Thái Bình:

Mua sắm thiết bị phòng, chống dịch COVID-19: Hồ sơ ghi máy Nhật, thực tế của Trung Quốc

Cùng là máy xét nghiệm Realtime PCR nhưng mỗi địa phương mua một giá
Cùng là máy xét nghiệm Realtime PCR nhưng mỗi địa phương mua một giá
TP - Cơ quan thanh tra phát hiện một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan trang thiết bị nhập khẩu để phòng chống dịch COVID-19 ở Thái Bình có dấu hiệu tẩy xóa; hồ sơ máy móc ghi xuất xứ Nhật Bản, song bàn giao lại là Trung Quốc…

Không tuân thủ quy trình thẩm định giá

Qua thanh tra 6 gói thầu mua trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao trong phòng, chống dịch COVID-19 với tổng giá trị gần 48 tỷ đồng (Sở Y tế làm chủ đầu tư 3 gói thầu trị giá hơn 43 tỷ đồng; CDC Thái Bình làm chủ đầu tư 3 gói thầu trị giá hơn 4,7 tỷ đồng), Thanh tra tỉnh Thái Bình đã phát hiện nhiều vi phạm đồng thời xác định trách nhiệm các cá nhân có trách nhiệm liên quan.

Cụ thể, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Thái Bình, quá trình thực hiện các gói thầu, Sở Y tế và CDC Thái Bình đã thuê các đơn vị tư vấn, thẩm định giá theo đúng quy định, nhưng các thẩm định viên đã vi phạm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

Điển hình là việc không tuân thủ quy trình thẩm định giá; các hồ sơ thẩm định đều không có biên bản khảo sát thực tế, không có tài liệu thể hiện kết quả thu thập, phân tích thông tin các giao dịch chào bán...

Đặc biệt, cơ quan thanh tra phát hiện trong các báo giá trong hồ sơ thẩm định giá của Công ty CP thẩm định giá BTC VALUE về máy điện tim trang bị cho BV Đa khoa tỉnh và BV Nhi có thông tin không có thực. Báo giá nêu mặt hàng máy điện tim 3 kênh Model ECG-2150, hãng sản xuất Nihon Kohden, xuất xứ Nhật Bản nhưng hãng này có văn bản khẳng định không có máy điện tim 3 kênh Model ECG-2150 xuất xứ Nhật Bản.

Ngoài lỗi của Công ty CP thẩm định giá BTC VALUE, Thanh tra tỉnh Thái Bình cũng chỉ rõ, hội đồng thẩm định giá tài sản cấp tỉnh sử dụng các báo giá không đầy đủ thông tin, thông tin không trung thực làm cơ sở cho thông báo kết quả thẩm định giá; không có tài liệu thể hiện việc khảo sát thực tế thị trường…

Dấu hiệu gian lận trong đấu thầu

Kết luận thanh tra cho thấy một số nhà thầu cung cấp trang thiết bị y tế đã giảm giá gói thầu từ vài trăm triệu đồng cho đến 2 tỷ đồng sau khi trúng thầu. Mặc dù việc giảm giá là tốt, song cũng khiến không ít người hoài nghi vì hiếm có doanh nghiệp nào lại “cắt lãi” sau khi giá trúng thầu đã được “chốt”.

Cụ thể, với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại BV Đa khoa tỉnh và BV Nhi, Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam trúng thầu với mức giá 19,3 tỷ đồng, khi ký hợp đồng đã điều chỉnh giảm còn 17,9 tỷ đồng. Với gói thầu mua sắm trang thiết bị tại 11 BV đa khoa tuyến huyện, Công ty TNHH sản xuất thương mại Trần Lê trúng với giá 20,6 tỷ đồng, khi ký hợp đồng cũng giảm còn gần 18,6 tỷ đồng, thấp hơn giá trúng thầu 2 tỷ đồng.

Tương tự, Sở Y tế Thái Bình đã chỉ định thầu gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế để trang bị cho CDC Thái Bình (máy xét nghiệm Realtime PCR) được Công ty CP thẩm định và đầu tư tài chính Bưu điện thẩm định là 7,3 tỷ đồng) có giá trúng thầu là hơn 6,4 tỷ đồng, nhưng đến khi ký hợp đồng được điều chỉnh xuống còn 5,8 tỷ đồng. Gói thầu này do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc cung cấp.

Kiểm tra gói thầu nêu trên, Thanh tra tỉnh xác định hồ sơ đề xuất của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc có vi phạm. Cụ thể, số liệu trên Báo cáo tài chính năm 2018 trong hồ sơ không trùng khớp với số liệu trên Bảng kê năng lực tài chính của nhà thầu và không đúng với số liệu trên báo cáo gửi cơ quan thuế. Mặt khác, một số thông số kỹ thuật không đúng với Catalogue kèm theo hồ sơ đề xuất.

Vẫn theo kết luận thanh tra, trong quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện 3 gói thầu do Sở Y tế làm chủ đầu tư (gói thầu số 01, 05 và 09) theo hình thức chỉ định thầu, Sở Y tế đã thông báo cho 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc, Công Ty TNHH Sản xuất và thương mại Trần Lê) đề nghị xác nhận đảm bảo tư cách hợp lệ của nhà thầu và có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.

“Tuy nhiên, cả ba hồ sơ đề xuất của các nhà thầu đều có thông tin không trung thực, vi phạm khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013, không đáp ứng điều kiện kê khai trung thực của hồ sơ yêu cầu. Ba nhà thầu phải chịu trách nhiệm về hành vi gian lận trong đấu thầu, cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ đề xuất”- Thanh tra tỉnh Thái Bình kết luận.

Hồ sơ máy móc không giống như thực tế

Đặc biệt, qua kiểm tra thực tế việc lắp đặt, bàn giao thiết bị tại các gói thầu do Sở Y tế làm chủ đầu tư, thanh tra phát hiện hồ sơ, thủ tục không đầy đủ. Các tờ khai hải quan trang thiết bị nhập khẩu là các bản photo đóng dấu của DN nhập khẩu, không thể hiện một số thông tin trên tờ khai như giá trị hàng hóa nhập khẩu nguyên tệ (USD, JYP…), tỷ giá ngoại tệ, giá trị tính thuế, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng,...

Riêng tại gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho BV Đa khoa tỉnh và BV Nhi do Sở Y tế làm chủ đầu tư, cơ quan thanh tra phát hiện trong hợp đồng với nhà thầu, biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản giữa Sở Y tế, BV đa khoa tỉnh, công ty tư vấn và nhà thầu là Công ty TNHH Thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam đều xác định mặt hàng “Máy điện tim 3 kênh Model: ECG-2150, hãng sản xuất: Nihon Kohden, xuất xứ Nhật Bản”.

Tuy nhiên, kiểm tra thực tế máy đã bàn giao cho BVĐK tỉnh là máy điện tim 3 kênh xuất xứ Trung Quốc. Ngoài ra, đơn vị bàn giao một số trang thiết bị y tế không phải là nhà thầu trúng thầu (Công ty TNHH thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Nam).     

Thanh tra tỉnh Thái Bình kiến nghị Sở Tài chính, Y tế, Hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh, CDC và các cơ quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể cá nhân và có hình thức xử lý theo quy định. Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các công ty thẩm định giá, công ty giám sát thi công và ba nhà thầu có vi phạm nêu trên.

MỚI - NÓNG