Mười dòng tin giữ được biệt thự triệu đô

Mười dòng tin giữ được biệt thự triệu đô
TP - Ngày 27/9/2006, trên trang nhất báo Tiền phong xuất hiện một  tin ngắn "Hà Nội: Bán biệt thự cho ông Hoàng Văn Nghiên", kèm theo bức ảnh cổng ngôi nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa.
Mười dòng tin giữ được biệt thự triệu đô ảnh 1
Biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Hà Nội)

Tin ngắn, không bình luận, tác giả chỉ nêu trung thực văn bản số 3285 của Văn phòng UBND TP Hà Nội gửi GĐ Sở TNMT & NĐ. Khi những dòng tin xuất hiện trên mặt báo lập tức gây ra hiệu ứng khá dữ dội cho công luận và dư luận. Có thể, nhiều người vẫn mơ hồ về ngôi biệt thự, về số nhà 12 trên một con phố không mấy tiếng tăm, nhưng tất thảy đều cảm thấy việc bán biệt thự cho ông cựu Chủ tịch TP là không ổn.

Các cơ quan ngôn luận “chạy đua” thông tin. Cả bộ máy chính quyền đồ sộ của Hà Nội dường như đã “vận hành” bất đắc dĩ theo bức công thư. Hàng vạn bạn đọc Hà Nội và cả nước đón đợi thông tin và ngóng trông vào phán quyết của chính quyền.

Thứ Bảy, ngày 29/9/2006 ý định “đột nhập” ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa lóe lên. Ngặt nỗi, chẳng ai đem thẻ nhà báo đi ăn sáng cả, chẳng may gia chủ hỏi thì thật...vô duyên.

May mắn thay, sau hai lần nhấn chuông, chị giúp việc ra mở cổng ngôi biệt thự, sau đó phu nhân của cựu Chủ tịch TP lịch sự mời các vị khách bất đắc dĩ vào nhà. So với cánh cổng rêu mốc bên ngoài, ngôi biệt thự hai tầng bên trong thật sự sang trọng.

Một rặng cau cảnh, những vạt cỏ nhật, cây cảnh và cả một khu nhà được quây lưới để cựu Chủ tịch TP tập golf. Ngồi trên những chiếc ghế da màu sữa ngắm kỷ vật của ông Hoàng Văn Nghiên thời còn đương chức trong phòng khách rộng chừng 40 m2 chan hòa ánh sáng, chúng tôi chờ đợi ông Nghiên. 

Ít phút sau, ông Nghiên bước từ cầu thang xuống, dáng vẻ hơi mệt mỏi có thể vì báo chí mấy ngày liền nêu tên ông và ngôi biệt thự ông ở trên mặt báo. Chúng tôi khá hồi hộp và lo. Nếu giới thiệu là nhà báo mà cụ thể hơn là báo Tiền phong, rất có thể sẽ bị mời khéo ra khỏi nhà. Vì lẽ đó mà chúng tôi chỉ giới thiệu “chung” là nhà báo.

Ông Nghiên đã không tỏ thái độ khó chịu. Trái lại, ông cảm ơn vì các nhà báo đã đến gặp ông. Trong câu chuyện, ông luôn chủ động kể về hoàn cảnh của mình như để chứng minh cho việc đến ở biệt thự này là hoàn toàn chính đáng.

Nhưng có thể vì cuộc gặp gỡ bất ngờ, nên trước một số câu hỏi của phóng viên ông chỉ ậm ừ và ít nhất có một lần “nóng mặt”. Ông Nghiên cho rằng ông làm đơn mua nhà là theo yêu cầu của Cty quản lý nhà và rằng việc bán hay không là do thành phố quyết định...

Thật sự chúng tôi thấy buồn vì ông Nghiên đã từng có hai khóa làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội và từng chỉ đạo việc bán nhà theo Nghị định 61 vậy mà lại làm đơn xin mua nhà khi biết rằng mình không thuộc đối tượng được mua. Khi hỏi: “Bây giờ ông đang ở nhà thuê, vậy thì ông đã tính đến việc tự lo lấy một ngôi nhà của riêng mình?”. Ông Nghiên trả lời: “Không! Khi nào nhà nước lấy nhà này thì tôi lại xin thuê cái khác”...

Xuất phát từ một tin ngắn, sau đó nhiều cơ quan báo chí đồng loạt lên tiếng và kết quả là biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa vĩnh viễn không bao giờ được bán cho ông Hoàng Văn Nghiên. Nhiều đồng nghiệp nói vui với chúng tôi:

“Trước đây đã tước đi chiếc xe Lexus mà cựu chủ tịch sử dụng quá tiêu chuẩn và nay lại tước nốt biệt thự “ngàn cây” của ông Nghiên. Thật quá đáng!”. 

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.