Mức giảm trừ 4 triệu đồng là cao chứ không thấp!

Mức giảm trừ 4 triệu đồng là cao chứ không thấp!
TP - Sáng nay (2/11), dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường. Bên lề kỳ họp, Tiền phong đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên về vấn đề trên.

Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân là một trong những dự án luật được dư luận quan tâm, trước đó trong phiên thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến của các vị đại biểu QH đã băn khoăn với quy định giảm trừ gia cảnh, với lý do mức giảm trừ 4 triệu đồng/tháng (giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc) là quá thấp.

Mức giảm trừ 4 triệu đồng là cao chứ không thấp! ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Nguyễn Đức Kiên nói: Nếu như nói rằng để đảm bảo đời sống, thì mức giảm trừ gia cảnh tức là khoản tiền được trừ khỏi thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế, phải từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng, là hiểu sai bản chất của dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tôi khẳng định, mức giảm trừ 4 triệu đồng là cao chứ không phải thấp!

Đâu là căn cứ của phương án đưa ra mức 4 triệu đồng và 1,6 triệu đồng kèm theo, thưa ông?

Phương án này đã được tính toán kỹ, dựa trên những căn cứ về lộ trình cải cách tiền lương, tổng sản phẩm quốc nội và thu nhập của dân cư dự kiến đến năm 2009. Nghĩa là đã dựa trên điều tra thu nhập bình quân.

Nếu chúng ta có thông tin, sẽ thấy ở Trung Quốc có quy định về mức giảm trừ gia cảnh còn thấp hơn nhiều so với nước ta (của họ chỉ tương đương khoảng 1,7 triệu đồng). Đi vào cụ thể theo dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân lần này, nếu anh có thu nhập 5 triệu đồng/ tháng, sau khi đã có giảm trừ cho bản thân chỉ phải đóng thuế có 50 ngàn đồng/tháng.

Tôi nói vui là tiền đóng thuế đó chỉ bằng mấy cốc bia. Hơn nữa, phải phân biệt rất rõ giữa thu nhập chịu thuế khác thu nhập tính thuế. Ví dụ, tiền lương của anh là thu nhập chịu thuế, nhưng lương anh là 5 triệu đồng/tháng thì sau khi giảm trừ cho bản thân anh, nếu cộng thêm 1 người phụ thuộc nữa, anh sẽ không phải nộp thuế vì mức thu nhập thực tế còn thấp hơn mức giảm trừ gia cảnh (4 triệu đồng + 1,6 triệu đồng).

Thưa ông, hiện nay chỉ số giá tiêu dùng tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, có nhiều ý kiến đã đề nghị quy định mức giảm trừ gia cảnh cần tính đến yếu tố trượt giá?

Như tôi đã nói, tinh thần của thuế thu nhập cá nhân phải là mọi cá nhân cứ phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế, tuy nhiên ở nước mình còn có vấn đề này vấn đề khác, nên phải chọn mức nào đó.

Từ chỗ chúng ta thống nhất như vậy thì mới bàn tiếp vấn đề trượt giá. Nghĩa là, cứ bảo tính trượt giá, thế thì còn gì bản chất của thuế thu nhập cá nhân nữa. Vì tính như thế, lấy ví dụ năm 2009 có 100 người nộp thuế thu nhập, thì đến năm 2015 cũng chỉ có 100 ông đó nộp mà thôi, đến 2020 cũng thế.

Với quy định về mức giảm trừ gia cảnh như đã nói ở trên, nếu dự án Luật này được ban hành và có hiệu lực, thời gian đầu những người có thu nhập trung bình trở xuống sẽ không phải nộp thuế. Dự thảo Luật không quy định mức giảm trừ gia cảnh có tính đến yếu tố trượt giá, để rồi dần dần nhiều người có cơ hội thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước hơn.

Bởi vì đến lúc kinh tế tăng trưởng, 4 triệu đồng trở thành thu nhập phổ biến, mức thu nhập trung bình, thì sẽ có nhiều người đóng thuế hơn. Ví dụ, năm 2009 là 100 người đóng thuế thì đến 2015 phải là 1.000 người. Như vậy, Luật Thuế thu nhập cá nhân của chúng ta đi vào bản chất hơn.

Cảm ơn ông!

Võ Văn Thành
(thực hiện)

MỚI - NÓNG