Mùa mưa, Hà Nội sẽ không phải đắp đập cứu trạm bơm

Mùa mưa, Hà Nội sẽ không phải đắp đập cứu trạm bơm
TP - Nhân việc Hà Nội tổ chức ra quân thực hiện thoát nước mùa mưa năm 2009 (sáng 15/4), trao đổi với Tiền Phong, Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục đã đưa ra những tín hiệu lạc quan.
Mùa mưa, Hà Nội sẽ không phải đắp đập cứu trạm bơm ảnh 1
“Nếu có mưa to như năm ngoái, chắc chắn trạm bơm Yên Sở không phải đắp đập để bảo vệ” - Ông Lê Văn Dục - Phó GĐ Sở Xây dựng khẳng định. Ảnh: P. Sưởng

Thưa ông năm nay công tác thoát nước mùa mưa có điểm gì mới khi Hà Nội đã mở rộng tròn một năm và từng một phen choáng váng do trận mưa lịch sử cuối năm 2008?

Mùa mưa này là năm đầu tiên lo thoát nước cho thành phố khi đã mở rộng diện tích tăng gấp ba và dân số tăng gấp đôi. Trên danh nghĩa có sự phân định về địa bàn, nhưng thực tế công tác thoát nước hầu như không có ranh giới! Điều đó sẽ ảnh hưởng đến thoát nước đô thị.

Nếu có những trận mưa vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước thì nước sẽ tràn từ khu vực này sang khu vực kia. Từ kinh nghiệm đợt chống lụt lịch sử năm 2008, năm nay chúng tôi nhận diện rõ hơn các điểm úng ngập nghiêm trọng mà những năm trước chúng ta không biết.

Quan tâm thoát nước tại Hà Đông, Sơn Tây

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, yêu cầu Sở Xây dựng, Cty Thoát nước chủ động xây dựng phương án xử lý trong mọi tình huống, kể cả những tình huống xấu nhất. Ông Khôi lưu ý các đơn vị phải quan tâm việc tiêu thoát nước trên địa bàn Hà Đông, Sơn Tây.

Trên cơ sở đó chúng tôi có những phương án xử lý các điểm này. Chẳng hạn, vùng giáp ranh thì có giải pháp kỹ thuật ngăn, tăng cường trạm bơm, rồi cửa file, thậm chí đắp đê ngăn, tháo nước khu này sang khu kia và cần thiết thì hỗ trợ cho nhau. Nếu cần, cũng tách biệt được.

Thêm nữa, theo chỉ đạo của thành phố, tất cả các trạm bơm hiện có năm nay sẽ được bàn giao cho công tác thoát nước. Bởi vì tốc độ đô thị hóa nhanh thì nhiều trạm không còn chức năng bơm nước phục vụ nông nghiệp nữa như các trạm Đồng Bông 1 và 2; Ba Xá.

Hầu như bờ tả sông Nhuệ, thành phố giao các trạm bơm cho Sở Xây dựng và Cty Thoát nước quản lý, vận hành, để tổ chức nạo vét, nâng cấp trạm bơm mà năm trước chúng tôi chưa được tiếp quản.

Như vậy, khả năng thoát nước đô thị năm nay sẽ đảm bảo ứng phó được với trận mưa có cường độ cao bao nhiêu, thưa ông?

Năm nay chúng tôi vẫn chia thành một số khu vực thoát nước. Thứ nhất là lưu vực thuộc dự án thoát nước giai đoạn I thì vẫn đảm bảo được với những trận mưa có cường độ 172mm/2 ngày.

Tại lưu vực sông  Nhuệ sẽ được đảm bảo thoát nước tốt hơn, thoát nhanh hơn, bằng các giải pháp cải tạo kênh, mương dẫn, các trạm bơm… Như vậy năm nay chúng ta đã chuẩn bị kỹ càng hơn và có khả năng thực hiện công tác thoát nước tốt hơn.

Với những trận mưa bất ngờ và có cường độ lớn như trận mưa lịch sử tháng 11/2008 thì chúng ta sẽ ứng phó ra sao?

Nếu có những trận mưa như tháng 11 năm ngoái thì trước hết chúng ta sẽ không phải bảo vệ trạm bơm Yên Sở - trạm bơm tiêu nước duy nhất của Hà Nội như năm trước nữa.

Chúng tôi đã có phương án bảo vệ và cải tạo bằng giải pháp kỹ thuật. Chắc chắn sẽ không phải đi đắp đập bảo vệ trạm bơm này. Thứ hai nước mưa sẽ không bị tràn từ ngoại thành vào nên cũng sẽ giúp công tác thoát nước của nội thành tốt hơn.

Hiện công tác tưới tiêu cho các vùng nông thôn, ngoại thành Hà Nội do Sở NN&PTNT quản lý. Sở Xây dựng sẽ phải phối hợp với Sở NN&PTNT để vừa đảm bảo thoát nước đô thị, vừa phải đảm bảo thoát nước cho các vùng nông thôn được tốt. Còn nếu tưới tiêu chống úng cho đồng ruộng thì việc này do Sở Nông nghiệp đảm nhiệm.

Năm 2009, Hà Nội chi 300 tỷ cho công tác thoát nước, gấp hai lần năm ngoái, liệu điều này có thực sự hứa hẹn niềm vui cho thủ đô vào mùa mưa?

Chúng tôi khẳng định chắc chắn công tác thoát nước của năm nay sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Cảm ơn ông!

Phùng Sưởng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.