Khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Mưa lũ làm 33 người chết và mất tích

Mưa lũ làm 33 người chết và mất tích
BCĐ phòng chống lụt bão TƯ cho biết, tính đến 22 giờ ngày hôm qua, đợt mưa lũ này đã làm 33 người chết và mất tích, trong đó có 24 người được xác định là đã chết. Gần 50.000 ngôi nhà đã bị sập hoặc ngập chìm trong nước, thiệt hại lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Mưa lũ làm 33 người chết và mất tích ảnh 1

Theo báo cáo ban đầu, dọc tuyến sông Gianh qua hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hoá đã làm nhà cửa của 40.000 hộ dân bị ngập nước phải di dời hàng trăm hécta lúa và hoa màu bị hư hại. Trong ảnh: Ngập lụt tại xã Quảng Phong (Quảng Trạch) .ảnh : Võ Mạnh Thành - TTXVN

22 người đã chết tại 7 tỉnh gồm Đắk Lắk: 11, Gia Lai: 1, Lâm Đồng: 6, Phú Yên: 1, Đắk Nông: 1; Hà Tĩnh 3; Quảng Bình 1, số người còn lại vẫn được coi là mất tích (đều là người ở Đắc Lắc).

Về tài sản: 270 nhà bị sập, bị trôi và gần 49.000 nhà bị ngập (Quảng Bình ước tính khoảng 40.000; Đắk Lắk 6.370 nhà, Đắk Nông 1.050 nhà, Lâm Đồng 1.159 nhà); có tổng số 191 công trình giao thông, thủy lợi bị sập, hỏng. Diện tích cây nông nghiệp bị ngập là 65.709 ha, ước tính thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Mưa lũ làm 33 người chết và mất tích ảnh 2
Người dân trong vùng lũ xã Buôn Choah, huyện Krông Nô di chuyển lương thực và tài sản đến nơi an toàn.ảnh : Trần Hữu Hiếu - TTXVN

Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục tổ chức di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở đất, hỗ trợ các hộ di dời khẩn cấp và cung cấp lương thực.

Cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã huy động các nguồn lực và trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại các vùng bị ảnh hưởng; đặc biệt chỉ đạo các huyện, xã ở vùng ngập sâu, vùng sạt lở nguy hiểm và các vùng trọng điểm trên địa bàn chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của lũ và công tác khắc phục hậu quả.

Các địa phương tiếp tục tổ chức tốt việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và vùng ngập sâu.

Thuyền cứu nạn của BCH quân sự Quảng Bình bị lũ nhấn chìm, trung úy Nguyễn Hữu Yên mất tích

Mưa lũ làm 33 người chết và mất tích ảnh 3

Nhà dân bị chìm trong nước lũ tại tỉnh Đắk Nông. ảnh : Trần Hữu Hiếu - TTXVN

Vào 2 giờ sáng nay, 8/8, một thuyền cao tốc của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đã bị chìm trong lúc cứu nạn tại vùng ngập lụt ở hai xã Châu Hóa, Phong Hóa thuộc huyện Tuyên Hóa. 11 chiến sĩ trên tàu cao tốc may mắn thoát nạn, riêng trung úy Nguyễn Hữu Yên bị mất tích.

Theo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình: 23 giờ ngày 7/8, nhận được tin báo có hàng trăm hộ gia đình ở Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa) cần cứu nạn, lực lượng quân sự đã cử ngay 120 chiến sĩ đến vùng bị ngập lụt để tham gia ứng cứu.

12 cán bộ, chiến sĩ trên tàu cao tốc của lực lượng quân sự tỉnh đã cứu được 47 người dân nằm trong vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Sau đó, nhận được tin báo bưu điện xã Phong Hóa cần được cứu nạn, các chiến sĩ trên tàu cao tốc tiếp tục đến ứng cứu, nhưng do nước sông Gianh lên cao và chảy xiết, thuyền cao tốc lại vướng dây điện nên bị nhấm chìm.

Các chiến sĩ đã cố bám vào tàu và đến 4 giờ sáng 8/8 có 11 đồng chí đã được các thuyền đánh cá của ngư dân địa phương cứu sống. Riêng trung úy quân y Nguyễn Hữu Yên bị mất tích và đang được lực lượng quân sự cùng nhân dân địa phương tích cực tìm kiếm.

Các địa phương khẩn trương ứng phó khắc phục hậu quả

Mưa lũ làm 33 người chết và mất tích ảnh 4

Lực lượng bộ đội và Công an tỉnh Quảng Bình chuẩn bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn dân vùng lũ huyện Tuyên Hóa.ảnh : Võ Mạnh Thành - TTXVN

Thực hiện Công điện khẩn số 1082/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các ngành chức năng đã cử ngay cán bộ phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới để hỗ trợ dân khắc phục hậu quả bão lũ.

Ngày 7/8/2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn cán bộ về các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông để kiểm tra và phối hợp với địa phương đối phó với mưa lũ. Tất cả các địa phương bị thiên tai đều nhanh chóng triển khai lực lượng ứng phó và khắc phục hậu quả theo tinh thần đã được Thủ tướng và các cơ quan chức năng chỉ đạo.

Trước diễn biến phức tạp của lũ trên sông Gianh, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm phối hợp với cán bộ cơ sở và lực lượng quân đội, công an triển khai lực lượng hỗ trợ dân vùng ngập lũ thuộc các huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa. Nhiều phụ nữ, trẻ em, người già và tài sản của dân đã được đưa ra khỏi vùng ngập lũ.

Sáng 8/8, tỉnh đã huy động lực lượng quân đội, công an tập trung cứu dân những vùng bị ngập sâu ở 25 xã dọc sông Gianh, đưa họ đến nơi an toàn, đồng thời khẩn trương cứu hộ đập Bẹ ở Mai Hóa (Tuyên Hóa) vì đang có dấu hiệu sạt lở.

Tại Hà Tĩnh, tới đêm 7/8 đã khai thông được điểm tắc nghẽn giao thông nhiều giờ trên quốc lộ 1A do bị ngập sâu 1,2 mét (từ xã Kỳ Thọ vào thị trấn Kỳ Anh).

Mưa lớn đã làm cho một số đập và dòng sông nhỏ tràn bờ, gây ngập lụt các xã vùng thượng của Kỳ Anh, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc và nhiều xã dọc sông Ngàn Sâu thuộc huyện Hương Khê... , nhưng nhờ có sự chuẩn bị vật tư và lực lượng tại chỗ nên địa phương đã tránh được nguy cơ vỡ đập Sông Trí.

Nhiều nhà dân ở Đức Thọ, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Thạch Hà bị hư hỏng do mưa lũ đã được sửa chữa tạm thời. Sáng nay 8/8, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh đã có giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ, tập trung vào các vùng bị ngập sâu dọc sông Ngàn Sâu, thuộc địa phận huyện Hương Khê.

Đề phòng lũ quét tại từ Nghệ An đến Quảng Bình

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương: do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, trong những ngày vừa qua các tỉnh Nam Tây Nguyên và các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình đã có mưa to đến rất to, gây ra lũ lớn trên các suối ở khu vực này. Tại vùng hạ lưu các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, ngập lụt sâu.

Mực nước đỉnh lũ trên sông Gianh tại Đồng Tâm là 18,34 mét vào lúc 21 giờ ngày 7/8 ở mức lũ lịch sử năm 1993 (18,32 mét), tại Mai Hóa là 9,48 mét vào lúc 24 giờ ngày 7/8 (trên mức báo động 3 là 3,48 mét và cao hơn lũ lịch sử năm 1993 là 0,65 mét); sông Srêpôk tại Bản Đôn là 175,84 mét vào lúc 19 giờ ngày 7/8 (trên báo động 3 là 2,74 mét).

Mực nước lúc 4 giờ ngày 8/8 trên sông Gianh, tại Đồng Tâm là 17,55 mét (trên báo động 3 là 1,55 mét), tại Mai Hóa là 9,22 mét (trên mức báo động 3 là 3,22 mét và cao hơn lũ lịch sử năm 1993 là 0,39 mét); sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ (tỉnh Hà Tĩnh) là 16,01 mét (trên báo động 3 là 3,01 mét và cao hơn lũ lịch sử năm 1996 là 0,59 mét), tại Hòa Duyệt (tỉnh Hà Tĩnh) là 10,28 mét (trên báo động 3 là 0,28 mét); sông La tại Linh Cảm (tỉnh Hà Tĩnh) là 3,61 mét (dưới báo động 1 là 0,39 mét).

Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương dự báo: lũ trên các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục lên nhanh, sông Gianh tại Mai Hóa và sông Srêpôk tại Bản Đôn xuống chậm và còn duy trì ở mức rất cao. Chiều tối 8/8, mực nước sông La tại Linh Cảm có khả năng đạt đỉnh ở mức 5,3 mét (dưới báo động 2 là 0,2 mét); mực nước sông Gianh tại Mai Hóa có khả năng xuống mức 8 mét (trên báo động 3 là 2 mét); sông Srêpôk tại Bản Đôn xuống mức 175,1 mét (trên báo động 3 là 2 mét).

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).