Mưa đá bất ngờ ở Hà Nội

Mưa đá bất ngờ ở Hà Nội
TPO – Khoảng 18h10 chiều nay, 20/11, một cơn mưa đá đã bất ngờ đổ xuống Hà Nội. Mưa to mang theo những viên đá bằng ngón chân cái làm vỡ mái lợp nhựa một số ngôi nhà của người dân thủ đô.
Mưa đá bất ngờ ở Hà Nội ảnh 1
Những viên đá to bằng ngón chân cái rơi trắng xóa đường phố Hà Nội. Ảnh : TTXVN

Anh Nguyễn Minh Hà, một công nhân hàn, cho biết khi cơn mưa diễn ra, suốt dọc đường từ Hà Đông về đến Lò Đúc rất nhiều người đã phải dừng xe tìm chỗ trú do không chịu được sức giật của gió cũng như những hạt mưa đá quất vào người.

Theo ghi nhận của Tiền phong, trận mưa đá diễn ra trên diện rộng ở Hà Nội nhưng tại một số điểm chỉ có mưa rào chứ không có mưa đá rơi.

Mưa đá bất ngờ ở Hà Nội ảnh 2
Mưa đá rơi trắng xóa đường phố Hà Nội. Ảnh : Nguyễn Bình

Cơn mưa đá cuối chiều nay bất ngờ ập xuống đường phố Hà Nội làm nhiều người đi đường phải tìm nơi trú ẩn. Những viên đá to bằng ngón chân cái rơi lộp cộp trên đường phố, làm nhiều người bất ngờ.

Ở một số nơi, mưa đá đã làm thủng mái lợp nhựa nhà dân. Nhiều nơi đã bị mất điện thoảng qua. Bất ngờ với cơn mưa đá hiếm thấy này, nhiều người dân còn mang máy ảnh ra chụp. Trong khi đó, một số trẻ em thích thú nhặt đá ngoài vỉa hè để xem.

Mưa đá cũng làm nhiều công chức mắc kẹt ở công sở, chưa thể về nhà, dù đã hết giờ làm việc.

Mưa đá rơi mạnh nhất tại các điểm như Vọng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trí Thanh, Lò Đúc, Nguyễn Trãi, Ngã Tư Sở, Mai Động, Cầu Giấy... Mưa lớn kéo dài cũng gây ngập úng tại nhiều điểm ở Hà Nội.

Trao đổi với Tiền phong, bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết do trận mưa vẫn tiếp diễn nên chưa thể cập nhật đầy đủ về trận mưa đá đang diễn ra tại Hà Nội.

Tuy nhiên theo ghi nhận của Trung tâm thì đây là một trận mưa đá trên diện rộng. Trận mưa với mật độ đá không dày, kích thước đá không lớn, viên to nhất là hơn 2 cm.

“Với lượng mưa lớn và kích thước hạt mưa đá như vậy chắc chắn sẽ gây ra những thiệt hại đối với hoa màu, lúa non và thậm chí có thể gây bể, gỡ cửa kính. Ở Việt Nam chưa có trường hợp nào bị thiệt mạng do mưa đá nhưng bị thương vì mưa đá thì đã được ghi nhận. Người dân tốt nhất không nên ra đường trong khi cơn mưa đang diễn ra cũng như không nên ra đường 30 phút sau khi trận mưa tạm ngưng để đề phòng những tai nạn bất thường có thể xảy ra”- Bà Lan Châu cho biết.

Cũng theo giải thích của bà Lan Châu, hiện tượng mưa đá và mưa rào xảy ra ở Hà Nội do rãnh gió Tây và mây chứa hội tụ lạnh từ phía Đông Bắc tràn xuống gặp không khí lạnh ở tầng thấp gây ra.

Mưa đá bất ngờ ở Hà Nội ảnh 3
Trận mưa lớn trái mùa trên diện rộng tại Hà Nội từ 18 giờ 10 phút đến 18 giờ 45 phút , trong đó mưa đá kéo dài khoảng nửa giờ, đã gây ngập lụt và đổ cây, làm tắc nghẽn giao thông nhiều tuyến phố trong nội thành. Trong ảnh: Ngập lụt trên phố Minh Khai ( Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN.

“Bình thường mưa đá chỉ xuất hiện ở miền Bắc khi thời tiết chuyển mùa từ mùa Xuân sang mùa Hè hoặc từ mùa Thu sang mùa Đông nên trận mưa này có thể nói là không có gì bất thường về mặt thời tiết. Trước trận mưa này, ngày hôm qua, 19/11, những trận mưa đá kéo dài gần 45 phút cũng đã xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Bắc Kạn, Lai Châu....”- Bà Lan Châu cho biết.

Một quan chức khác của Trung tâm dự báo KTTV T.Ư cũng cho biết các trận mưa đá ở Việt Nam thường xảy xảy ra vào thời điểm giao mùa khi độ ẩm lớn và mưa đá không phải là trường hợp hiếm và không có gì lạ. “Tại Việt Nam năm nào cũng có mưa đá nhưng chủ yếu xảy ra tại các vùng núi và trung du.

Những trận mưa đá trên diện rộng với kích thước đá lên tới hơn 3cm cũng từng được ghi nhận trong các trận mưa ở Hà Nội năm 2004 và 2005. Hiện Việt Nam chưa thể dự báo được chính xác các trận mưa đá”- Vị quan chức này cho biết.

Theo giải thích của một cán bộ Trung tâm dự báo KTTV T.Ư thì mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ 5 mm đến hàng chục cm, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối.

Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. Bình thường một trận mưa đá thường kết thúc trong vòng 5 -10 phút, trường hợp lâu nhất cho cả một vệt mưa cũng chỉ kéo dài từ 20 - 30 phút. 

Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Vì vậy ở nước ta mưa đá có thể xảy ra ở khắp các vùng miền. Và cả trong mùa hè. Riêng ở vùng núi phía Bắc nước ta, từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm thường có mưa đá, nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 5, mà nguyên nhân chủ yếu là các đợt không khí lạnh cực mạnh tràn về nhanh.

Trong cơn dông mưa đá thường kèm theo gió rất mạnh, có khi là gió lốc kèm theo mưa đá, sức tàn phá hết sức khủng khiếp do gió mạnh và xoáy gây ra.

Ngoài gió rất mạnh ra thì bản thân những viên mưa đá cũng có khi gây ra đổ nhà, tàn phá cây cối, thậm chí chết người. Vì vậy mưa đá được xếp vào những hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

Một số cách nhận biết mưa đá: Nếu thấy trời nổi dông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, có dạng như bầu vú, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó lắc rắc vài hạt mưa rào, ta cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi là có nghĩa mưa đá đã kéo đến.

MỚI - NÓNG