Những con đường “vắt” qua hai thế kỷ:

Mười năm không xong 600 mét đường!

Mười năm không xong 600 mét đường!
TP - Từ nhiều năm nay, ngân sách nhà nước đã gồng mình chi hàng ngàn tỷ đồng để hoá giải căn bệnh tắc đường. Tuy nhiên, nhiều dự án làm đường đã “vắt” qua hai thế kỷ mà vẫn chưa có hồi kết.
Mười năm không xong 600 mét đường! ảnh 1

Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, đội giá công trình và thậm chí làm gia tăng tai nạn giao thông là hậu quả mà những dự án này gây ra.

Tiến độ đạt 40% - kinh phí tăng gấp 3,5 lần

Cách đây 10 năm, trước những bức xúc về giao thông của khu vực Hào Nam, Cát Linh, La Thành, lãnh đạo TP Hà Nội chủ trương lập dự án đầu tư con đường nối từ đê La Thành lên Cát Linh rút ngắn quãng đường vòng thúng từ khu vực Hoàng Cầu vào trung tâm Hà Nội.

Tháng 5/ 2000, UBND TP Hà Nội đã có quyết định đầu tư dự án này. Dự án có mức đầu tư là 82 tỷ đồng, trong đó phần GPMB là 37,6 tỷ đồng.

Theo quyết định phê duyệt, con đường có mặt cắt khoảng 25m và được chia làm 3 đoạn, nhánh.

Nhánh 1: Từ Cát Linh đến cầu Bộ Tư lệnh Thông tin, dài 243m; Nhánh 2: Từ Bộ tư lệnh Thông tin đến Đê La Thành, dài 560m (đoạn chính của dự án); Nhánh 3: Từ cống Trịnh Hoài Đức đến Bộ Tư lệnh Thông tin, dài 497m...

Chủ đầu tư dự án là Ban QLDA Giao thông đô thị thuộc sở GTCC Hà Nội. Năm 2001, dự án đã được khởi công và theo như cam kết, dự án sẽ hoàn thành sau 2 năm.

Sau 7 năm thi công, hiện nay con đường vẫn là một công trường ngổn ngang. Tại đoạn đường chính (560m), phần cống hóa đã được thực hiện. Trên đó, người ta thảm một lớp bê tông.

Con đường chưa được sử dụng nên đã biến thành bãi đỗ xe, tập kết phế liệu và vật liệu xây dựng. Đặc biệt phía trái tuyến đường (chiều La Thành- Cát Linh) hiện có khoảng 100m3 phế thải choán toàn bộ làn đường và vỉa hè.

Chất thải chất cáo co chỗ lên đến 2m, khiến người ta nghĩ rằng đây là bãi tập kết phế liệu. Bên phải tuyến đường, dù được xây dựng cơ bản, song cuối tuyến đã bị  nhiều hộ dân án ngữ.

Đại diện chủ đầu tư thừa nhận dự án hiện mới thực hiện được khoảng 40%. Trong khi đó, tháng 3/2006, TP Hà Nội tiếp tục có quyết định điều chỉnh dự án.

Theo quyết định này, phần khối lượng công trình được bổ sung thêm 350m đường nhánh. Phần kinh phí, dự án có tổng mức đầu tư là 286,6 tỷ đồng (gấp 3,5 lần so với dự án được duyệt năm 2000 là 82 tỷ đồng).

Lý giải về sự đội giá này, đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án tăng giá chủ yếu do GPMB. Nếu như năm 2000, kinh phí GPMB là 37 tỷ đồng thì năm 2006 kinh phí GPMB đã điều chỉnh tăng lên 224 tỷ đồng (gấp gần 6 lần).

Mười năm không xong 600 mét đường! ảnh 2 Mười năm không xong 600 mét đường! ảnh 3
Một đoạn bên của dự án đường La Thành - Cát Linh hiện là bãi phế liệu Sau 10 năm thực hiện dự án con đường hiện bị tắc vì gặp phải nhà dân

Ách tắc do GPMB

Đoạn đường chính 560m đang trong tình trạng thi công dang dở. Việc cống hóa đoạn mương đã hoàn thành từ năm 2002, nhưng 5 năm sau, đoạn đường vẫn chưa hoàn chỉnh để sử dụng. Phía đông đoạn đường, hiện còn 250m2 nằm trên hè chưa GPMB.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, sở GTCC Hà Nội đảm nhiệm phần xây lắp công trình, phần GPMB của dự án do UBND quận Đống Đa đảm nhiệm. Vì lý do đó, nên chủ đầu tư cũng không thể “làm chủ” được tiến độ.

Theo kế hoạch mà chủ đầu tư phấn đấu thì trong năm 2007 này, dự án sẽ hoàn thành phần GPMB của phần dự án được duyệt ban đầu. Đoạn 350m bổ sung cũng sẽ được triển khai.

Dự án đường Cát Linh - La Thành được phê duyệt năm 2000 có tổng mức đầu tư 82 tỷ đồng.

Năm 2006, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 286,6 tỷ đồng, đến nay mới hoàn thành được 40% .

Dự án đường La Thành- Láng được phê duyệt năm 2001 và có tổng mức đầu tư 184 tỷ đồng.

Chiều dài toàn tuyến là 1.890m, đến nay dự án hoàn thành được 700 m đường.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là quyết tâm, còn trên thực tế lại là câu chuyện khác vì 10 năm trước, khi chuẩn bị và phê duyệt dự án, TP Hà Nội cũng có thừa “quyết tâm” hoàn thành dự án sớm.

Bên cạnh dự án đường La Thành - Cát Linh là dự án La Thành - Láng (dài 1,9km). Dự án cũng đã được phê duyệt năm 2001 và khởi công sau đó. Vậy nhưng sau 7 năm thực hiện, dự án này mới xây dựng xong 700 m đường.

Tiến độ trung bình của dự án đạt 100m đường/năm. Và sau 7 năm, dự án cũng mới đi được hơn 1/3 quãng đường. Các đoạn còn lại như: Trần Quang Diệu - Thái Hà; Thái Hà - Thái Thịnh; Thái Thịnh - đường Láng (gần 1.200m) vẫn chưa được động thổ.

Việc hai dự án chậm được thực hiện không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm tăng chi phí đầu tư mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tiến độ dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đi trùng tuyến với 2 dự án này.

Không biết với cách thực hiện dự án như vậy, đến bao giờ Hà Nội mới có thể cải thiện được tình trạng ùn tắc giao thông vốn rất nóng bỏng từ nhiều năm qua?

------------------------

Bài 2: Đường vành đai 3-  4 năm “đánh vật” với 2 cột điện

MỚI - NÓNG