Mưa lũ miền Trung: Bài học bảo vệ rừng và 'phép thử' lãnh đạo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung cứu hộ người dân vùng lũ, không để họ phải trông chờ, bị đói khát. Ảnh: Phạm Anh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung cứu hộ người dân vùng lũ, không để họ phải trông chờ, bị đói khát. Ảnh: Phạm Anh.
TP - Ngày 17/12, tại hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cứu dân, không để người dân chờ, đói khát, lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Đây cũng là bài học về bảo vệ rừng và là “phép thử” chèo lái của lãnh đạo địa phương.

1 tháng hứng 5 đợt lũ

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói rằng, Quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định còn ngập hơn nửa mét; khoảng 70 xã còn bị chia cắt, hơn 70 nghìn nhà ngập nước, trong đó nhiều nhà ngập tới tận nóc, hàng nhìn hộ dân chưa thể vào nhà. Ông Dũng nói: “Lũ năm 2013 là lũ lịch sử, nhưng chỉ kéo dài 1-2 ngày là xong. Năm nay chỉ 1 tháng tới 5 đợt lũ, gần như toàn tỉnh sống trong lũ… Nhiều người dân không còn gì ăn cả, đến mỳ tôm cũng không ăn được nữa do không còn nước, còn chỗ để nấu”. 

Theo ông Dũng, mưa lũ đã nhấn chìm sách vở của học sinh các cấp trên toàn tỉnh, nên kiến nghị Bộ GD&ĐT khẩn cấp hỗ trợ hơn 50 bộ sách vở, đồng thời miễn học phí học kỳ 2 cho học sinh. “Chính phủ cần có một gói hỗ trợ ODA lâu dài  để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho các tỉnh miền Trung, khôi phục lại hạ tầng bị hư hỏng, vì sau lũ, hạ tầng trở lại tình trạng của 10 năm trước”, ông Dũng nói.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, kể từ giữa tháng 10, miền Trung hứng chịu liên tiếp 5 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng với cường độ cực đoan, bất thường và kéo dài. Mưa lũ khiến 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; gần 317.000 nhà bị ngập, hư hại; gần 43.000 ha lúa bị ngập, hư hại… Ước tính, thiệt hại hơn 8.600 tỷ đồng. Theo thống kê ban đầu, đợt mưa lũ từ ngày 12 đến 16/12 làm 15 người chết, mất tích, trong đó có 6 người chết, 5 người mất tích ở Bình Định. Ngoài ra, hơn 112.000 nhà và hơn 10.000 ha lúa bị ngập…

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết, lần đầu tiên (từ ngày 15/12), cơ quan dự báo Việt Nam phải dùng khái niệm “lũ đặc biệt lớn” để nói về mưa lũ ở miền Trung. Từ ngày 18 tới 20/12, mưa lớn có xu hướng tăng trở lại từ Quảng Nam tới Ninh Thuận. Lũ ở TT-Huế,  Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có khả năng chấm dứt trong 1-2 ngày tới, nhưng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, lũ sẽ kéo dài thêm 2-3 ngày.

Theo ông Cường, từ nay đến hết năm 2016, khả năng có một vùng áp thấp sẽ di chuyển từ phía nam Philippines vào biển Đông (khoảng ngày 22 hoặc 23/12). Sau đó vài ngày, vùng áp thấp này sẽ ảnh hưởng khu vực Trung và Nam Trung bộ. “Từ ngày 25 tới 28/12, có khả năng xuất hiện mưa, lũ ở Quảng Trị - Khánh Hòa”, ông Cường nhận định. Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Cường, lo ngại: “Nhiều hồ đập ở miền Trung suốt 8 tháng đầu năm cạn kiệt, nhưng 2-3 tháng lại đây căng sức chứa, bão hòa nước. Vì thế, hơn 600 hồ phải hết sức lưu ý, chỉ cần sơ suất nhỏ, hậu quả sẽ khôn lường”. 

Không để dân chịu cảnh “màn trời chiếu đất”

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, phải triển khai cứu hộ, cứu nạn kịp thời, không để thiệt hại tiếp, kể cả vùng cửa sông, ven biển. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn hồ đập khi trời đang mưa, bảo vệ tốt các di sản văn hóa ở các địa phương. “Tập trung cứu dân, không để đói, khát, bệnh tật xảy ra. Tinh thần là nước rút đến đâu, chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh đến đó, vì theo lũ lụt thường có dịch bệnh”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các thành viên ban chỉ đạo ở Trung ương và các địa phương phải huy động đoàn viên, thanh niên vùng ít bị thiên tai đến hỗ trợ vùng bị thiệt hại nặng, dựng lại nhà cửa, không để người dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, trong lúc mưa lũ, rét đang diễn ra. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ, trực tiếp xuống hỗ trợ địa phương, người dân. Từng ngành của Trung ương có liên quan có kế hoạch hỗ trợ địa phương vùng lũ, đặc biệt là y tế, giáo dục, giao thông vận tải, kế hoạch-đầu tư, công an, quân đội…

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những cơn mưa lũ vừa qua cũng là bài học về phát triển rừng, giữ rừng, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái. Vì vậy, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục đóng cửa rừng tự nhiên, tiếp tục trồng rừng theo kế hoạch được duyệt để bảo vệ môi trường sinh thái. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó thiên tai, phát huy tinh thần “4 tại chỗ”, vì “nơi nào làm tốt thì ít thiệt hại, nơi nào làm không tốt thì thiệt hại nhiều, nhất là thiệt hại tính mạng của người dân”.

Với lãnh đạo các địa phương vùng lũ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đây cũng là dịp thử thách lãnh đạo của các đồng chí, có sát dân không, có sáng tạo không, quyết liệt không, để góp phần chỉ đạo sớm khắc phục tình trạng thiên tai lũ lụt đang diễn ra”. 

Được tin các tỉnh miền Trung của Việt Nam bị tổn thất nặng nề do mưa lũ, ngày 16/12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gửi điện thăm hỏi đến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, bày tỏ chia sẻ sâu sắc và lời thăm hỏi chân thành tới người dân vùng bị nạn.

Bình Giang

Tìm thấy 3 thi thể nạn nhân

Mưa lũ miền Trung: Bài học bảo vệ rừng và 'phép thử' lãnh đạo ảnh 1 Nước lũ ngập cả mét tại Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: H.Văn.
Tính đến ngày 17/12, tại Quảng Nam có 6 người thiệt mạng do mưa lũ. Sáng 17/12, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể ông Nguyễn Ngọc Lý (SN 1950) - người bị nước lũ cuốn sáng 14/12 trên đường đi họp về ở đoạn sông gần cầu Bằng Lăng ở xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Ông Lý là cán bộ hưu trí, là Đảng viên gương mẫu, thành viên Hội Cựu chiến binh thôn, hoàn cảnh gia đình khó khăn. 

Sáng qua, ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch xã Điện An, cho biết đã vớt được thi thể anh Đỗ Hoàng Vũ (SN 1991) tử vong do lật ghe tối 16/12. 

Cũng trong sáng qua, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể anh Nguyễn Đình Toàn (22 tuổi, trú xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, công tác tại Công an TP Hội An) bị nước lũ cuốn do lật ghe.     

Hoài Văn

Dân cao nguyên chạy lũ

Mưa lũ miền Trung: Bài học bảo vệ rừng và 'phép thử' lãnh đạo ảnh 2 Một số người dân vẫn “cố thủ” để bảo vệ tài sản. Ảnh: L.Tiền.
Sáng 17/12, mực nước sông Ba vẫn trên mức báo động III, hàng nghìn người dân Gia Lai dọc theo lưu vực bị cô lập. Dù nước lũ trên sông Ba lên rất nhanh nhưng trước đó, sáng 16/12, chỉ có một số hộ dân đưa trâu bò cùng một số tài sản khác lên các khu vực cao hơn. Do thủy điện xả lũ, khoảng 23h tối 16/12, tại thị xã Ayun Pa, nhiều khu vực bị ngập sâu trong nước lũ, mực nước vượt mức báo động III hơn 20cm. Tuy không bị ảnh hưởng bởi thủy điện An Khê - Ka Nak nhưng tại sông A Yun, huyện Mang Yang, mưa lũ đổ dồn khiến hàng nghìn người dân cùng nhiều phương tiện giao thông qua tuyến đường này không thể di chuyển.

Sáng 16/12, cầu tràn A Yun trên tỉnh lộ 666 bị nhấn chìm, hàng nghìn hộ dân 5 xã thuộc huyện Mang Yang bị cô lập, gồm: Lơ Pang, Kon Thụp, Đê A, Kon Chiêng và Đăk Trôi. Người dân phản ánh qua điện thoại rằng, nếu muốn đi đến trung tâm huyện Mang Yang thì phải đi đường vòng, hiểm trở. Cùng ngày, mưa lớn liên tục đã gây sạt lở, ách tắc trên đường Đông Trường Sơn, đoạn qua xã Sơ Pai, huyện Kbang, khiến hàng nghìn người dân bị cô lập nhiều giờ.             

Lê Tiền

MỚI - NÓNG