Mùa Vu lan trong nghĩa trang nghệ sĩ

Mùa Vu lan trong nghĩa trang nghệ sĩ
TP - Tại TPHCM có mộtnghĩa trang và một ngôi chùa nghệ sĩ duy nhất ở Việt Nam. Nơi đây lặng lẽ đón những khán giả trung thành với nghệ thuật tới thăm viếng và làm từ thiện.

> Teen vẽ tranh chibi báo hiếu mùa Vu Lan
> Đạo hiếu nghĩa 'dịp Vu lan'

Chị Trang, một người làm công quả ở nghĩa trang và chùa (trong khuôn viên nghĩa trang cũng có ngôi chùa mà dân trong vùng gọi là Chùa Nghệ sĩ), nói: “Mỗi ngày có chừng vài chục khách tới nghĩa trang nghệ sĩ”. Bác bảo vệ, mà người ta hay gọi là “anh ghi ta”, nói: “Mùa Vu lan này, có ngày thấy hơn 1.500 khách tới thắp hương cho các nghệ sĩ quá cố”.

Chùa và nghĩa trang cùng người hâm mộ tổ chức đi cứu trợ cho đồng bào khó khăn, 3 tháng đi một lần. Những người trông coi nghĩa trang kể: “Chúng tôi đã đi cứu trợ được 58 đợt rồi. Dân tới nghĩa trang quyên góp hơn 3,3 tỷ đồng để đi làm từ thiện”.

Giỗ diễn viên Lê Công Tuấn Anh, một người không rõ cha mẹ, có quy mô nhất. Đông đảo anh em, bạn bè giới nghệ sĩ và khán thính giả tới đám giỗ. Được phát hiện từ trại trẻ mồ côi, Tuấn Anh vừa đóng kịch vừa đóng phim, là ngôi sao nổi tiếng một thời. Anh tự vẫn năm 30 tuổi, lý do thường được nói đến là do buồn về chuyện tình cảm.

Khán giả tới tự hùn tiền làm đám giỗ cho anh với những bông hoa trắng. Khán giả cũng thường tới thăm mộ nữ nghệ sĩ Thanh Nga - nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thiệt mạng sau khi vừa rời khỏi sân khấu. Thanh Nga tử nạn giữa giai đoạn thăng hoa nhất của cuộc đời nghệ thuật. “Con của Thanh Nga còn sống sót, thỉnh thoảng đến cúng mả má”, người quản trang nói.

Sân khấu cuối cùng

Theo đạo diễn Hồng Dung ở Ban Ái hữu Nghệ sĩ, nghĩa trang nghệ sĩ chủ yếu dành cho nghệ sĩ cải lương. Chị Thủy, cháu của nghệ sĩ Phùng Há, hiện trông coi phòng lưu niệm của nghệ sĩ này trong nghĩa trang, kể: “Ngoại tôi thấy nhiều anh em nghệ sĩ chết ở gầm cầu, chết ngoài đường, thương quá nên mới mua miếng đất này làm nghĩa trang cho anh em”.

Nghĩa trang nghệ sĩ giờ đây không chỉ là nơi an nghỉ của các nghệ sĩ chết không manh chiếu mà còn của cả những nghệ sĩ nổi tiếng như các soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Hoàng Giang, NSƯT Minh Phụng, NSND Ba Vân và vợ, NSƯT Công Khanh, NSƯT Quốc Hòa, NSƯT Trường Xuân…

Chị Thủy chỉ mộ của NSND Năm Đồ nói: “Ông Năm Đồ nghèo quá, khi nằm xuống nhà không có tiền xây nổi ngôi mộ nên Ban ái hữu lập mộ cho ông”. Chị Thủy ngậm ngùi nhắc lại: “Mới đây nghĩa trang nhận được tờ giấy thông báo đi họp để giải tỏa nghĩa trang. Chúng tôi bàng hoàng không hiểu làm sao. Sau họ bảo là xin lỗi… gửi lộn địa chỉ”.

Trưởng ban quản lý chùa và nghĩa trang nghệ sĩ trước kia là bà Phùng Há, nay là ông Diệp Nam Thắng (bầu Xuân) vốn là phụ tá của bà Phùng Há. Bầu Xuân nói: “Nghĩa trang có hơn 400 mộ, hơn 300 hộp cốt, đa số là nghệ sĩ. Một số là người thân của nghệ sĩ có công lao lớn đối với nghĩa trang”.

Theo chúng tôi được biết, nghĩa trang nghệ sĩ vẫn sẽ nằm ở đây. Nhưng năm 2015, chúng tôi phải khai quật hết các ngôi mộ lên để hỏa táng và lưu bằng cốt. Người ta nói việc giữ mộ trong khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường”.

Cô Thu Hồng, diễn viên cải lương ở chùa trông coi nghĩa trang 16 năm qua, nói: “Giới nghệ sĩ lập nên ngôi chùa nghệ sĩ ngay trong nghĩa trang để anh em ai muốn xuất gia theo tu”. Nhiều nghệ sĩ tu tập trong ngôi chùa trở thành đại đức. Bà Phùng Há, trước làm vợ Công tử Bạc Liêu, nhưng cuối đời cũng tu tập và mất tại chùa nghệ sĩ, rồi được chôn cất trong chính nghĩa trang bà tạo dựng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG