Mức đóng BHYT tăng, chất lượng có tăng?

Khám chữa bệnh cho một học sinh tại TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc.
Khám chữa bệnh cho một học sinh tại TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc.
TP - Xung quanh vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh-sinh viên (HSSV) năm học này, tại TPHCM, PV tiếp tục ghi nhận thêm các giải đáp từ cơ quan chức năng liên quan, và cả các ý kiến của người dân về vấn đề này.

Ngày 8/9, trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Lê Anh Tuấn - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM - khẳng định, cho dù mức đóng BHYT có tăng hay không tăng, thì từ trước đến nay, Sở Y tế vẫn luôn quan tâm đến công tác tăng cường chất lượng khám chữa bệnh và vấn đề cải cách hành chính trong thanh toán viện phí khám chữa bệnh BHYT.

Là một đơn vị có số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cao nhất nhì thành phố, đại diện Bệnh viện quận Thủ Đức cho rằng, chất lượng khám chữa bệnh cho các đối tượng, trong đó có cả HSSV, sẽ vẫn không thay đổi khi mức đóng BHYT tăng lên. Bệnh viện cho biết, 92% HSSV trên địa bàn quận đăng ký thẻ ban đầu tại đây.

Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận về việc triển khai thực hiện công tác thu BHYT HSSV năm học 2015-2016, Sở Y tế thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đặc biệt là các cơ sở tuyến quận huyện phải thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh BHYT cho HSSV nói riêng.

Để giải quyết một số vướng mắc vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu - Phó giám đốc BHXH TPHCM - cho biết, đã có hướng dẫn bổ sung về BHYT HSSV.

Theo đó, tuy HSSV thuộc nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, nhưng nếu đã tham gia BHYT theo hộ gia đình thì không bắt buộc tham gia theo đối tượng HSSV nữa. Các trường hợp này chỉ xuất trình thẻ BHYT cho nhà trường khi lập danh sách tham gia BHYT. Nhà trường vẫn lấy danh sách những HSSV này để tính chỉ tiêu số lượng HSSV tham gia nhưng không đưa vào danh sách được trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Trường hợp nếu vừa tham gia BHYT hộ gia đình, vừa tham gia BHYT HSSV thì thực hiện thoái thu thẻ BHYT hộ gia đình theo quy định.

Chị Nguyễn Hằng - có 2 con đang đi học tại các trường trung học ở quận 7, TPHCM - cho biết, ngoài việc tham gia BHYT mà theo chị là bắt buộc ở trường, chị vẫn mua thêm bảo hiểm sức khỏe của một công ty tư nhân cho các con. “BHYT ở trường kén bệnh viện, nhiều khi vào một chỗ ưng ý mình thì ở đó lại không thanh toán BHYT HSSV này được. Bảo hiểm sức khỏe tư nhân đóng đến gần 3 triệu đồng/năm, và chỉ được thanh toán 75% nhưng lại có thể đi bất cứ bệnh viện nào cũng được”, chị nói.

Khi được hỏi nếu được tự do chọn lựa tham gia các hình thức bảo hiểm, chị Hằng nói “không bỏ cái nào cả”. “Tôi vẫn mua BHYT HSSV ở trường bởi nó vẫn cần thiết nếu chẳng may mắc những căn bệnh hiểm nghèo, ung thư… Và được chi trả đến 80% viện phí. Còn bảo hiểm sức khỏe tư nhân mà tôi đang mua chỉ giới hạn thanh toán không quá 2 triệu đồng cho một ngày nằm viện”, chị giải thích.

Trong khi đó, cũng với câu hỏi trên, một bác sĩ đang làm việc tại quận 11 đã không ngần ngại trả lời ngay: “Chắc là bỏ BHYT HSSV ở trường”. Hỏi “tại sao?” thì ông chỉ lắc đầu, cười.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.