Mưa lũ làm nhiều người chết, bị thương

Mưa lũ làm nhiều người chết, bị thương
TP - Đến cuối chiều 20/7, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mưa lũ đã làm chết, bị thương nhiều người. Nhiều nhà cửa, diện tích hoa màu bị phá hủy, ngập úng, nhiều tuyến đường bị sạt lở.

Chiều 20/7, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, đến chiều qua trên địa bàn tỉnh có 2 người chết do bị lũ cuốn trôi khi đi qua ngầm suối. Một người ở xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, một người ở xã Thèn Xin huyện Tam Đường.

Ông Quảng cho hay, cuối chiều 20/7 ở Lai Châu trời mưa to và kéo dài đến đêm, nên nguy cơ sạt lở, lũ quét có khả năng xảy ra ở các huyện. Với các địa điểm nguy cơ cao, các địa phương đã di dời dân đến nơi an toàn. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu yêu cầu các đơn vị chức năng, từ tỉnh đến xã, phải thường trực 24/24h để ứng phó với những tình huống xấu xảy ra. 

Trong khi đó, tại Lào Cai, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, khoảng chiều 19/7 ở xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên), sét đánh vào tán cây to có 6 người trú mưa, làm 3 người chết, 3 người bị thương. Các nạn nhân nói trên hầu hết là trẻ em người dân tộc Dao ở bản Bon, xã Xuân Hòa. Ba người bị thương hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên. Sau khi có sự cố trên, lãnh đạo tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình nạn nhân. 

Theo ông Tuấn, đến chiều qua, lượng mưa tại Lào Cai không lớn lắm, nơi cao nhất cũng chỉ hơn 100mm, tuy nhiên mưa vẫn tiếp diễn và khả năng kéo dài đến đêm. Hiện nước sông Hồng ở TP Lào Cai vẫn dưới mức báo động 1. Trong số 367 hộ cần phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm, hiện 225 hộ đã được bố trí ổn định chỗ ở, 142 hộ khác di tản đến nơi an toàn. Hiện Lào Cai cũng yêu cầu các địa phương của tỉnh túc trực 24/24h để ứng phó.

Tại Cao Bằng, mưa lũ cũng làm sạt lở một số điểm trên tuyến quốc lộ 34 (hiện đã thông tuyến). Một số tuyến giao thông liên xã tại huyện Hạ Lang, Thông Nông - Cần Yên cũng bị sạt lở. Đến chiều qua, Cao Bằng có 37 nhà tốc mái; khoảng 45 ha lúa; 8 ha đậu tương, 40 ha mía bị ngập úng... Trước tình hình mưa lũ, tỉnh cũng tổ chức sơ tán gần 110 hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. 

Trong khi đó, tại Bắc Kạn, mưa lũ cũng làm chết một người ở xã Ngọc Phái (huyện Chợ Đồn, do bị lũ cuốn). Mưa lũ cũng khiến đất đá sạt lở vào nhà dân, ngập nhà, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị úng ngập, gia cầm bị cuốn trôi ở huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Chợ Mới, Bạch Thông, thị xã Bắc Kạn…

Tại huyện Pác Nặm, mưa to gây lũ trên các sông, suối làm cô lập các xã Giáo Hiệu và Bằng Thành. Trong khi đó, tại quốc lộ 3b, nước lũ làm sạt lở taluy ở nhiều đoạn, gây tắc đường; có 11/15 tuyến đường tỉnh lộ bị sạt lở taluy. Hiện lãnh đạo tỉnh này đang yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục để thông tuyến.

Chiều qua, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, do hoàn lưu của bão số 2, nên lưu vực sông Đà, Lô, Thao, Kỳ Cùng và sông Thái Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất cao là: Hà Giang (huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên - thành phố Hà Giang, Yên Minh, Bắc Mê); Lào Cai (huyện Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, Sa Pa); Yên Bái (huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái); Lai Châu (huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ và Tam Đường); Điện Biên (huyện Mường Lay, Mường Chà).

MỚI - NÓNG