Mua phải chung cư 'chui', hàng trăm hộ dân lãnh đủ

Mua phải chung cư 'chui', hàng trăm hộ dân lãnh đủ
TP - Hàng nghìn m2 đất được quy hoạch để xây dựng chợ, trung tâm thương mại bỗng chốc bị biến thành chung cư cao tầng để bán, còn hàng trăm hộ dân thì rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi trót mua phải những “căn hộ chui” này. Đó là chuyện lạ đang xẩy ra ở khu đô thị mới Định Công.

Ông Trần Minh Cường, Tổ trưởng Tổ dân phố số 52 (thuộc toà nhà chung cư 18 tầng CT9) cho biết, hiện gần 200 hộ dân của khu nhà này đang rơi vào tình trạng không thể đăng ký hộ khẩu thường trú.

“Khi chúng tôi ra phường, quận làm thủ tục nhập hộ khẩu và xác nhận giấy tờ thì được trả lời rằng đăng ký tạm trú thì được, nhưng nhập hộ khẩu là không thể vì thủ tục nhà ở, đất đai của tòa nhà CT9 của Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu mà chúng tôi mua chưa hợp pháp” - Đại diện một hộ dân bức xúc nói.

Theo Sở TNMT&NĐ, khi chủ đầu tư muốn thay đổi mục đích sử dụng đất phải có quyết định của UBND thành phố.

Vì thế khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và chưa làm nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước mà Xí nghiệp xây dựng số 1 đã tự xây nhà ở là sai quy định.

Không chỉ vậy, việc làm thủ tục xin cấp “sổ đỏ” của các hộ dân cũng không xong. Các hộ dân ra phường để xin xác nhận nhà không có tranh chấp thì mới té ngửa: “Vì mua phải nhà có đất sử dụng sai mục đích nên không thể xác nhận được!”.

Tương tự, trên 80 hộ dân ở toà nhà chung cư 9 tầng CT8 và 50 hộ dân thuộc hai dãy nhà liền kề cùng khu đều không thể nhập hộ khẩu và làm thủ tục “sổ đỏ” cũng vì lý do đất không hợp pháp! Bà Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ dân phố 51 thuộc chung cư CT8 cho biết, khi triển khai xây dựng chủ đầu tư đã dựng hẳn biển quy hoạch khu chung cư, kèm theo đó là thông báo bán căn hộ (giá gốc là hơn 6,7 triệu đồng/m2).

“Tôi và nhiều gia đình khác đã ký hợp đồng mua căn hộ với Xí nghiệp Xây dựng số 1 từ năm 2003. Thế mà giờ đi làm thủ tục họ lại bảo mua phải nhà không hợp pháp” - Bà Hiền than thở.

Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Hoàng Mai, bản đồ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Định Công đã quy định rõ khu nào xây dựng công trình công cộng, khu nào xây dựng nhà ở, vì thế các hộ dân mua nhà thuộc khu đất xây dựng khu chợ thương mại như đã quy hoạch đều không được cấp “sổ đỏ”.

Bức xúc về việc không làm được thủ tục liên quan đến nhập hộ khẩu, làm “sổ đỏ”, đại diện các hộ dân đã nhiều lần tìm gặp chủ đầu tư để hỏi cho ra “nhẽ” và để tìm cách giải quyết nhưng phía Xí nghiệp không hợp tác. “Thậm chí các cuộc họp dân, chính quyền phường mời đến làm việc nhưng ông giám đốc của đơn vị này cũng không thèm đến” - Đại diện hộ dân bức xúc nói.

Dự án thực hiện “chui”

Về nguồn gốc, khu đất được xem là sử dụng sai mục đích trên trước đây UBND TP Hà Nội giao cho Tổng Cty đầu tư phát triển nhà và đô thị-HUD (Bộ Xây dựng) xây dựng công trình công cộng trong tổng thể khu đô thị mới (ĐTM) Định Công.

Cụ thể, theo quy hoạch đã phê duyệt, lô đất thuộc chung cư CT9 và hai dãy nhà liền kề hiện nay được quy hoạch làm khu chợ thương mại; Lô đất thuộc khu nhà CT8 được quy hoạch là khu định cư di dân giải phóng mặt bằng và công trình dịch vụ công cộng phục vụ dự án khu ĐTM Định Công.

Ngày 13/2/2003, HUD đã ký hợp đồng với Xí nghiệp XDTN số 1, chuyển giao hạ tầng kỹ thuật công trình dịch vụ công cộng tại Đầm Sòi (tức nhà CT8 hiện nay) với diện tích khoảng 1.602 m2 để xí nghiệp này khai thác sử dụng theo quy hoạch.

Tiếp đó, ngày 6/5/2003, HUD tiếp tục chuyển nhượng một số lô đất trong đó có lô đất 6.250 m2 xây dựng chợ thương mại Định Công (tức nhà CT9 hiện nay) với giá chuyển giao hạ tầng 1,5 triệu đồng/m2.

Trong quá trình thực hiện, Xí nghiệp XDTN có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, đề nghị điều chỉnh quy hoạch lô đất thuộc nhà CT9 hiện nay thành công trình hỗn hợp nhà cao tầng, siêu thị kết hợp nhà ở; Điều chỉnh lô đất CT8 thành khu dịch vụ thương mại tổng hợp, siêu thị, văn phòng cho thuê và nhà chung cư cao tầng.

Sau đó, ngày 20/2/2004, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân đã có công văn số 468 “đồng ý về mặt chủ trương”, cho phép nâng cao tầng (khu CT9) thành công trình hỗn hợp nhưng nhất thiết phải đạt được mục tiêu phục vụ nhân dân, phải tôn trọng mục đích ban đầu và bảo đảm xây dựng chợ 3 tầng.

Tiếp đến, ngày 23/6/2004, UBND TP Hà Nội có công văn số 2135 đồng ý bổ sung chức năng, điều chỉnh quy hoạch khu Đầm Sòi (nhà CT8), từ dịch vụ công cộng sang công trình hỗn hợp.

Tuy nhiên, trên thực tế toàn bộ số đất này đã bị Xí nghiệp XDTN số 1 “biến” thành nhà chung cao tầng và nhà liền kề để bán, mà không có một mét vuông đất nào được sử dụng xây dựng cái gọi là chợ và trung tâm thương mại như đã phê duyệt.

Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Thản - Giám đốc Xí nghiệp XDTN số 1 thản nhiên cho rằng: “Chúng tôi là doanh nghiệp tự bỏ tiền ra để đầu tư nên nếu thấy không hiệu quả thì phải chuyển đổi mụch đích sử dụng đất, chứ bỏ tiền ra để xây dựng chợ bỏ không à? Việc xây nhà chung cư chúng tôi đã có công văn chấp thuận của TP Hà Nội”.

Về lý do đơn vị chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng đất, ông Thản cho biết: “Việc này do phía Sở TNMT&NĐ, chúng tôi đã nhiều lần đến nhưng họ có giải quyết cho đâu?”. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.