'Mùa nước nổi' bên rừng Cúc Phương

'Mùa nước nổi' bên rừng Cúc Phương
TP - Theo thống kê của huyện Nho Quan thì trong vòng 42 năm gần đây, những người dân sống ở cửa rừng Cúc Phương này đã phải chịu tới 52 con lũ có đỉnh.
'Mùa nước nổi' bên rừng Cúc Phương ảnh 1
Một gia đình xã Lạc Vân (Nho Quan) phải dựng lán tránh lũ trên đường lớn gần 1 tuần qua

Những ngày không có mưa lũ, đời sống của người dân huyện miền núi Nho Quan (Ninh Bình) vốn đã nhiều khó khăn. Bây giờ, sau cơn bão số 5, lúc ruộng đồng đã thành dòng sông cuộn nước, theo thuyền của Bộ tư lệnh công binh vào cứu trợ vùng lũ, chúng tôi đã chứng kiến bà con nơi đây mừng đến rơi nước mắt khi nhận được dẫu chỉ những gói mỳ tôm.

“Mấy hôm nay tôi phải mặc quần đùi ướt suốt ngày”- Anh Nguyễn Văn Bình (xã Gia Tường) nói về cảnh sống những ngày qua của anh như vậy.

Tài sản lớn nhất của gia đình anh Bình là vài tấn cá sắp thu hoạch thì đã chìm sâu dưới nước, còn lại đáng giá nhất chỉ là một con lợn mà anh đang phải nuôi trên thuyền để chờ ngày nước rút.

Cũng như gia đình anh Bình, trong nhà của hầu hết người dân vùng lũ Nho Quan, đều có ít nhất một chiếc thuyền “dự phòng” bên cạnh các phương tiện đi lại như xe đạp, xe máy. Chắc hẳn vì một lẽ đơn giản là theo thống kê của huyện Nho Quan thì trong vòng 42 năm gần đây, những người dân sống ở cửa rừng Cúc Phương này đã phải chịu tới 52 con lũ có đỉnh.

Trên con thuyền tròng trành đi vào những thôn xóm bị lũ cô lập, ông Đinh Quang San (Bí thư Đảng ủy xã Đức Long) cho hay xã có 12 thôn thì tới 8 thôn nằm ngoài đê, hầu như năm nào cũng có tới 3 - 4 đợt lụt, nước dâng cao, nên người dân ở nhiều thôn cứ “6 tháng đi bằng chân và 6 tháng đi bằng tay”.

“Đi bằng tay nghĩa là chèo thuyền”- Ông San giải thích. Cứ đến hẹn lũ lại về, vì vậy mùa lũ ở Nho Quan đã thực sự trở thành “mùa nước nổi” hàng năm.

Được xác định là vùng phân lũ, dự án sống chung với lũ đã về Nho Quan từ ba năm trở lại đây. Nhờ vậy, đường giao thông liên xã được đầu tư nâng cao, trường tiểu học được xây lên hai tầng…, nhưng rồi tất cả đều “tê liệt” với cơn lũ do bão số 5 gây ra.

Đi thuyền vào Trường tiểu học Đức Long, chúng tôi gặp Hiệu trưởng Đinh Quốc Mẫn, người đã bám trụ trên tầng hai của nhà trường từ khi lũ về, cho hay hơn 400 học sinh của nhà trường sẽ phải nghỉ học cho đến khi nào nước rút hết. Mà, theo Phó Chủ tịch huyện Nho Quan Mai Văn Luận, dự kiến phải đến gần 1 tháng nữa nước mới rút hết.

Nằm kế bên Đức Long, xã Gia Tường cũng nước mênh mông trắng đồng, nhưng nước sạch là điều mà người dân nơi đây đều đang thiếu trầm trọng. Khi “lũ đứng im” và nước bắt đầu chầm chậm rút, hàng trăm người dân đã đến trước trụ sở xã Gia Tường để chờ hàng cứu trợ, dù lúc đó hàng mới chỉ đang được tiếp nhận và phân loại.

Ông Đặng Quốc Điều (Chủ tịch xã Gia Tường) cho biết: “Địa phương khẩn trương chuyển hàng đến đúng đối tượng. Thời gian cấp phát còn dài vì lũ ở đây không giống như lũ quét, lũ ống mà thường xuyên hơn. Riêng về nước sạch, 80% dân Gia Tường dùng clo để khử khuẩn”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.