Mục tiêu thuốc nội chiếm 80% thị phần có khả thi?

Khi nào thuốc Việt chiếm 80% thị trường thuốc trong nước?. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Khi nào thuốc Việt chiếm 80% thị trường thuốc trong nước?. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Bộ Y tế mới đây tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược phát triển ngành dược đến 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu ngành dược trong nước sẽ sản xuất 80% thuốc sử dụng nội địa. Chiếm 50% thị trường thuốc, nhưng thuốc Việt đang gặp khó ở khối bệnh viện tuyến T.Ư (chỉ 14% thuốc sử dụng là hàng nội).

Theo thống kê của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, ở Việt Nam, trong số 133 dây chuyền sản xuất thuốc và vắc-xin đã đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất (GMP), có đến gần 100 dây chuyền sản xuất thuốc dùng ngoài, kem, mỡ, nước uống, thuốc tiêm bột, có rất ít dây chuyền sản xuất thuốc ở các dạng mới như tiêm bột đông khô, dạng viên đạn, viên trứng…

Trong quy chế đăng ký thuốc mới mà Bộ Y tế vừa ban hành, Bộ yêu cầu không cho đăng ký các thuốc có cùng nhà sản xuất, cùng hoạt chất, dạng dùng, hàm lượng nhưng lại có tên khác nhau, khiến quá tải khâu đăng ký thuốc mà thị trường thực tế không có thêm lựa chọn mới. Quy định này nhằm định hướng chuyên môn hóa doanh nghiệp sản xuất thuốc, hạn chế đầu tư trùng lắp dây chuyền và sản phẩm của ngành dược.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, vì chưa có nhiều hoạt chất mới, dạng dùng mới được đưa vào sản xuất tại các doanh nghiệp dược nội, nên khi tăng tỷ lệ thuốc Việt được tiêu thụ trên thị trường, các thầy thuốc vẫn khó tìm được thuốc chuyên khoa, đặc trị “made in Việt Nam”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền nhận định, việc chỉ sản xuất được thuốc generic (thuốc chứa hoạt chất không còn được bảo hộ sở hữu trí tuệ, sở hữu bằng phát minh do các hãng không sở hữu bằng phát minh sản xuất) là tình trạng chung của các nước đang phát triển trên toàn thế giới, bởi chi phí nghiên cứu một loại thuốc mới có thể lên đến hàng tỷ USD.

Giải pháp

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, nói rằng, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển ngành dược, các cơ quan tham mưu, bộ, ngành liên quan đã tính toán kỹ lưỡng để mục tiêu thuốc Việt sẽ chiếm 80% thị trường thuốc phòng và chữa bệnh thực sự khả thi.

“Vừa rồi, Chính phủ quyết định ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất thuốc kháng sinh và cho vay hàng trăm tỷ đồng với lãi suất rất thấp là 2%, hỗ trợ các nhà sản xuất kháng sinh nguyên liệu kháng sinh, tiền để mua công nghệ. Đó là một chính sách rất mạnh”, ông Cường nói.

Các hãng dược trong nước sẽ tập trung phát triển các thuốc phiên bản chất lượng tốt, giá cạnh tranh, đạt tương đương sinh học và hiệu quả điều trị không thua kém thuốc ngoại tương đương.

Theo ông Truyền, rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đủ khả năng sản xuất thuốc kháng sinh, nhưng họ phải tính rất kỹ để đảm bảo có lãi. Đó là làm sao phải giảm được giá thành để cạnh tranh với thuốc ngoại, để bán chạy trên thị trường.

Theo ông, việc nhiều doanh nghiệp đã có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, đã vay vốn đầu tư là một tín hiệu rất tốt, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 80% thị phần. “Tôi được biết có những nhà máy sản xuất thuốc, trong đó có kháng sinh chất lượng tốt được đầu tư ở Việt Nam, sản phẩm đạt chất lượng tương đương và đang cạnh tranh mạnh mẽ với hàng ngoại”, ông Truyền nói.

MỚI - NÓNG