Ban chỉ đạo PCLB T.Ư yêu cầu:

Mưa lũ và gió lốc hoành hành ở miền Trung

Mưa lũ và gió lốc hoành hành ở miền Trung
TP - Mưa to trong hai ngày 16 và 17/10 đã làm hầu hết các sông tại Quảng Nam lên xấp xỉ mức báo động 3. Hầu hết các tuyến đường trong phố cổ Hội An bị ngập.
Mưa lũ và gió lốc hoành hành ở miền Trung ảnh 1

Nhiều đoạn tỉnh lộ ở Phú Vang, Thừa Thiên - Huế biến thành sông  Ảnh: P.V

Chính quyền TP đã  huy động hàng trăm phương tiện thuyền và nhân, vật lực sẵn sàng cứu hộ đề phòng tình huống xấu xảy ra. Tại các huyện miền núi, mưa lớn cũng đang de dọa sạt lở đất, nhất là các khu tái định cư thuộc dự án thủy điện A Vương. 

Trên đường Hồ Chí Minh từ khu vực Làng Hồi (Phước Sơn) đến địa bàn huyện Đông Giang đã có trên dưới 10 điểm sạt lở. Sạt lở cũng uy hiếp 6 nhà dân thuộc khu tái định cư Thủy điện A Vương, khiến cho nhiều gia đình không dám cư trú trong nhà. 

Khoảng 5 giờ sáng 17/10, tại thôn Lâm Bình Phương (xã Trà Sơn, Bắc Trà My) đã xảy ra sạt lở đất, làm bà Võ Thị Tùng (57 tuổi, ở Quế Phong, Quế Sơn) tử vong. Nạn nhân thứ hai là anh Trương Vĩnh Thịnh (33 tuổi, ở xã Đại Hưng), đi làm rẫy bị nước lũ cuốn trôi từ ngày 15/10.

Vào sáng 17/10, bà con đã vớt được xác của anh Thịnh trên sông An Điềm. Nạn nhân thứ  ba là cháu Phạm Ngọc Hữu (SN 1999, trú xã Đại Hồng) bị nước lũ cuốn trôi sáng 17/10, đến chiều tối vẫn chưa tìm thấy xác.

Từ chiều 16/10, mực nước tại cầu ngầm Sông Trường luôn dâng cao hơn 1,5m, tuyến giao thông huyết mạch về các xã vùng cao Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka của huyện Bắc Trà My và lên huyện Nam Trà My tê liệt. Tại vùng B huyện Đại Lộc, nhiều khu dân cư bị ngập sâu từ 0,7 đến 0,9m; lũ chia cắt hoàn toàn tuyến giao thông liên thôn, liên xã.

Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngày 17/10, tất cả các trường học trên địa bàn đều phải đóng cửa. Các xã Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Cường, Đại Phong đã sơ tán 132 hộ dân (421 nhân khẩu) sống trong vùng sạt lở ven sông, ngập lụt sâu và có nguy cơ cao xảy ra lở núi…

Cũng theo ông Tính, mỗi  xã đã dự trữ được 5 tấn gạo, hàng trăm thùng mỳ tôm và nhiều nhu yếu phẩm khác, đảm bảo  cho nhân dân sống ít nhất 1 tuần nếu lũ gây cô lập.

Tại các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, nhiều khu dân cư cũng bị ngập sâu, diện tích lớn hoa màu bị hư hại nặng, giao thông bị chia cắt. Học sinh nhiều địa phương đã phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Quảng Ngãi: Hàng trăm ngôi nhà sập đổ, hư hại

Rạng sáng 17/10, một cơn lốc dữ đã xảy ra tại xã Đức Chánh và Đức Nhuận (huyện Mộ Đức) làm sập, tốc mái 60 ngôi nhà và 2 người bị thương. 

Ông Đoàn Văn Bảy- Chủ tịch UBND xã Đức Chánh cho hay: Cơn lốc đã quét qua thôn 5 làm 3 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 32 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại nặng. Một người bị thương là chị Lê Thị Kim Phượng, khi đang ngủ bị ngói mái nhà đổ xuống. Còn tại xã Đức Nhuận,  gió lốc làm 2 ngôi nhà bị sập, 25 ngôi nhà bị tốc mái và làm bị thương anh Nguyễn Ba ở thôn 1.

UBND hai xã này đã huy động lực lượng TNXK xuống hiện trường giúp dân dựng tạm lại nhà. Tuy nhiên, do mưa lớn liên tục nên đến chiều 17/10 số nhà bị sự cố vẫn chưa khắc phục xong. Tại các xã Hành Đức, Hành Trung, Hành Phước (Nghĩa Hành), lốc cũng làm tốc mái hoàn toàn 30 ngôi nhà và gần 100 ngôi nhà bị hư hại.

Tại huyện Sơn Tây, một khối lượng lớn đất đá từ núi Tan Via, thôn Huy Măng, xã Sơn Dung bất ngờ bị lở và đổ ập xuống thôn làm sập hoàn toàn 2 căn nhà của ông Phạm Ngọc Minh và ông Nguyễn Duy Sắc nằm sát chân núi, trực tiếp đe dọa 46 hộ dân. Rất may, vụ lở núi đã không gây thương vong về người. Ngay sau khi núi lở, 46 hộ dân này đã kịp di dời đến nơi ở an toàn để lánh tạm.

Cũng do mưa lũ, tuyến đường từ trung tâm huyện Sơn Tây đi về nhiều xã thôn bị sạt lở, nhiều đoạn nên xe cộ không thể lưu thông. UBND huyện Sơn Tây đã tập trung huy động lực lượng cùng phương tiện khẩn trương san ủi một số đoạn  bị sạt lở và di dời dân đến nơi an toàn.

Do mưa lớn xảy ra trên diện rộng và kéo dài, nước lũ trên ba con sông lớn là Trà Bồng, Trà Khúc và sông Vệ liên tục lên nhanh. Tại 6 huyện miền núi của tỉnh, mưa lớn cũng đã làm sạt lở và chia cắt một số tuyến đường liên thôn, liên xã, nhiều trâu bò của đồng bào thả trên núi vẫn chưa kịp đưa về chuồng nên có nguy cơ bị chết rét...

Điều đáng lo ngại là hiện nay toàn tỉnh vẫn còn hơn 200 hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở núi, sạt lở ven biển, ven sông vẫn chưa được di dời đến nơi an toàn.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nghiêm cấm tuyệt đối không cho dân ra vớt củi bên sông trong mùa lũ nhưng trong ngày 17/10 tại sông Trà Khúc đã có hàng chục người dùng thuyền ra vớt củi trong dòng nước lũ chảy xiết.

Thừa Thiên - Huế: Hơn 10.000 học sinh phải nghỉ học

Sáng 17/10, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có thông báo khẩn cấp về các trường học trên địa bàn theo lệnh của UBND tỉnh, cho phép học sinh nghỉ học để tránh lũ. Theo đó, đã có khoảng 10.000 học sinh ở các vùng thấp trũng, ngập lụt đã được nghỉ học.

Mưa rất to trên diện rộng từ suốt đêm 16/10 rạng sáng 17/10, có nơi lượng mưa đo được lên đến 346mm như ở Khe Tre, 331mm ở Thượng Nhật (huyện Nam Đông), 265mm ở A Lưới... đã làm lũ trên các sông lên nhanh. Đến chiều 17/10, lũ trên sông Hương, sông Bồ đã vượt qua báo động 3, trời vẫn tiếp tục có mưa to đặc biệt là ở vùng thượng nguồn. Lũ đạt đỉnh vào tối 17/10 và sẽ ảnh hưởng nhiều ngày ở các huyện vùng trũng.

Gần 30 xã và khu dân cư ven các sông lớn, vùng thấp trũng ở huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy, Phong Điền đã bị ngập trong lũ, giao thông bị ách tắc trên diện rộng. Tại TP Huế, nước lũ dâng cao ở mức từ 0,5- 1m tại các phường Xuân Phú, Kim Long, Phú Bình, Phú Hiệp, Phú Cát, Phú Hậu, An Đông... gây nhiều khó khăn cho đi lại.

Tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49B, Tỉnh lộ 4, Tỉnh lộ 8A, 8B… bị ngập sâu nhiều đoạn. Quốc lộ 49A đi A Lưới, Tỉnh lộ 14B đi huyện miền núi Nam Đông bị sạt lở 5 điểm tại Km 75 và đoạn đường tránh tây đèo La Hy làm cản trở giao thông giữa đồng bằng và miền núi.

Rạng sáng qua, một cơn lốc lớn đi qua địa bàn xã miền núi Xuân Lộc và xã Lộc An (huyện Phú Lộc) đã làm hư hỏng ít nhất 20 ngôi nhà dân và 1 trường học, cùng một diện tích lớn cây lâm nghiệp....

Ban chỉ đạo PCLB T.Ư yêu cầu:

Triển khai các biện pháp phòng chống lũ

TP - Hôm qua (17/10), BCĐ PCLB T.Ư đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và các Bộ Quốc phòng, CA, GTVT.

Công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị trên cử cán bộ xuống ngay địa bàn phối hợp với chính quyền cơ sở kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Triển khai việc di dời dân ra khỏi vùng thấp, trũng có nguy cơ ngập sâu, vùng có khả năng xảy lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người, tài sản.

Công điện cũng yêu cầu bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực đường bị ngập, các bến đò, đường ngầm hướng dẫn người, phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ. Kiểm tra và bổ sung dự trữ các nhu yếu phẩm cần thiết, nhất là lương thực, thực phẩm để đối phó với lũ cao kéo dài; đặc biệt những khu vực dễ bị chia cắt.

Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương chỉ đạo ngành giáo dục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với học sinh. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

Trung Việt - Bắc Bình -
Phú Đức - Tấn An - Ngọc Văn

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.