Mười xe cấp cứu 115 'cõng' bốn triệu dân Hà Nội

Mười xe cấp cứu 115 'cõng' bốn triệu dân Hà Nội
TP - “Cả Hà Nội có trên 4 triệu dân, với hàng chục bệnh viện lớn nhỏ nhưng chỉ có vỏn vẹn 10 xe cấp cứu hoạt động 24/24, trong khi đường sá luôn tắc nghẽn" - BS Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội cho biết.
Mười xe cấp cứu 115 'cõng' bốn triệu dân Hà Nội ảnh 1
Xe cấp cứu 115 ở Hà Nội thiếu trầm trọng - Ảnh: Phạm Yên

"Chính vì vậy những khó khăn trong phục vụ công tác cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân trên địa bàn Thủ đô rất cần được người dân hiểu và chia sẻ” - Ông Nam phân trần.

Chờ đấy, xe hết rồi!

Ngày 14/11/2007, khi một nữ du khách người nước ngoài bị một xe máy vượt đèn đỏ đâm gãy chân ở trước cửa Bưu điện thành phố, một nhân viên khách sạn ở phố Hàng Bè đã gọi điện đến 115 yêu cầu hỗ trợ cấp cứu nạn nhân nhưng bị “hạch sách”.

Bí bức sau nhiều cuộc gọi, người dân đã phải quay sang nhờ xe khác để đưa nạn nhân đến bệnh viện.

Lý giải về trường hợp này, BS Trần Văn Nam xác nhận, nhân viên điều hành của Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm)có nhận được cuộc gọi nhưng khi đề nghị người gọi cung cấp một số thông tin như: địa điểm cấp cứu, số điện thoại yêu cầu cấp cứu thì người yêu cầu cấp cứu nói là có việc phải đi ngay và dập máy.

Sau đó, Trung tâm 115 tiếp tục nhận được một số cuộc điện thoại khác gọi đến yêu cầu cấp cứu trường hợp trên.

Đấy là việc lý giải của ông Giám đốc Trung tâm 115, nhưng tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân cho rằng, 115 là số điện thoại để gọi cấp cứu, nhưng nhiều khi gọi mà phát bực!

“Có lần trên đường từ cơ quan về, tôi gặp một vụ tai nạn giao thông. Thấy nạn nhân bị thương nặng, máu chảy nhiều, tôi liền gọi 115 để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Thế nhưng, trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng” mà người trực tổng đài cứ vặn hỏi mãi nào là số điện thoại, tên tuổi, địa chỉ...

Sau đó nhân viên trực nói lạnh lùng “Chờ đấy, xe hết rồi”. Bực quá, tôi và người dân đi đường liền gọi taxi cho nhanh, chứ chờ xe cấp cứu đến bao giờ?” - Anh Hoàng Trung, ở Thanh Xuân kể.

Không chỉ vậy, nhiều người dân cho rằng, khi gọi điện 115, yêu cầu được trợ giúp thì phương tiện cũ kỹ, không đúng như yêu cầu. Mới đây nhất, một trường hợp ở huyện Từ Liêm bị tai nạn giao thông, người nhà của nạn nhân đã “phát khùng” đến nỗi đánh nhân viên 115, chỉ vì họ gọi xe ôtô thì Trung tâm này lại điều xe máy tới.

10 xe "cõng" hơn 4 triệu dân

Mười xe cấp cứu 115 'cõng' bốn triệu dân Hà Nội ảnh 2
Ở Trung tâm vận chuyển cấp cứu Hà Nội - 11 Phan Chu Trinh - Ảnh: Phạm Yên

Dù thiếu phương tiện và con người nhưng ông Nam vẫn khẳng định những cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ cấp cứu, Trung tâm đáp ứng được tới 95%. Nói rồi, ông Nam đưa ra những con số “biết nói” của Trung tâm.

Từ khi ra đời năm 1997 với 3 xe, đến nay đã 10 xe với tổng quân số 131 cán bộ công nhân viên và 4 trạm cấp cứu ở các khu vực khác nhau. Số lượt vận chuyển của Trung tâm tăng lên gấp 10 lần, thế phải nói là chúng tôi rất nỗ lực vì dân mới đúng” - Ông Nam nói.

Theo ông Nam, điều bất cập hiện nay của hệ thống cấp cứu 115, nếu áp theo tiêu chuẩn Việt Nam thì Hà Nội tối thiểu phải có trên 30 xe hoạt động 24/24 thì mới đáp ứng được theo quy định trong Thông tư 09 của Bộ Y tế là  cứ 100.000 dân thì phải có 1 xe cấp cứu.

“Với dân số của Hà Nội hiện nay thì thành phố phải có ít nhất 40 xe mới có thể tạm đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhu cầu ngày càng lớn nhưng phương tiện vận chuyển thì lạc hậu. Trong số 10 xe của Trung tâm chỉ có 2 xe nhập thêm từ 2005, còn lại có xe được cấp từ năm 1993 - 1994” - Ông Nam nói.

Đại diện Trung tâm 115 cũng cho biết, một khó khăn khác của công tác vận chuyển cấp cứu đó là do hệ thống tổng đài của Trung tâm nhiều lần bị gọi điện quấy rối. Nhiều lần nhân viên tổng đài khi nhấc điện thoại thì đầu dây bên kia im lặng không nói gì, có trường hợp chửi bậy, trêu đùa hoặc cung cấp những thông tin cấp cứu giả.

Một số trường hợp chọc phá nhiều đến mức các nhân viên trực tổng đài “quen” nghe giọng là biết sẽ bị chọc phá thế nào. Các cuộc gọi quấy rối về đêm xuất hiện nhiều hơn. 

Ngoài những điều nói trên, một bất cập nữa đó là việc vận chuyển cấp cứu là việc hết sức cần thiết mà những người trong ngành y tế ai cũng nhìn thấy, nhưng đến nay Bộ Y tế mới đang “rục rịch” tiến hành soạn thảo “Quy chế cấp cứu cộng đồng ngoài bệnh viện 115”, để áp dụng thống nhất trên cả nước.

Trong một cuộc họp bàn về tình hình cấp cứu ngoài viện mới đây ở TPHCM, nhiều chuyên gia trong ngành đã đặt ra các vấn đề sau cần phải giải quyết đó là:

- Tai nạn chấn thương ngày càng nhiều, nạn nhân nếu may mắn được cấp cứu tại hiện trường thì lại gặp những người không chuyên nghiệp.

- Phương tiện vận chuyển cấp cứu thiếu.

- Nếu có xe thì vấn đề vận chuyển đường bộ lại gặp trở ngại do tình hình kẹt xe ngày càng nặng nề.

- Chưa có được sự phối hợp của nhiều ngành cho việc cấp cứu bình thường chứ chưa nói đến khi phải cấp cứu thảm họa, dịch bệnh.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.