

Chị Nguyễn Thị Hoa, một  “đầu mối cung ứng” tại chợ này cho biết: “Khoảng hai tuần nay, ghe đục chở cá đem vào tới chợ tôi thu gom hết, giá đầu mùa 50.000/kg, ra tới chợ Cao Lãnh mỗi ký lô tôi lời 2.000 - 3.000 đồng”.

Sau khi làm ruột, cá linh non bán lẻ hôm đầu mùa giá lên tới 60.000đồng/kg, rất đắt khách. Thời điểm này, do lượng cá về nhiều nên tùy theo cá mới hay cũ, giá chỉ còn 35.000 - 40.000đồng/kg.

Từ chợ trung tâm thành phố Cao Lãnh, đặc sản cá linh tiếp tục được các thương lái chuyển đến khắp các chợ nhỏ lẻ, vào quán ăn cao cấp lẫn bình dân.

Chân ruộng nhiều nơi còn cây lúa vụ hè thu hoặc lúa vụ ba (vụ thu đông) nên nước chưa tràn đồng, do đó cá linh non chủ yếu được đánh bắt từ sông Tiền qua các miệng đáy giăng ngang dòng nước.

Đến khi lúa thu hoạch xong, bắt đầu xả lũ thì hầu như trên tất cả mọi cánh đồng, đâu đâu cũng thấy hệ thống dớn làm bằng lưới cước nilon giăng dày đặc trên mặt ruộng sẵn sàng chờ đón cá linh tới.

Mùa cá linh non ảnh 2
Anh Lê Văn Tùng vớt cá linh trong thuyền để đưa lên chợ

Anh Lê Văn Tùng, chủ của hai miệng đáy ngoài sông Tiền, khu vực gần bến phà Cao Lãnh, cho biết thêm, năm nay lượng cá linh không nhiều như những năm trước. Anh Tùng nói: “Năm rồi, mỗi ngày tôi được ít nhất cũng 4 - 5 giạ, năm nay ít hơn, cả ngày đêm chỉ được hai giạ mà thôi. Nhưng cá đầu mùa bán được giá lắm”.

Liên khúc cá linh

Chị Hai Châu, chủ một quán ăn bình dân ở phường 1, thành phố Cao Lãnh: “Hai tuần nay, nhờ có cá linh về mà quán tôi thêm đông khách”.

Nhìn trong thực đơn của quán, chúng tôi thấy có thêm một trang giấy với nhiều món ăn được chế biến từ duy nhất nguyên liệu cá linh. Nào là cá linh nhúng dấm, cá linh kho mắm ăn với rau đồng, cá linh kho lạt chấm với xoài bằm, cá linh lăn bột chiên giòn chấm mắm me.

Cũng tại thành phố Cao Lãnh, anh Sơn, chủ quán nhậu bình dân Sơn Râu ở  phường 4, người rất có duyên với đặc sản mùa lũ tâm sự: “Do cá linh lên ngôi nên chuột đồng đành phải rớt giá".

Theo anh Sơn, ngoài các món chế biến truyền thống như kho lạt, nhúng dấm hay nhúng lẩu mắm cá linh non đầu mùa mỗi con lớn chỉ bằng đầu đũa nên “kho tương hay chiên sốt hột gà thì không thể chê vào đâu được”.

Như nhớ ra điều gì, anh Sơn quay sang tôi: “Chờ chút nghe, tôi chạy ra chợ kiếm mớ bông điên điển, hàng độc này có mấy bữa nay rồi, đầu mùa giá hơi cao một tí, khoảng 50.000đ/kg, nhưng ăn với cá linh mới số dách”.

Anh kể khiến tôi không khỏi thèm thuồng. “Cá linh kho lạt hay chiên giòn mà ăn cặp với bông điên điển thì khó ai có thể chê được”.

Mùa lũ, các quán cơm, quán nhậu bình dân, nhà hàng sang trọng, nơi đâu cũng đông khách gọi món ăn dân dã đầy màu sắc sông nước này, trong khi giá cả lại mềm. “Chỉ với 70.000 đồng thôi thì bốn người có thể thoải mái, no căng rốn luôn”, như lời chị Hai nói.

Xôn xao các mâm cơm như nước lũ xôn xao ngoài ruộng, ngoài kinh. Cá linh xưa nay khá nổi tiếng với món canh chua nấu bông điên điển và bông súng đồng, hay chiên giòn chấm nước mắm tỏi cũng được.

Sang tháng Bảy âm lịch, cá linh lớn gấp đôi, cỡ bằng ngón tay út. Tới khi lũ rút, chuẩn bị xuống giống vụ lúa đông xuân, cá linh mới hết mùa, chấm dứt liên khúc đặc sản vùng lũ lụt.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.